Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 2-1, ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn kiêm Chánh Văn phòng Bộ GTVT, cho biết: Cách đây không lâu, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ, trong đó cũng đã tính tới phương án thu phí đối với xe máy, ô tô nhằm sửa chữa, duy tu đường sá. Muốn có thêm một khoản tiền để làm mới hạ tầng giao thông thì cần thiết phải có thêm khoản thu, trong đó có việc thu phí lưu hành phương tiện xe cá nhân.
TS Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (ĐH GTVT Hà Nội), cho rằng: Việc thu phí lưu hành xe chỉ làm tăng ngân sách chứ không tác động đến hành vi sử dụng xe máy của người dân, không làm giảm số lượng người sử dụng xe máy và vì vậy không làm giảm ùn tắc giao thông. Khi người ta sở hữu xe máy và bị đóng phí lưu hành thì đương nhiên họ sẽ sử dụng xe máy vì đằng nào cũng đã đóng phí rồi. Các nước trên thế giới phân biệt rất rõ hành vi gây ách tắc giao thông để thu phí chứ không thu phí theo đầu xe mà người dân sở hữu.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TPHCM: Mức thu phí lưu hành từ 500.000 đến 1 triệu đồng/năm đối với mô tô, xe máy như vậy là cao so với mặt bằng chung hiện nay, nhất là khi người dân đã phải đóng quá nhiều loại phí trong cuộc sống. Có thể thấy rằng trong hoàn cảnh hiện nay, người dân không thể bỏ xe máy nên việc thu phí lưu hành xe không làm giảm ùn tắc giao thông mà chỉ thêm gánh nặng cho người dân. Khi phương tiện vận tải hành khách công cộng tốt thì người dân mới có thể rời chiếc xe máy, khi đó, ùn tắc giao thông mới giảm.
Sắp tới, nếu Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát khí thải do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) xây dựng thì mỗi lần đi kiểm định, người dân tiếp tục phải móc hầu bao từ vài chục ngàn tới vài trăm ngàn đồng để nhận được tem/phiếu đạt chuẩn. Nếu tính cả phí cho quỹ bảo trì đường bộ đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt thì người dân đi ô tô, xe máy sẽ liên tục phải chịu khoảng 4-6 khoản phí.
Thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng hiện có khoảng 11 triệu xe máy. Nếu thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT thì khoản tiền thu được lên tới trên 5.500 tỉ đồng. Chưa hết, nếu thu phí lưu hành phương tiện đối với ô tô, Bộ GTVT mỗi năm có thể thu hàng ngàn tỉ đồng… Đó là chưa tính tới việc thu phí đối với phương tiện vào trung tâm TP giờ cao điểm cũng sẽ thu về một khoản tiền rất lớn.
Thạc sĩ Phạm Sanh, giảng viên Trường ĐH GTVT, cho rằng nếu Nhà nước cần huy động trong dân một khoản tiền để xây dựng, sửa chữa đường sá thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu nói thu phí lưu hành xe để giảm ùn tắc giao thông thì không ổn. Ở các nước như Anh, Singapore, họ chỉ thu phí ô tô đi vào khu trung tâm trong giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc giao thông. Vả lại, hệ thống giao thông của họ phát triển toàn diện, người dân không sử dụng phương tiện cá nhân thì họ sử dụng phương tiện công cộng nên việc thu phí có thể chấp nhận được.
Tăng mạnh phí trước bạ ô tô, xe máy Từ ngày 1-1-2012, Hà Nội áp dụng mức lệ phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi với mức tăng từ 12% lên 20%. Các loại ô tô vận tải hành khách có mức phí đăng ký lần đầu là 500.000 đồng, ô tô dưới 10 chỗ ngồi áp mức phí đăng ký và cấp biển số mới là 20 triệu đồng, gấp 10 lần mức phí đang áp dụng. Đối với một số loại xe máy cấp biển số lần đầu cũng áp dụng mức mới: Xe có trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống chịu mức phí mới là 500.000 đồng, còn xe từ 15 đến 40 triệu đồng áp dụng mức phí mới là 2 triệu đồng (gấp 2 lần); xe có trị giá 40 triệu đồng trở lên có mức phí là 4 triệu đồng (gấp 2 lần). Tại TPHCM từ ngày 1-1, áp dụng lệ phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi tăng lên 15%.
Bình luận (0)