Nhằm tạo điều kiện giúp lãnh đạo TP HCM lắng nghe ý kiến, đề xuất và nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay về các vấn đề liên quan đến việc học tập, vui chơi và sự phát triển toàn diện của thiếu nhi, ngày 4-2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức gặp gỡ 160 thiếu nhi TP nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017.
Trải lòng với lãnh đạo
Tại buổi gặp gỡ, có gần 40 ý kiến của thiếu nhi xung quanh các vấn đề như: tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các trường thiếu thốn, xuống cấp; phương pháp giảng dạy, truyền đạt của một bộ phận giáo viên còn nặng về lý thuyết dẫn đến việc học sinh (HS) không tiếp nhận được những phương pháp giảng dạy tiên tiến, kiến thức bị hỏng nên phải học thêm. Ngoài ra, thiếu nhi TP còn phản ánh việc bị trễ học vì ùn tắc giao thông, môi trường sống ô nhiễm, an toàn thực phẩm ngày càng nghiêm trọng, mạng xã hội phát triển... Một trong những vấn đề các em đặc biệt quan tâm là hiện tượng bắt cóc trẻ em, nữ sinh bị quấy rối tình dục, bạo lực học đường…
B.N.Q.M (Trường THCS Trần Quốc Toản, quận 9) không ngần ngại chia sẻ trong lớp có bạn nữ bị quấy rối tình dục nên tâm lý rất bất an và em cũng là nạn nhân. “Em mong nhà trường và các cấp lãnh đạo phải có biện pháp giúp HS, nhất là các bạn nữ, phòng vệ được việc này” - M. bộc bạch.
Em Huỳnh Nguyễn Xuân Nghi (Trường THCS Lương Định Của, quận 2) cho rằng việc HS không phòng vệ được việc bị quấy rối tình dục do nhiều bạn không dám tâm sự với thầy cô hoặc gia đình. Thực tế, trong nhà trường, công tác giảng dạy về giới tính chưa được chú trọng, một số HS bị các trang web đen đầu độc…
Còn theo em Mai Hải Yên (Trường THCS Đoàn Kết, quận 6), hằng ngày phải tiếp nhận lượng kiến thức rất lớn nên mong muốn thời gian tới có nhiều buổi thực hành hơn, đừng dành thời gian cho việc học lý thuyết mà tạo ra nhiều tình huống để HS dễ dàng tiếp thu. “Ví dụ, môn lịch sử tổ chức cho HS thi kể chuyện về những nhân vật lịch sử, những trận đánh nổi tiếng… để làm sao mỗi ngày các em đến trường là mỗi ngày vui” - Hải Yên kỳ vọng.
Tiếp thu đầy đủ
Trả lời một số ý kiến của thiếu nhi TP, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lê Hồng Sơn cho biết tiếp thu đầy đủ để chỉ đạo cho toàn ngành thực hiện tốt. Về tiết thực hành của môn giáo dục công dân, lịch sử, ông Sơn thông tin ngành giáo dục TP đã tổ chức nhiều tiết học ngoại khóa sinh động nhưng chưa có đại trà, chưa phủ hết 100% các trường. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng và phủ hết các trường trên địa bàn TP” - ông Sơn hứa. Liên quan đến dạy thêm, ông Sơn khẳng định sẽ chỉ đạo các trường dành thời lượng phù hợp để các em học môn văn hóa, đồng thời rèn luyện các môn năng khiếu. “Sở đã phân công trách nhiệm cho hiệu trưởng, tổ trưởng bộ môn theo dõi rà soát một số giáo viên lôi kéo, ép buộc HS về nhà học, khi phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm để chấm dứt tình trạng này” - người đứng đầu ngành GD-ĐT quả quyết.
Về vấn nạn quấy rối tình dục, ông Sơn cho biết Sở GD-ĐT đã ký kết liên tịch với Công an TP về an toàn trường học. Sau khi ký kết liên tịch, sở chỉ đạo các trường; Công an TP chỉ đạo công an quận, huyện thực hiện công tác an toàn trường học nên tình trạng bạo lực học đường, quấy rối tình dục giảm đáng kể. Việc dạy khả năng tự vệ, nhất là HS nữ, sở đã phối hợp với Công an TP đến từng trường THPT để dạy, chỉ những chiêu thức để tự vệ. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt được 100% số trường có HS được trang bị kiến thức tự vệ…
Học cách nói ngắn gọn, thẳng thắn
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho biết đây là cuộc gặp truyền thống để lãnh đạo TP trao đổi với thiếu nhi không chỉ liên quan đến chuyện học hành mà còn về quốc kế dân sinh. Đồng thời, ông Đinh La Thăng cũng bày tỏ lo lắng vì nhiều vấn đề thiếu nhi đặt ra mà TP chưa giải quyết được do vượt thẩm quyền hoặc cần thời gian để xử lý. “Những ý kiến của thiếu nhi rất vô tư, trong sáng. Qua cuộc gặp này, lãnh đạo TP đã học được ở các cháu là nói ngắn gọn, thẳng thắn” - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đúc kết.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị các cấp, ngành TP cần quan tâm, chăm lo cho sự phát triển của thiếu nhi hơn nữa, nhất là con em người lao động, người khó khăn.
Bình luận (0)