Ngỡ ngàng, thán phục là những gì mà người dân dành cho các chiến sĩ Đội Cứu hộ - Cứu nạn, Phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Sở Cảnh sát PCCC - Công an TPHCM khi chứng kiến các anh lặn tìm thi thể một thủy thủ dưới đáy sông sâu cạnh cửa biển Cần Giờ suốt một ngày đêm.
Mạo hiểm dưới đáy sông sâu 30 m
Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cứu hộ - Cứu nạn, nhớ lại: “Hôm ấy là lần đầu tiên anh em lặn xuống độ sâu khoảng 30 m. Khu vực cứu hộ là hầm máy nằm ở đáy tàu nên lối đi rất hẹp, có nhiều vật dụng sắc bén dễ cắt đứt ống thở, nếu anh em sơ suất sẽ nguy hiểm tính mạng bởi ở độ sâu này khó mà trồi lên kịp”.
Chiều 10-2, tàu Biển Nam 17 dài 79 m, ngang 12 m, chở hơn 3.000 tấn phôi xi măng đậu trên sông Nhà Bè - TPHCM bị tuột dây neo, trôi tự do và va chạm vào mũi một chiếc tàu nước ngoài. Mạn phải tàu Biển Nam bị thủng và chìm dần, 11 thủy thủ kịp nhảy xuống xuồng cứu nạn thoát thân, riêng anh Nguyễn Quang Tú (quê Hải Dương) mất tích.
Đến hiện trường, các chiến sĩ Đội Cứu hộ - Cứu nạn cùng chủ tàu vẽ lại chi tiết từng khoang với 3 tầng và 1 hầm máy, không loại trừ khả năng nạn nhân ở đâu đó. Trong 2 giờ lặn tìm tại các khoang tầng 2 và 3, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy anh Tú. Do thủy triều xuống, tổ công tác phải tạm ngưng tìm kiếm. Đến 21 giờ 30 phút, khi con nước chảy nhẹ, 2 tổ cứu hộ nhanh chóng lao xuống sông tiếp tục lục tìm các buồng ngủ với hy vọng khi tàu chìm, nạn nhân quay về lấy đồ.
Đến 1 giờ 30 phút sáng 11-2, sau nhiều giờ lặn tìm, đội vẫn chưa tìm được thi thể anh Tú. “Trên bờ, người nhà của anh đau khổ dõi mắt trông theo từng cử chỉ của lực lượng cứu hộ. Họ nhổm người dậy khi có chiến sĩ trồi lên, đôi lúc mừng hụt rồi thở dài, tiếng nấc nghẹn vang lên giữa đêm khuya làm xốn lòng anh em. Tổ công tác tính tiếp tục lặn tìm nhưng do trời lạnh và tối nên đành tạm ngưng” - thượng úy Tuấn kể.
“Lặn dưới nước như người mù, chúng tôi dùng tay mò mẫm mọi thứ, khi chạm vào ngón chân Tú, tôi xác định thi thể anh bị kẹt giữa 2 máy tàu nhỏ. Tôi nhẹ nhàng đưa thi thể anh ra rồi bóp vào tay Huy ra hiệu đã tìm được. Lập tức, 2 anh em hỗ trợ nhau bế thi thể anh Tú ngoi lên. Khi nạn nhân được đưa lên bờ, mọi tiếng nấc nghẹn của người nhà òa vỡ. Thi thể anh Tú trên tay tôi không còn quần áo vì bị nước cuốn trôi hết...” - anh Dũng xúc động.
Mặc mắt cay, lòng đau…
Vụ đắm tàu Dìn Ký làm 16 người chết, trong đó có rất nhiều trẻ em, xảy ra hồi tháng 5-2011 ở Bình Dương, đến nay nhắc lại vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Một ngày 2 đêm liên tục dò tìm vị trí tàu chìm và thi thể các nạn nhân là khoảng thời gian quá dài với các chiến sĩ Đội Cứu hộ - Cứu nạn. Lực lượng cứu hộ phải mất hơn nửa ngày dò tìm vì các nạn nhân còn sống do hoảng loạn nên cung cấp không đúng vị trí tàu gặp nạn.
Trong khi đó, trên bờ sông Sài Gòn, hàng trăm thân nhân vật vã, đau đớn trông chờ từng phút giây người nhà mình được tìm thấy. Lực lượng cứu hộ càng bị áp lực hơn khi rất đông người dân tụ tập hai bên bờ sông dõi theo từng cử chỉ của các anh. Đâu đó văng vẳng lời chê trách, tiếng thở dài của người dân vì công tác cứu hộ không được suôn sẻ. Ít ai biết rằng hàng chục trái tim nóng vẫn đầy quyết tâm, bỏ mặc tất cả để nhanh chóng tìm thấy và đưa các nạn nhân lên bờ.
“Có người nói chúng tôi làm nghề này riết rồi quen, cảm xúc bị chai mất nhưng không bao giờ. Những giây phút càng đau thương, chúng tôi càng không thể khóc, phải bình tĩnh mới tìm kiếm được người bị nạn. Hoàn thành nhiệm vụ rồi, mắt có cay, lòng có đau cũng không muộn” - ông Nguyễn Ngọc Tốt, một chiến sĩ cứu hộ với gần 40 năm trong nghề, tâm sự.
Anh Nguyễn Cao Long cũng tham gia buổi cứu hộ hôm ấy nhớ lại: “Khi bế trên tay thân hình nhỏ xíu của các em, chúng tôi không ai bảo ai, phải thật nhẹ nhàng và cẩn thận”. Riêng nạn nhân cuối cùng là bé Khánh, do gặp dòng nước xoáy nên lực lượng cứu hộ phải tạm dừng. “Không tìm được Khánh, nhiều chiến sĩ rất buồn bã, áy náy” - ông Tốt nhớ lại. Hôm sau, khi xác tàu được trục vớt thì người ta mới phát hiện thi thể bé Khánh nằm sâu dưới hầm máy.
“Những thông tin trên mặt báo sau đó càng khiến chúng tôi đau lòng khi biết gia cảnh Khánh rất nghèo, cha mẹ ly dị, chị em bé phải sống với bà ngoại. Anh em trong đội liền vận động đóng góp một ngày công để hỗ trợ gia đình bé. Hơn 5 triệu đồng được các chiến sĩ đưa tận tay bà ngoại Khánh khiến bà không cầm được nước mắt… Sau mỗi lần cứu hộ, mọi chuyện không phải chấm dứt. Mỗi vụ việc cho chúng tôi thêm kinh nghiệm, thêm nghị lực và tình người trong khốn khó” - đội trưởng Huỳnh Văn Tuấn thổ lộ.
Luôn đối mặt hiểm nguy
Được thành lập từ tháng 10-2006 - ban đầu chỉ là “tiểu đội không tên”, đến nay, trải qua không ít khó khăn, vất vả, Đội Cứu hộ - Cứu nạn đã đạt được nhiều thành tích. Hơn một nửa chiến sĩ của đội đều rất trẻ, người lớn tuổi nhất là ông Tốt dù suýt chết mấy lần nhưng vẫn gắn bó với công việc.
Nhiều người dạn dày kinh nghiệm sau thời gian gắn bó với nghề đã phải chuyển công tác do áp lực từ gia đình, công việc và sức khỏe. Ngược lại, nhiều chiến sĩ đã đến với nghề bằng trách nhiệm và sự tâm huyết: Mặc những rào cản từ gia đình, anh Long vẫn kiên quyết xin vào đội; anh Huy vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh khi lần đầu tiên tiếp xúc xác người; anh Dũng bất chấp những hờn trách của người yêu… “Nếu ai cũng sợ thì người nào sẽ làm công việc này? Tuy nhiên, chúng tôi xác định phải vượt qua, vì trách nhiệm và công việc” - anh Long bộc bạch.
Chuẩn bị cứu nạn một vụ chìm tàu ở TPHCM. Ảnh: ĐỘI CỨU HỘ - CỨU NẠN
“Nghề này không chỉ “cứu” người chết mà quan trọng là cứu người sống trong các vụ chìm tàu, tự vẫn, sập công trình, sụp hầm, tai nạn lao động… Chưa kể, một nhiệm vụ quan trọng nữa của chúng tôi là phối hợp với CQĐT tìm vật chứng các vụ án dưới đáy sông rạch” - thượng úy Tuấn tiết lộ.
Thiếu cả người lẫn trang thiết bị Theo thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, tuy được TP quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị nhưng ngoài thiếu thốn về nhân sự, trong công tác cứu hộ, đội còn gặp không ít khó khăn như thiếu đồ lặn, camera, bộ đàm dưới nước…
Chưa kể, cơ sở hạ tầng của TPHCM liên tục phát triển, nhiều công trình hiện đại như hầm dìm Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng nhưng các chiến sĩ chưa có mô hình tập luyện thực tế.
Ngoài ra, dù công việc nặng nhọc, môi trường làm việc độc hại, thiếu dưỡng khí nhưng cơ chế chính sách cho người làm công tác cứu hộ - cứu nạn chưa tương xứng. Ngoài mức lương cơ bản, các chiến sĩ vẫn chưa có chế độ trợ cấp nào. |
Bình luận (0)