Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2016 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cùng Tổng cục Thống kê công bố ngày 26-5, cả nước có 1,072 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 20.700 người so với quý IV/2015.
Đào tạo trái nhu cầu thị trường
Trong số người bị thất nghiệp trên, có đến 441.100 lao động chuyên môn kỹ thuật (chiếm 41,1%). Đáng chú ý, số lượng người có trình độ đại học trở lên cũng bị thất nhiệp rất nhiều, khoảng 191.000 người; trình độ cao đẳng chuyên nghiệp gần 119.000 người.
Trong khi tỉ lệ thất nghiệp của những cử nhân, thạc sĩ, lao động có chuyên môn kỹ thuật nhiều đến mức rất đáng lo ngại thì nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật lại có tỉ lệ thất nghiệp rất thấp (1,75%). Theo đánh giá tổng quan, tăng trưởng kinh tế chậm lại đã tác động trực tiếp đến tình hình việc làm. Tỉ lệ người tham gia lực lượng lao động giảm, thất nghiệp tăng.
Tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” diễn ra sáng 26-5 ở TP HCM, ông Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, cho biết một số tỉnh có tới 80% sinh viên ra trường làm trái nghề. Ở nhiều khu công nghiệp, chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo, có bằng chuyên môn kỹ thuật. Sau 5 năm (2011-2015), tỉ lệ tuyển sinh vào trung cấp và cao đẳng nghề chỉ đạt 53,4% kế hoạch.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, phân tích: Nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp cho thấy chất lượng đào tạo thấp, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hoặc đào tạo không theo nhu cầu của thị trường.
Thực tế chua xót
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp đã nhiều lần khẳng định hậu quả của việc hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp, một phần do tâm lý sính bằng cấp. Giá trị của mỗi người nằm ở việc người đó đóng góp cho xã hội như thế nào chứ không phải bằng cấp cao hay thấp. Định hướng nghề nghiệp đúng sẽ có ích trước hết cho chính bản thân mỗi người.
Về thực trạng học càng cao càng dễ thất nghiệp, ông Diệp cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó các chuyên gia quốc tế cũng như trong nước đã không ít lần cảnh báo có khoảng cách lớn giữa đào tạo tại các trường và yêu cầu thực tế của thị trường lao động. “Nhiều người cho rằng hệ thống giáo dục của chúng ta đang tạo ra sản phẩm dở dang, dư thừa, không hoàn chỉnh nên thị trường khó chấp nhận; đồng thời, vào đại học quá dễ nên ít người chọn học nghề” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận việc hàng trăm ngàn cử nhân và lao động có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp là nghịch lý của thị trường lao động trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa. “Đây là một thực tế chua xót về sự thất bại của thị trường lao động, kết nối giữa cung cầu lao động và thất bại của người dạy cũng như người học” - ông Thọ phân tích.
Theo ông Thọ, điều quan trọng nhất là mỗi người cần phải chọn nghề nghiệp thích hợp với năng lực bản thân và chọn cách học để có thể tiếp thu kiến thức tối đa từ giảng đường, sau đó có thể vận dụng các kiến thức đã tiếp thu được cũng như cống hiến năng lực vốn có. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo cũng mang ý nghĩa căn bản trong bối cảnh nhiều cơ sở đào tạo ở nước ta vẫn dạy những gì mình có chứ không phải những gì xã hội cần.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, dự báo thị trường lao động rất khó vì luôn biến động cùng công nghệ sản xuất. Do đó, các kế hoạch đào tạo nghề dài hạn nếu quá cứng nhắc sẽ không hiệu quả. Thông thường, các nước cũng chỉ dự báo thị trường lao động trong khoảng 3-5 năm, tương ứng với số năm học cao đẳng, đại học của mỗi người.
“Chúng ta có thể chi hàng ngàn tỉ đồng cho giáo dục - đào tạo nhưng lại chi rất ít, thậm chí không bố trí vốn cho hệ thống nắm bắt thông tin thị trường lao động. Vì vậy, nếu chưa biết tín hiệu thị trường lao động ra sao nhưng vẫn đào tạo thì hiệu quả thấp là đương nhiên. Đã tới lúc cần dành nguồn ngân sách thỏa đáng cho công tác dự báo thị trường lao động” - ông Diệp bày tỏ.
Nợ BHXH hơn 9.500 tỉ đồng
Trong quý I/2016, số thu BHXH bắt buộc là 34.289 tỉ đồng, đạt 21,82% kế hoạch năm. Chỉ tiêu đạt thấp là do nợ đọng BHXH tăng nhanh, đến 68% so với quý IV/2015. Tổng nợ BHXH bắt buộc của các doanh nghiệp tính đến hết ngày 31-3-2016 đã hơn 9.537 tỉ đồng.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, kể từ ngày 1-1-2016, Luật BHXH 2014 có hiệu lực, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý: Tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nếu vi phạm các quy định của pháp luật về BHXH; người lao động (NLĐ) được quyền tự quản lý sổ BHXH của mình; định kỳ 6 tháng, doanh nghiệp phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng BHXH cho NLĐ; định kỳ hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của NLĐ do cơ quan BHXH cung cấp.
Bình luận (0)