Ngày 23-4, Đội QLTT số 5 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương kết hợp với các cơ quan chức năng địa phương kiểm tra nhà hàng Minh Khánh (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An) - nơi đã tổ chức tiệc cưới cho một cặp vợ chồng công nhân bằng thịt thối. Hiện cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ giấy tờ của nhà hàng và đang truy xuất nguồn gốc số thịt thối trên.
Thịt thối từ nhà hàng đến quán ăn
Kể lại vụ việc, chú rể Lê Xuân Tiếp (công nhân KCN Sóng Thần - Bình Dương) cho biết trước đó, anh định tổ chức tiệc cưới tại một nhà hàng ở gần KCN Sóng Thần nhưng anh đã đổi ý vì đọc báo phát hiện nhà hàng này vừa đãi tiệc cưới bằng thịt thối. Ai ngờ khi đặt tiệc tại nhà hàng Minh Khánh cũng không tránh khỏi.
Để cạnh tranh, các nhà hàng ở lân cận các KCN luôn hạ giá đặt tiệc. Bù lại, các nhà hàng không ngần ngại đưa nguồn thịt giá cực rẻ (chủ yếu là thịt ôi thiu, thịt đông lạnh để nhiều ngày) để đãi khách. Mới đây, sau khi bị phát hiện đãi tiệc cưới bằng thịt thối, nhà hàng A11 (gần KCN Sóng Thần) đã bị các cơ quan chức năng thị xã Dĩ An xử phạt gần 20 triệu đồng.
Nhiều công nhân khu vực này cho biết không chỉ nhà hàng mà nhiều điểm ăn uống khác cũng dùng thịt thối để chế biến món ăn. Phần lớn thịt được lấy từ các kho lạnh “chui” như kho lạnh của ông Nguyễn Hiệp Hương vừa bị phát hiện ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An - Bình Dương. Một nhân viên Trạm Thú y thị xã Thuận An nhận định 3,4 tấn chân trâu bò thối trong kho ông Hương có thể nấu lẩu bò, nước hầm xương; còn gần 5 tấn lòng heo thối có thể làm xúc xích, lạp xưởng, nấu cháo lòng…
“Khám” kho lạnh, “xiết” nhà hàng
Ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, thừa nhận chưa thể kiểm soát kịp chất lượng thịt vào các nhà hàng ở Bình Dương. “Thời gian qua, chúng tôi chủ yếu kiểm soát thịt ở nơi có suất ăn công nghiệp và nhà trẻ, còn nhà hàng thì thời gian tới sẽ phải làm” - ông Khang nói. Tuy nhiên, theo một cán bộ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, lực lượng quản lý chưa tìm ra cách hữu hiệu để “xiết” được các nhà hàng. “Nhà hàng thì có cả ngàn cái. Ai mà đủ sức đứng canh ở bếp 24/24 giờ được” – cán bộ này nói.
Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết bắt đầu từ hôm nay (24-4), cơ quan chức năng sẽ tổng kiểm tra các kho lạnh ở tỉnh để loại bỏ thịt thối. Bình Dương hiện có hơn 10 kho lạnh do cấp tỉnh quản lý, còn số kho lạnh chui (kiểu kho lạnh loại container của ông Hương) thì chưa biết số lượng bao nhiêu.
Liên quan đến việc 5 năm qua, chủ lô hàng 97 tấn thịt thối liên tục trốn tránh cơ quan chức năng TPHCM, không chịu nộp phạt và đóng 300 triệu đồng tiền tiêu hủy số thịt thối trên (Báo Người Lao Động ngày 23-4 thông tin), chiều cùng ngày, một lãnh đạo của UBND quận 9 - TPHCM xác nhận ông trùm thịt thối mà Báo Người Lao Động đã đăng chính là ông Nguyễn Hiệp Hương (chủ lô hàng). UBND quận 9 đã giao Phòng Tài nguyên - Môi trường cùng với Công an quận 9 làm việc với Công an thị xã Thuận An để thực hiện việc truy thu số tiền tiêu hủy.
Triệu tập ông Nguyễn Hiệp Hương Ngày 23-4, Công an thị xã Thuận An - Bình Dương triệu tập ông Nguyễn Hiệp Hương để lấy lời khai liên quan đến vụ cướp 2,2 tấn chân trâu bò thối đang tiêu hủy ở Đồng Nai nghi mang về cất ở cơ sở tại thị xã Thuận An. Cơ quan công an đã thu thập một số đoạn phim do phóng viên các báo quay cho thấy ông Hương có mặt tại hiện trường tiêu hủy thịt trước khi bị mất. Hiện cơ sở trữ lạnh thịt của ông Hương ở Thuận An đã bị đình chỉ hoạt động. Trước đó, hơn 8 tấn chân trâu bò, lòng heo thối… tại cơ sở này đã bị tiêu hủy.
Bình luận (0)