Tính đến thời điểm cuối tháng 4-2003, toàn TPHCM có 5 phường, xã, thị trấn không còn hộ nghèo gồm: . Thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi. . Xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. . Phường 4, 6- quận 10. . Phường Bến Nghé, quận 1.
Từ quyết tâm “chơi nổi”
Hơn mười năm trước, thị trấn Củ Chi là một trong những địa phương nghèo nhất của TP. Toàn thị trấn có 2.800 hộ thì 593 hộ thuộc diện gia đình chính sách và gần 200 hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo - trong đó tỉ lệ hộ đói cũng còn rất cao. Chúng tôi cứ trăn trở mãi, không chỉ xóa nghèo mà còn phải tính đến việc kiên cố nhà ở, làm đường đi lại cho bà con. Bởi có an cư mới có thể lạc nghiệp. Hạ tầng cơ sở phát triển thì chuyện chống đói nghèo mới căn cơ được...” - ông Trần Thanh Nghĩa, Chủ tịch UBND thị trấn Củ Chi, nhớ lại.
Từ những suy nghĩ này, năm 1992, sau khi cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc, cả chính quyền và người dân địa phương cùng thống nhất đề ra quyết tâm thực hiện mô hình “thị trấn 3 không”. Nhiều người nghe dân thị trấn bàn tán chuyện thực hiện mô hình “3 không” đã hết sức ái ngại và cho là địa phương này khoái “chơi nổi”, đòi làm chuyện “ lấp biển, vá trời”...
Giai đoạn 1992-2002, chương trình XĐGN TP đã: 1. Trợ giúp cho gần 120.000 hộ. Trong đó, có trên 12.000 hộ thoát đói, 72.206 hộ giảm nghèo... 2. Giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 3% (30.300 hộ/1.040.000 hộ). Trung bình mỗi năm TPHCM giảm gần 2% số hộ nghèo đói. 3. Huy động được 150,6 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vận động trong dân là 38,29%, các quỹ Vì người nghèo, quỹ tín dụng của các đoàn thể cho hộ XĐGN khoảng 30 tỉ đồng. 4. Thành lập 545 tổ giảm nghèo; đầu tư vốn cho 225 dự án sản xuất và dịch vụ tạo việc làm cho hơn 1.600 lao động; dạy nghề miễn phí cho trên 3.200 lao động; giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động XĐGN. 5. Cấp 2.601.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; miễn học phí cho gần 67.000 học sinh diện XĐGN. 6. Xây 7.500 nhà tình thương; chống dột, chống ngập úng cho gần 3.300 căn nhà; tặng trên 5 tỉ đồng hiện vật cho gần 40.000 lượt hộ XĐGN. 7. Đầu tư 210,8 tỉ đồng cho 20 phường, xã nghèo. 8. Trong 2 năm (2001-2002) chương trình “Vì người nghèo” (đặc biệt dành cho 20 phường, xã nghèo nhất TPHCM) do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức đã vận động được trên 39,5 tỉ đồng. (Nguồn: Ban Chỉ đạo XĐGN và việc làmTPHCM và Ban Vận động Vì người nghèo TP) |
Đến cuộc chiến cam go chống đói, nghèo
“Đến bây giờ tôi cứ nghĩ mình nằm mơ chứ không dám tin là cuộc sống lại có được như ngày hôm nay. Từ một gia đình nghèo rớt mồng tơi, chưa được cầm trong tay một - hai trăm ngàn đồng mà bây giờ có được cơ ngơi này, tất cả là nhờ chính quyền, bà con chòm xóm cưu mang và chương trình xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của Nhà nước” - ông Lương Quốc Trình, ngụ khu phố 7, một người vừa ra khỏi chương trình XĐGN, xúc động nói. Cách đây 10 năm, hộ ông Trình là một trong những hộ thuộc diện phải cứu đói của địa phương. Hai vợ chồng và 3 con thơ nheo nhóc rơi vào cảnh túng bấn, thiếu ăn vì không có việc làm ổn định. Từ đồng vốn XĐGN, ông Trình được cán bộ thị trấn cùng bà con lối xóm hướng dẫn nuôi heo nái. Từ một con heo “vốn” đầu tiên, đến nay, gia đình ông đã có trong tay gần 20 con heo nái và 7 con bò sữa, thu nhập gần 40 triệu đồng/năm.
Mặc dù phần lớn các hộ nghèo được trợ vốn làm ăn đều vươn lên nhanh chóng như trường hợp ông Trình nhưng cũng có không ít hộ sử dụng đồng vốn không đúng mục đích hay không hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Củ Chi Trần Thị Gái bộc bạch: “Cuộc chiến chống đói nghèo lúc này hết sức cam go, nhiều hộ thâm hụt vốn, rơi vào cảnh tái nghèo, chúng tôi phải tỏa ra nhà dân bàn bạc các biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình thông qua các mô hình như nuôi heo, gà, bò và buôn bán nhỏ..., tùy theo điều kiện từng hộ và cử cán bộ thị trấn cùng các hộ đã ra khỏi chương trình giám sát, hướng dẫn việc sử dụng đồng vốn và phương thức làm ăn của họ. Đặc biệt, địa phương thực hiện phương châm “Người có giúp người khó” để bà con tự giúp nhau thoát nghèo”.
Đồng thời, chính quyền và người dân thị trấn cũng thành lập các tổ “chuyên trách làm đường nhựa và xóa nhà mái lá” để đi đến từng hộ dân vận động góp quỹ đất làm đường và kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương... UBND thị trấn cũng đứng ra bảo lãnh vay tín chấp trả góp Ngân hàng Quế Đô để cho các hộ dân tôn hóa, ngói hóa nhà của mình (mỗi hộ được vay 5 triệu đồng, trả góp trong 3 năm). Các tổ chuyên trách này lặn lội không mệt mỏi khắp “hang cùng, ngõ hẻm” để khàn cả cổ tuyên truyền, thuyết phục cho kế hoạch “3 không”.
Ngày 26-4 vừa qua, thị trấn Củ Chi đã chính thức được Ban Chỉ đạo XĐGN và Việc làm TP công nhận là địa phương không còn hộ nghèo và hoàn thành chương trình xóa nhà mái lá, nhựa hóa đường giao thông nông thôn.
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, ông Lê Thành Tâm nhìn nhận, mô hình 3 không ở thị trấn Củ Chi là một điển hình mà huyện đang nhân rộng tại 20 xã còn lại để hoàn thành đề án Củ Chi không còn hộ nghèo vào cuối năm 2003 này.
Bình luận (0)