Hầu hết người dân các phường 1, 2, 3... quận 6, khi được hỏi về chương trình phân loại rác từ nguồn được áp dụng từ tháng 3-2006 đều ủng hộ nhưng vẫn băn khoăn vì quy trình thiếu đồng bộ.
Mỗi ngày, phân loại được 6 tấn rác hữu cơ
Rác được phân loại ngay tại nhà ông Nguyễn Văn Lành thuộc P.8, Q.6 - TPHCM Ảnh: B.Trung |
Phân loại rác từ nguồn là giải pháp nhằm tận dụng lại nguồn nguyên liệu gồm: rác hữu cơ làm phân bón, rác vô cơ như thủy tinh, nhựa, kim loại... dùng để tái chế, hạn chế tối đa việc chôn lấp.
Thế nhưng ở TPHCM, cách làm này được thí điểm ở một vài khu phố tại quận 5 và 10 vào năm 1997, nay tiếp tục thí điểm trên địa bàn quận 6.
Phường 8 được chọn thực hiện chương trình, sau 2 tháng người dân đã nhận thấy những lợi ích từ việc làm này.
Bà Trần Thị Thu Vân, Chủ tịch UBND quận 6, cho biết chính nhờ sự đồng thuận của người dân nên tỉ lệ phân loại rác đạt yêu cầu ngày càng tăng. Quận cho triển khai thêm 3 phường khác và đến nay có 7/14 phường tham gia.
Ông Trần Văn Danh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích quận 6, hồ hởi: “Hiện mỗi ngày quận phân loại được khoảng 6 tấn rác hữu cơ và nguồn rác này được chôn tại khu vực riêng ở bãi rác Gò Cát.
Khi nào TP có nhà máy chế biến rác hữu cơ nguồn rác này sẽ được tận dụng”. Qua kiểm tra, tỉ lệ phân đúng loại rác đang ngày càng tăng cao, từ 45% như lúc đầu hiện đạt đạt tối thiểu 68%, có nơi lên đến 89%.
Phân loại rồi... đổ chung!
Tuy mục tiêu thí điểm đạt được là nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác, nhưng sự thiếu đồng bộ trong quy trình từ địa phương đến TP đã đặt chương trình trong tình thế không chóng thì chày sẽ phá sản. Ông Danh nêu ra những khó khăn, về phía người dân là thói quen cũ còn nặng, thực hiện lấy lệ, chưa tự giác, chỉ làm khi được nhắc nhở...
Tuy nhiên, đau đầu nhất là hiện tượng phân loại rồi... đổ chung. Ông Danh cho biết, qua kiểm tra cho thấy, những người đi nhặt ve chai đã bới tung và trộn lẫn các rác được người dân phân loại khi họ để trước nhà chờ xe lấy rác. Một số đơn vị thu gom rác dân lập sử dụng xe thô sơ (ba gác đạp, ba gác máy, xe lam), chưa đầu tư xe rác cải tiến với thiết kế hai ngăn riêng biệt nên cũng dẫn đến tình trạng rác được phân loại bị trộn lẫn trong quá trình vận chuyển.
Chưa hết, hiện mỗi ngày lượng rác trên toàn địa bàn quận khoảng 330 tấn, song địa phương chỉ có trạm trung chuyển rác Bà Lài với công suất 60 tấn/ngày và công nghệ không đáp ứng được nhu cầu phân loại rác. Tiếp đó từ trạm rác lại chở lên bãi rác Gò Cát để chôn lấp chứ không phải được xử lý. Trao đổi với chúng tôi về việc này, nhiều người dân địa phương tỏ ra bức xúc khác nào chương trình đang sử dụng công nghệ “phân loại rồi... đổ chung”, khiến công sức của các hộ gia đình đem đổ sông, đổ biển!
Chờ đến năm 2007, 2010
Đánh giá về chương trình phân loại rác từ nguồn, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, khẳng định: “TP sẽ từng bước giải quyết những khó khăn cho địa phương trong thí điểm cũng như mở rộng cho các quận, huyện khác và không để chương trình phá sản”.
Theo ông chiến, hiện mỗi ngày TP thải ra khoảng 6.000 tấn rác và hầu hết được đưa đi chôn lấp với số tiền ngân sách chi ra dành cho việc thu gom, vận chuyển trên 300 tỉ đồng. Nếu chỉ còn 15% trên tổng số rác thải phải chôn lấp sẽ giúp TP giảm quỹ đất chôn rác. Mới đây, tại bãi rác Gò Cát đã thực hiện thành công việc tạo ra phân hữu cơ từ rác, nhưng để ứng dụng vẫn còn quá trình dài.
Việc phân loại xong rồi chôn lấp, ông Chiến cho biết hầu hết các nhà máy xử lý rác thải hữu cơ, tái chế rác vô cơ đang trong quá trình đầu tư xây dựng nên sớm nhất cũng phải đến hết năm 2007 mới đi vào hoạt động nên còn phải chờ. Còn chương trình vận hành trơn tru đồng bộ từ địa phương đến TP phải chờ ít nhất đến năm 2010.
Bình luận (0)