Thi công 7 năm được... 600 m
Dự án xây dựng tuyến kè Xóm Chài được chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt tháng 7-2001 và tổ chức thi công vào tháng 9-2001. Ban đầu, dự án do Sở Xây dựng tỉnh Cần Thơ (cũ) làm chủ đầu tư. Đến tháng 10-2004, dự án được UBND TP Cần Thơ (cũ) chuyển giao cho Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng TP quản lý. Theo thiết kế, dự án bao gồm tuyến kè dài 2.306 m, 5 cầu tàu, đường thông sau kè, hệ thống chiếu sáng công cộng và 10,4 ha công viên cây xanh. Tổng mức đầu tư của dự án này là 171,53 tỉ đồng, với mục đích xây dựng để tạo cảnh quan môi trường cho khu vực bến Ninh Kiều, chống sạt lở, góp phần chỉnh trang đô thị... Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2003.
Tuy nhiên, do triển khai thi công khi chưa thực hiện bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án, nên công trình này gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các hộ dân. Chính vì thế, dự án có 8 gói thầu nhưng chỉ khởi công được một gói thầu duy nhất là xây dựng tường kè, đoạn từ cầu Quang Trung đến kinh 26-3. Đến giữa năm 2006 khi dự án mới xây dựng được khoảng 600 m, thì công trình phải tạm ngưng thi công cho đến nay do không có mặt bằng.
Chi phí tăng gần 200 tỉ đồng
Kè Xóm Chài là một điển hình thực hiện “quy trình ngược” trong việc thực hiện dự án. Theo nguyên tắc, phải bồi thường thiệt hại, hỗ trợ di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng rồi mới tiến hành thi công dự án. Thế nhưng, dự án được phê duyệt và thực hiện từ năm 2001, mãi đến năm 2004 mới xây dựng khu tái định cư. Cho đến tháng 5-2006, UBND TP Cần Thơ mới có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư cho 358 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Trước những bức xúc của người dân, sự ì ạch của dự án, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Cần Thơ và các ngành liên quan đã tổ chức 2 đợt giám sát vào tháng 6-2006 và tháng 4-2007. Kết quả giám sát cho thấy: Nguyên nhân công trình thi công kéo dài là do ngay từ đầu chưa có chính sách đền bù thiệt hại của dự án; sự phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt. Do việc chậm triển khai thi công đã kéo theo bù trượt giá về giá trị xây lắp, hệ số nhân công, chi phí đền bù và các chính sách hỗ trợ... Từ đó, dẫn đến tăng vốn đầu tư từ 171,53 tỉ đồng lên 351,49 tỉ đồng, gấp đôi so với dự toán ban đầu.
Bình luận (0)