xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiếu tiền "xóa" đường ngang nguy hiểm

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Với hơn 4.000 lối đi dân sinh là đường ngang trái phép, ngành đường sắt cần đến hàng ngàn tỉ đồng để làm hàng rào, đường gom mới nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và các đoàn tàu

Mới đây, khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết hiện cả nước có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh nhưng trong đó chỉ có 1.511 đường hợp pháp. Những đường ngang còn lại luôn đe dọa an toàn của các đoàn tàu nhưng ngành đường sắt chưa có tiền để khắc phục.

Dự án dở dang

Nhằm bảo đảm an toàn cho các đoàn tàu, VNR đã làm rào chắn cho 645 đường, lắp chắn tự động cho 363 đường, bố trí biển báo 507 đường. Trong thời gian tới, VNR sẽ báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải để lắp biển báo chắn tự động tại 507 đường ngang.

Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh điều khó khăn nằm ở hơn 4.000 lối đi dân sinh là đường ngang trái phép, không nằm trong quy hoạch, không có biển cảnh báo. Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã chỉ đạo rất nhiều về việc này, yêu cầu các địa phương xóa bỏ đường ngang dân sinh, gom vào vị trí của đường ngang được cho phép.

Thiếu tiền xóa đường ngang nguy hiểm - Ảnh 1.

Ngành đường sắt cần hàng ngàn tỉ đồng để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Trong ảnh: Một đường ngang cắt đường sắt tại Hà Nội

Theo ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1856/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; trong đó có các hạng mục công trình xây dựng hệ thống đường gom, đường ngang, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Đến ngày 19-6-2014, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định 994/QĐ-TTg thay thế Quyết định 1856. "Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình, dự án đang thực hiện phải dừng lại" - tổng giám đốc VNR nói.

Dẫn chứng về việc này, ông Vũ Tá Tùng cho biết tiểu dự án 2, giai đoạn II của Quyết định 1856/QĐ-TTg với quy mô xây dựng 85 đường ngang, 3 hầm chui dân sinh, 3 cầu vượt, 94 km đường gom, 307 km hàng rào bảo vệ hành lang đường sắt... ở các tỉnh, thành với tổng mức đầu tư 35.000 tỉ đồng đã dừng lại từ tháng 9-2011. Vấn đề đầu tư công trình khẩn cấp theo Quyết định 1856 giai đoạn 2 cũng đã dừng lại từ cuối tháng 3-2014 với khối lượng đang thực hiện dở dang gồm 23 đường ngang, 27,96 km đường gom và 17,3 km hàng rào cách ly. Công trình nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang vi phạm điều lệ đường ngang gồm 291 đường ngang, mới thực hiện được 133 đường.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, ở phiên thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (tỉnh Bình Dương) cho rằng số lượng đường ngang, lối đi dân sinh cắt đường sắt ngày càng tăng, mặc dù Chính phủ đã đề ra những chương trình, đề án cụ thể nhưng không đủ nguồn tiền để giải quyết việc này.

Ưu tiên vốn cho các dự án cấp bách

Theo số liệu của Cục Đường sắt Việt Nam, đến tháng 3-2017, toàn mạng lưới đường sắt có 1.515 đường ngang hợp pháp; tồn tại 4.211 vị trí đường dân sinh, lối đi dân sinh, chiếm tỉ lệ 73,5% tổng số giao cắt. Hiện cần hàng ngàn tỉ đồng để làm hàng rào, đường gom và nâng cấp các đường ngang để bảo đảm an toàn đường sắt.

Ông Vũ Tá Tùng nêu một số dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như: xây dựng hàng rào, đường gom (phần bổ sung) theo Quyết định 1856 giai đoạn 3 với mục tiêu cơ bản đóng các lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt; xây dựng 393 km hàng rào, đường gom, 39 đường ngang, 25 hầm chui, tổng mức đầu tư 3.300 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư xây dựng 80 cầu vượt trên quốc lộ vượt đường sắt… "Nguồn vốn ngân sách rất hạn hẹp, VNR đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, hạng mục quan trọng để có thể nhanh chóng xử lý các điểm nóng về ATGT đường sắt" - ông Tùng nói.

Lãnh đạo VNR cũng kiến nghị cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh xây dựng đường gom, hàng rào bảo vệ hành lang ATGT đường sắt theo Quyết định 994 giai đoạn 2014-2020. Trong đó, đường sắt tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo 127 đường ngang đã được phê duyệt của công trình nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang vi phạm điều lệ đường ngang với tổng nguồn kinh phí được phê duyệt là 340 tỉ đồng. Đối với việc hoàn thành công trình thuộc giai đoạn 2 của Kế hoạch 1856 đang thi công dở cần thêm kinh phí khoảng 300 tỉ đồng.

3 năm cần hơn 800 tỉ đồng

Theo Phó Tổng Giám đốc VNR Đới Sỹ Hưng, trong giai đoạn 2017-2020, cần 816 tỉ đồng nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang. Theo lộ trình, đến năm 2020 chỉ còn 2 loại đường ngang: đường ngang có nhân viên gác và đường ngang cảnh báo tự động nhưng có cần chắn. Ngành đường sắt đang triển khai việc lắp đặt cần chắn tự động cho hơn 100 đường ngang cảnh báo tự động với mục tiêu đến hết năm 2017, xóa bỏ 100% đường ngang cảnh báo tự động chưa có cần chắn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo