Khó đánh giá về cái tâm?
Theo một cán bộ Sở Nội vụ TP (đề nghị giấu tên) thì sở dĩ đến nay TP chưa thông qua đề án này là vì còn nhiều e ngại về việc thi tuyển chỉ có thể đánh giá về chuyên môn, năng lực nhưng khó đánh giá cái tâm phục vụ người dân của các ứng viên. Bên cạnh đó, việc thi tuyển sẽ đụng chạm đến cả hệ thống, bộ máy cán bộ. Các cán bộ, công chức đang làm việc tại cơ quan này nhưng lại đi thi tuyển vào một chức danh ở cơ quan khác, nếu đậu thì cũng phải được sự cho phép của cơ quan cũ. Nhất là các thí sinh là quận ủy viên, ủy viên UBND quận, huyện muốn chuyển cơ quan sau khi thi trúng tuyển lại phải thông qua sự bàn bạc của lãnh đạo cơ quan hiện tại. Nếu quận ủy hay UBND không cho đi thì họ cũng không thể đi được...
Tuy nhiên, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường đại học KHXH&NV, cho rằng lý do TP đưa ra để từ chối đề án này chỉ là khó khăn trước mắt. Ông Sen dẫn chứng, lâu nay việc thi tuyển vào Trường đại học Cảnh sát, các cơ quan thuộc về quân sự có những đặc thù riêng nhưng vẫn tổ chức thi tuyển công khai và kết quả lựa chọn vẫn đảm bảo phục vụ sau này. Những người được tuyển chọn vẫn trung thành và vẫn tìm được nhiều người giữ vai trò quan trọng trong bộ máy của nhà nước.
Ông Võ Văn Sen lý giải có thể trước mắt do TP chưa có kinh nghiệm tổ chức nên có sự lo lắng. Hiện nay, TP cũng có quy hoạch cho một số vị trí đối với một số người. Đó cũng là cách chuẩn bị cho nguồn nhân lực. Song, thi tuyển công khai vẫn là một cách làm bổ sung hết sức cần thiết trong hệ thống còn xơ cứng về công tác nhân sự của ta. Việc tổ chức công khai phải có sự chuẩn bị kỹ, có các điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể ứng với từng chức danh. Ngay cả điều kiện về lý lịch, cần thiết thì thẩm tra sơ bộ trước để đảm bảo đối tượng dự thi đủ các điều kiện đặt ra. Nếu không đáp ứng được thì có thể loại ngay từ khâu xét duyệt hồ sơ. “Nhiều nước chuẩn bị nguồn nhân lực dự bị, kể cả những vị trí lãnh đạo rất chu đáo và tạo nhiều cơ hội cho nhiều đối tượng được tham gia thi tuyển. Họ nhắm trước những đứa bé từ tiểu học, trung học đến đại học, có những học bổng để thu hút nhiều nguồn cho các vị trí lãnh đạo. Tất cả những người này sẽ phải thi cạnh tranh với nhau để tìm ra người lãnh đạo thật sự giỏi, có tầm, có tâm” - ông Sen cho biết thêm.
Lo người rớt sẽ giảm uy tín
Cũng theo vị cán bộ Sở Nội vụ nói trên, một trong những lý do để e ngại đề án này là vấn đề ảnh hưởng đến uy tín của người tham gia thi tuyển nếu chẳng may họ bị rớt. “Nếu rớt thì họ ở lại nơi cũ cũng khó khăn vì ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín tại cơ quan của họ” - ông này nói.
PGS-TS Võ Văn Sen cho rằng việc lo ngại này là không đúng. Đây chỉ là vấn đề thuộc về kỹ thuật chứ không phải là lý do để không thực hiện đề án. “Nên có quy định rõ ràng: Việc thi tuyển không ảnh hưởng đến công việc hiện thời, lãnh đạo tại các đơn vị, cơ quan đó không được trù dập người đi thi... thì sẽ không ảnh hưởng gì. Còn việc sắp xếp người sau khi thi đậu là vấn đề nội bộ, là chuyện trong tầm tay” - TS Võ Văn Sen đề xuất.
Trong khi đó, PGS-TS Bùi Đức Kháng (Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM) khẳng định việc thi tuyển để chọn những chức danh cụ thể sẽ gạt bỏ đi những chuyện “chạy chức, chạy quyền” râm ran ở nhiều nơi hiện nay. Bên cạnh đó, việc thi tuyển cạnh tranh như vậy sẽ giúp nhà sử dụng (cơ quan nhà nước) lựa chọn được những người tài như mong muốn để phục vụ tốt cho công việc. Theo TS Kháng, nhà tuyển dụng cần phải có những tiêu chí thật cụ thể và công khai như đang cần người như thế nào về trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Phải tránh việc đưa ra bài toán chung chung như thi tuyển công chức lâu nay: gộp mọi người lại trong một bài thi, như vậy thì sẽ làm cho việc thi tuyển lại rơi vào lối hình thức. “Mỗi lĩnh vực phải có một đề thi thật cụ thể, sát sườn với lĩnh vực đó: tuyển vào chức danh gì, ở lĩnh vực nào thì có bài toán tuyển ở lĩnh vực ấy” - TS Kháng nói.
Mặt khác, phải có cách để các ứng viên thể hiện khả năng của mình bằng một đề án thật cụ thể đối với chức danh mà mình ứng tuyển vào. Chẳng hạn, thi tuyển hiệu phó một trường nào đó thì ít nhất ứng viên phải có đề án phát triển ngôi trường ấy thế nào, khắc phục những tồn, tại vướng mắc ra sao: từ cơ cấu nhân sự, tăng sự đoàn kết cán bộ, nhân viên, nâng cao chất lượng đào tạo... Đây chính là tiêu chí cần thiết nhất để tuyển ứng viên thể hiện năng lực thực tiễn của mình. “Vì cái đích cuối cùng là tuyển người làm được việc” - TS Kháng nhấn mạnh.
Một số nội dung cơ bản của đề án Đối tượng: Là công dân Việt Nam, hiện đang công tác tại các cơ quan cùng khối chuyên môn, kể cả các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị dịch vụ, sự nghiệp... đều có thể tham gia dự tuyển. Độ tuổi dự tuyển: Từ 25 đến 45 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Riêng ứng viên là cán bộ, công chức hiện đang giữ chức vụ trưởng, phó phòng, nữ không quá 50 tuổi và nam không quá 55 tuổi. Các ứng viên lọt vào vòng sau sẽ được cho đảm nhiệm thử chức danh. Nhiệm kỳ cho các chức danh này là năm năm. Trong nhiệm kỳ, mỗi năm sẽ có đánh giá một lần, nếu người nào không đảm nhận được chức vụ sẽ bị bãi nhiệm. Năm cuối cùng sẽ tổ chức thi tuyển cạnh tranh lại. Người đương nhiệm chức danh trưởng, phó phòng cũng được dự thi. Nếu trúng thì được tái bổ nhiệm, nếu không trúng sẽ trở lại làm nhân viên. |
Bình luận (0)