Được vua ban phẩm
Làng Kim Bồng hiện có trên 200 thợ nề làm việc tại chỗ, chưa kể số đi làm ăn xa trong Nam ngoài Bắc. Ngoài nghề nề dân dụng chuyên xây dựng các công trình kiến trúc, nhà cửa còn có nghề đắp vẽ, trang trí nội thất.
Nhờ tài nghệ và kỹ thuật điêu luyện, trước kia, thợ trong làng từng được mời về kinh đô xây dựng, trang trí cung điện, lăng tẩm. Có thợ Kim Bồng tài hoa được vua phong bát phẩm, cửu phẩm với tên gọi “Nê ngõa tượng mục”. Tên tuổi một số nghệ nhân còn lưu truyền cho đến ngày nay như: Cửu Im, Mục Khoa, Mục Đào, Mục Tượng... Riêng nghệ nhân Huỳnh Hơn từng tham gia xây dựng lăng Bác Hồ vào những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện tại làng có các nghệ nhân như Đỗ Chương, Đỗ Toàn, Đỗ Thịnh Nguyễn...
Nghệ nhân Đỗ Thịnh Nguyễn cho biết: “Quy trình tạo dựng một tác phẩm bắt đầu từ việc trộn vôi vữa, xi măng, đắp cốt đến tạo dáng, tạo hình. Khi cốt khô mới quét vôi, sơn hoặc gắn các mảnh vỡ chai lọ, chén bát lên khí vật tạo màu sắc”. Theo nghệ nhân Đỗ Thịnh, công việc đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hằng tháng, có khi cả năm mới thành. Trong quá trình làm, nhiều chi tiết tình cờ, nghi ngẫu lại có giá trị, tạo nên cái thần, cái hồn và mang tính thẩm mỹ cao.
Tuy nhiên, nghề đắp vẽ cũng có nhiều quy luật, nguyên tắc riêng. Ngoài kinh nghiệm của cha ông, người thợ phải có năng khiếu thẩm mỹ thiên phú, trình độ văn hóa, kiến thức về các lĩnh vực nhất định và phải am tường các nguyên tắc lễ giáo. Đơn cử như khi trang trí rồng thì rồng ở cung điện nhất thiết phải là rồng 5 móng; quan lại, quý tộc, tiên chỉ ở làng chỉ có 4 móng; các tầng lớp thứ dân không được sử dụng rồng mà chỉ được dùng một loại rồng cách điệu là giao long. Ngoài ra, các biểu tượng tứ quý, tứ thời, tứ cảnh cổ đồ... cũng phải được đặt đúng vị trí, phương hướng.
Tài hoa đời thợ
Trên 1.300 công trình kiến trúc cổ tại đô thị cổ Hội An gồm chùa chiền, hội quán, đình làng, nhà thờ, nhà cổ là nơi chứng minh rõ nét tài nghệ của nghệ nhân Kim Bồng. Những chim công múa, lý ngư vọng nguyệt, lưỡng long tranh châu; các đức thánh, thánh mẫu, các linh vật long - lân - quy - phụng... đã trở thành vật thiêng ghi dấu nét tài hoa của người thợ nơi đây.
Từ những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ “đằng vân” đến ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt. Những mai - hạc, phù dung - chim trĩ, hoa cúc, chim phượng - chim công, những bức tượng thánh thần xen lẫn cảm xúc tôn giáo với cảm xúc thẩm mỹ trần tục, tràn đầy nhựa sống. Những hình tượng giao long, rồng, cá chép ở các Hội quán Phúc Kiến, Quảng Triệu, Miếu Quan Công... hay lấp ló trên các nóc mái đình, chùa thực sự sống động với đầy đủ các chi tiết từ khái quát đến tỉ mỉ. Đôi chân chim công nhỏ bằng que tăm nhưng những vi, vẩy trên chân chim lại rõ ràng đến bất ngờ.
Khi đến chùa Long Tuyền hay Hội quán Quảng Triệu, bạn sẽ thán phục sự tài hoa của những đôi bàn tay khi tạo nên sự tinh tế, sắc sảo và hoành tráng ở những đôi rồng được đắp vẽ, tạo dáng công phu, uốn lượn mềm dẻo. Theo nhiều nhà nghiên cứu, các tượng thập bát la hán, thần - tướng ở chùa Chúc Thánh, miếu Quan Công... đều có nguyên liệu từ đất, đi sâu vào chi tiết, cố bắt chước tự nhiên, trang điểm rườm rà và đặc biệt là những sợi đất dán như thêu làm gợi nhớ đến tượng ở Khương Ninh Các của hoàng gia Huế.
Ông Đỗ Toàn, một trong những nghệ nhân lão luyện ở làng Kim Bồng, cho hay: “Học nghề là cả một quá trình gian nan, nhiều người học cả chục năm mà không thành bởi đây là nghề kết hợp giữa hội họa lẫn điêu khắc, đòi hỏi nhiều khả năng sáng tạo. Vì thế, đáng lo là nghệ nhân ở làng ít dần, cần phải có biện pháp bảo tồn nghề truyền thống này”. |
Bình luận (0)