* Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về vai trò, vị trí và đóng góp của Quốc hội (QH) trong tiến trình phát triển đất nước?
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Trong 70 năm qua, từ ngày nhân dân bầu ra QH Việt Nam, QH là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan đại biểu duy nhất của nhân dân, đã quyết định rất nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.
Về công tác lập pháp, QH đã xây dựng, thông qua 5 bản Hiến pháp, hàng chục văn bản luật khác nhau để thể chế hóa Hiến pháp và quản lý, phát triển đất nước.
Về hoạt động giám sát, ngay kỳ họp thứ 2 của QH khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra hoạt động giám sát của QH với 81 câu hỏi chất vấn từ rất nhiều đảng, phái đối với nhiều vấn đề của đất nước thời điểm đó và phiên chất vấn kéo dài đến 22 giờ. Hoạt động giám sát lần đầu tiên trong lịch sử QH Việt Nam truy đến cùng các vấn đề được đặt ra. Có thể nói tinh thần dân chủ đã được QH thực thi rất sớm, ngay từ ngày đầu thành lập. Tinh thần dân chủ trong hoạt động của QH được duy trì cho đến nay với rất nhiều cuộc giám sát chuyên đề, những phiên chất vấn tại kỳ họp QH được duy trì liên tục trong 13 khóa QH và không ngừng được đổi mới.
Điển hình như kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015), QH đã có sự đổi mới khi truy đến cùng việc thực hiện trả lời chất vấn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015. Tại phiên chất vấn đã làm rõ việc thực hiện lời hứa đến đâu, những điểm nào chưa hoàn thành và QH tiếp tục giao nhiệm vụ tiếp theo để làm cơ sở chuyển lại cho QH khóa XIV tiếp tục giám sát cho đến khi vấn đề được tháo gỡ.
Đặc biệt, việc QH tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy tác dụng rất lớn khi lần đầu nhiều vị “tư lệnh” chưa kịp chuyển biến nhanh thì sau đó đã vực dậy ngành của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ để đạt lại số phiếu tín nhiệm cao. QH nhiều nước cũng tham khảo hình thức giám sát này của QH Việt Nam.
Về nhiệm vụ quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong 70 năm qua, QH đã trực tiếp quyết định nhiều vấn đề có tính sinh mệnh như quyết định kháng chiến chống thực dân, đế quốc; thống nhất đất nước... Đến thời kỳ xây dựng đất nước, QH góp phần vào đổi mới quyết sách về kinh tế hay quyết định những công trình trọng điểm quốc gia như đường dây 500 KV, thủy điện Sơn La, khí điện đạm Cà Mau, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, sân bay Long Thành...
Bên cạnh việc QH biểu quyết thông qua những dự án, công trình quốc gia thì QH cũng biểu quyết không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam vào năm 2010 vì thời điểm đó, QH nhìn nhận nguồn lực đất nước chưa bảo đảm và lo lắng về nợ công.
Với 3 chức năng nhiệm vụ chính trên, QH Việt Nam trong 70 năm qua đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được cử tri và nhân dân giao phó.
* Tinh thần đổi mới của QH được duy trì nhiều năm qua. Vậy khóa QH XIV kỳ vọng sẽ có đổi mới mạnh mẽ hơn nữa?
- Vai trò, vị trí và đóng góp QH khóa XIV sẽ tốt hơn hiện nay và trước đây do được kế thừa kinh nghiệm, bài học từ QH các khóa trước, nhất là khóa XIII. QH cũng nằm trên guồng quay hội nhập của đất nước với hàng loạt cơ hội mở ra. Trong tiến trình hội nhập sâu rộng này, QH phải góp phần xây dựng hành lang pháp lý và giám sát hội nhập.
Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của QH còn phụ thuộc vào việc tổ chức tốt bầu cử đại biểu (ĐB) QH khóa XIV. Bầu cử lựa chọn ra các ĐBQH chất lượng sẽ quyết định việc nâng cao vị trí, hoạt động của QH.
* QH khóa XIII cũng còn một số ĐBQH chưa tròn vai, thậm chí vi phạm pháp luật. Vậy để sàng lọc, lựa chọn ra những ĐBQH chất lượng nhất, Hội đồng Bầu cử quốc gia khóa XIV sẽ có biện pháp gì, thưa ông?
- Đây chính là nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử quốc gia nhằm chọn ra được những ĐB ưu tú bằng cách cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết nhất về người được giới thiệu cũng như tự ứng cử để người dân lựa chọn bỏ phiếu bầu. Cùng với đó, xây dựng số dư tương đối để người dân có nhiều sự lựa chọn hơn. Mặc dù phải bảo đảm cơ cấu, thành phần trong QH nhưng chất lượng ĐBQH phải được đặt cao hơn, việc thẩm tra tư cách ĐB được làm chặt chẽ, công bằng cả người được giới thiệu và tự ứng cử.
* Là một ĐBQH, ông thấy tâm đắc với câu chuyện gần dân nào nhất?
- Chiều 4-1, khi tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, tôi được nghe câu chuyện của viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên ĐBQH 5 khóa, đối với một người dân vùng chiêm trũng tỉnh Hà Nam. Khi đó, người dân muốn được canh tác trên bãi bồi nhưng chính quyền không cho phép vì lo bà con xây nhà kiên cố.
Ông Hiệu đã nhiều lần lặn lội đến với dân nghe bà con tâm sự mong muốn được canh tác chứ không phải dựng nhà. Đem mong mỏi này đến với chính quyền, người đứng đầu ủy ban xã ủng hộ ngay, vậy là bà con có thêm đất đai để trồng cấy. Tết đến, bà con đến tận nhà viện sĩ cảm ơn. Qua câu chuyện này, tôi nghiệm ra rằng là ĐBQH tròn vai, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính từ những việc rất nhỏ, tận tâm với nhân dân và theo đuổi đến cùng mong muốn chính đáng của dân.
Bình luận (0)