xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Theo dấu “kỳ lân châu Á”

Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG

Sao la - loài thú được mệnh danh là “kỳ lân châu Á”, “biểu tượng của châu Á”... - vừa được phát hiện tại khu rừng Quảng Nam. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui là nỗi lo loài thú cực kỳ quý hiếm này bị săn lùng tận diệt

Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam và Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam vừa công bố các bức ảnh chụp sao la quý hiếm, sau 15 năm mới phát hiện ở tỉnh này. Nhiều năm nay, để tìm hiểu liệu sao la có tồn tại ở dãy rừng Trường Sơn hay không, các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân đã kỳ công theo dõi, đặt “bẫy” để ghi lại hình ảnh chúng.
img
Cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn sao la Quảng Nam tuần tra khu vực vừa phát hiện sao la

Phát hiện nghẹt thở

Ông Đặng Đình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Khu Bảo tồn sao la Quảng Nam - hồ hởi: “Việc chụp được ảnh sao la khiến chúng tôi rất bất ngờ và vui mừng không thể tả. Những nỗ lực trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học đặc biệt của quốc gia đã có kết quả. Sự kiện này còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài sao la của Việt Nam”.

Ông Nguyên cho biết tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể sao la được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998. Nhận định trên dãy Trường Sơn có dấu hiệu tồn tại loài sao la quý hiếm, tháng 4-2011, dự án Dự trữ các-bon và Bảo tồn đa dạng sinh học của WWF được triển khai với sự phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam và Ngân hàng Phát triển Đức.

Trong 2 năm qua, những người truy tìm dấu vết sao la đã thực hiện nhiều biện pháp rất công phu: Điều tra, xác định dấu chân, thức ăn, phân, lấy máu loài vắt gửi xét nghiệm ADN để phân tích tìm mẫu máu của sao la. Cuối cùng, bằng biện pháp camera trap (đặt bẫy ảnh), các cán bộ kiểm lâm và WWF đã thu được thành quả: Tối 7-9, camera trap đã chụp được hình ảnh một chú sao la di chuyển dọc con suối ở một thung lũng hẻo lánh của dãy Trung Trường Sơn.

“12 camera do WWF tài trợ được đặt ở các khu rừng dựa vào kinh nghiệm, thông tin từ người dân địa phương và theo hướng dẫn của các chuyên gia. Loại camera này tự động ghi lại hình ảnh bằng cảm ứng nhiệt khi có động vật đi qua. Mỗi tháng, người của khu bảo tồn đi tháo “bẫy” kiểm tra, thay pin và lấy đoạn phim chụp được. Các đoạn phim này được gửi ra Hà Nội để phân tích tìm hình ảnh. Công việc này được chúng tôi thực hiện hết sức tỉ mỉ, công phu” - ông Nguyên nhớ lại.

Thông tin về loài thú được mệnh danh là “kỳ lân châu Á”, “biểu tượng của châu Á” xuất hiện trở lại đã làm nức lòng nhiều người, nhất là giới khoa học và bảo tồn. “Lần đầu tiên nhìn thấy các bức ảnh, tôi không thể tin vào mắt mình. Sau 15 năm sao la biến mất và sau chừng ấy thời gian chờ đợi, những nhà khoa học cũng như làm công tác bảo tồn đã thỏa nguyện. Sao la được những nhà bảo tồn xem là báu vật nên chúng tôi vô cùng háo hức. Đây là một khám phá nghẹt thở” - TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, thổ lộ.

Lo bảo vệ, phát triển

Theo ông Đặng Đình Nguyên, những hiểu biết về sinh thái và tập tính của sao la Việt Nam hiện vẫn còn rất hạn chế. Điều đó đã gây khó khăn cho các nhà khoa học trong việc đưa ra ước tính chính xác về quần thể loài thú bí ẩn này.

Tại Quảng Nam, vào tháng 7-2012, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án thành lập khu bảo tồn sao la rộng hơn 15.000 ha gồm 22 tiểu khu và vùng đệm. Khu bảo tồn gồm rừng và đất rừng ở các xã Bhalee, A Vương (huyện Tây Giang), Sông Kôn, Tà Lu (huyện Đông Giang), giáp giới tỉnh Thừa Thiên - Huế và Lào.

Trước khi cho công bố những hình ảnh sao la vừa phát hiện được hôm 7-9, cả WWF Việt Nam lẫn Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã không khỏi băn khoăn. “Chúng tôi trăn trở rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn quyết định công bố các bức ảnh để chứng minh sự tồn tại của loài thú quý hiếm này. Chúng tôi nhận thức rõ về sự an toàn của các cá thể sao la sau khi thông tin được công bố, bởi luôn lo ngại những đối tượng săn bắn thú rừng. Tuy nhiên, việc công bố thông tin là điều cần thiết” - ông Nguyên lý giải.

Hiện nay, lực lượng tuần tra bảo vệ chuyên trách Khu Bảo tồn sao la Quảng Nam - gồm 20 người - ngày đêm âm thầm lặn lội giữa rừng sâu giữ gìn môi trường sống cho những cá thể sao la quý hiếm. Họ có nhiệm vụ ngăn chặn các mối đe dọa môi trường sống của sao la như phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy, săn bắn thú rừng. Lực lượng chia thành 4 tổ thay phiên nhau tuần tra liên tục trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, mỗi chuyến kéo dài 6-8 ngày.

Mới đây, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cũng đã tổ chức cuộc họp với WWF Việt Nam để đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ sao la cũng như phương án phát triển loài thú quý hiếm này trong thời gian tới.
 
img
Hình ảnh sao la mà camera trap vừa chụp được tại vùng rừng Quảng Nam

Thừa Thiên - Huế: Nhiều dấu hiệu có sao la

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sao la được phân bố tại nhiều khu rừng Trường Sơn từ Nghệ An đến Quảng Nam. Riêng tại Thừa Thiên - Huế, nhiều nghiên cứu cho thấy loài động vật cực kỳ quý hiếm này vẫn tồn tại ở khu rừng phía Tây các huyện Nam Đông, Hương Thủy, A Lưới.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu Bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế, cho biết khu bảo tồn này cũng được trang bị các camera trap nhằm thu thập hình ảnh của sao la. “Hiện chúng tôi chỉ có 20 bẫy ảnh, trong khi khu bảo tồn rộng trên 15.000 ha. Có thể việc đặt bẫy ảnh chưa phù hợp nên chưa ghi lại được hình ảnh sao la nhưng trước sau gì chúng tôi cũng chụp được!” - ông Tuấn quả quyết.

Có nhiều dấu hiệu mà ông Tuấn cho rằng sao la đang sinh sống tại khu bảo tồn này. Vào tháng 6-2011, người dân trình báo với khu bảo tồn về việc có hộ kinh doanh thú rừng mua được một xác sao la. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì hộ này chối phắt. Sau đó một thời gian, Đồn Biên phòng 637 tại huyện A Lưới thông báo một số cán bộ, chiến sĩ khi đi dọc khe suối đã nhìn thấy sao la lướt qua...

Mới đây, mang lớn và thỏ vằn đã được phát hiện tại Khu Bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế. “Hai loài này có giá trị khoa học gần giống sao la, địa bàn phân bố cũng tương đồng nên chắc chắn sao la vẫn tồn tại ở Thừa Thiên - Huế” - ông Tuấn khẳng định.

Ngoài việc đặt bẫy ảnh, Khu Bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế còn tổ chức bắt vắt lấy máu, sau đó gửi mẫu sang Thụy Sĩ, Thụy Điển… để xét nghiệm ADN xem chúng từng hút máu sao la chưa.

Q.Nhật

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo