xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thờ ơ với dịch heo tai xanh

Bảo Trân

Nhiều tỉnh, thành gần như khoán trắng cho Chi cục Thú y, ngành thú y lại khoán trắng cho dân trong việc tiêm phòng vắc-xin dịch bệnh heo tai xanh

Ngày 26-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm đã họp bàn về dịch bệnh heo tai xanh đang có nguy cơ lan rộng. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần phải thốt lên: “Tôi đã đi kiểm tra ở 6/8 tỉnh, thành có dịch thì gần như chính quyền không vào cuộc. Nếu Bộ NN-PTNT không đi đốc thúc thì địa phương sẽ thả nổi, bỏ mặc cho dịch lây lan”.

Tràn lan heo không kiểm dịch

Ông Diệp Kỉnh Tần cho biết mới đây ông trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác liên ngành Trung ương đi kiểm tra ở Lạng Sơn, đã tận mắt chứng kiến tại một trạm kiểm soát liên ngành tạm giữ 2 xe vận chuyển heo từ tỉnh Bắc Giang lên không có bất cứ giấy tờ kiểm dịch nào mà sau đó vẫn cho qua.
Ông Tần được lãnh đạo trạm kiểm soát liên ngành giải thích là số heo này để xuất khẩu ra nước ngoài chứ không phải tiêu thụ trong nước (!?). Còn vị phó giám đốc Sở Công Thương (phụ trách Chi cục QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm: “Mỗi ngày, có 1-2 xe heo xuất đi Trung Quốc qua các cửa khẩu Lạng Sơn”.
img
Thịt heo không bảo đảm vệ sinh vận chuyển trái phép bị Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức - TPHCM bắt giữ ngày 26-6. Ảnh: Nguyễn Hải
Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn (Cục Thú y), đã báo cáo với lãnh đạo Bộ NN-PTNT là từ khi Tổng cục Kiểm nghiệm Kiểm dịch và Giám sát chất lượng nhà nước Trung Quốc ra lệnh tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Việt Nam (tháng 3-2012), kể cả hàng tạm nhập tái xuất thì không có con heo nào được làm thủ tục xuất khẩu sang nước này qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn.
Ông Tần nói thẳng: “Trạm kiểm soát liên ngành này không nghiêm túc, họ lừa cả chính tôi. Heo không rõ nguồn gốc, không loại trừ là từ ổ dịch khi vận chuyển lên Lạng Sơn là vào ngay các lò mổ và đưa ra tiêu thụ vì tỉnh này heo không đủ nguồn cung cho thị trường”.

Công khai nhập thịt bẩn

Theo ông Diệp Kỉnh Tần, không dừng lại ở heo trong nước không “lý lịch” chạy lòng vòng ở Lạng Sơn mà 70% thịt heo “bẩn” nhập lậu vào Việt Nam cũng qua khu vực biên giới tỉnh này. Tỉ lệ các loại chất cấm trong chăn nuôi nhập qua đây cũng tương đương con số trên. “Việc nhập lậu thịt, sản phẩm gia súc, gia cầm bẩn công khai trong nhiều năm qua, tỉnh Lạng Sơn không thể nói là không biết.
Nếu chỉ đi bắt cửu vạn vác thuê qua biên giới mà “né tránh” các đầu nậu thì chẳng bao giờ hiệu quả. Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương vào cuộc, không thể để vài đầu nậu mà làm hại cả ngành chăn nuôi, hại người tiêu dùng từ năm này qua năm khác” - ông Tần quả quyết.

Ông Lê Minh Sắt, Vụ phó Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), bày tỏ: “Ở Hà Nội, TPHCM, người dân cứ phải ăn thịt bẩn, thịt thối mãi như vậy làm sao chấp nhận được. Phải giải quyết cho được vấn nạn thịt bẩn”. Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cảnh báo: “Nếu tình trạng nhập lậu thịt gia súc, gia cầm qua biên giới vẫn thả nổi thì sẽ gây tổn hại lớn cho ngành chăn nuôi. Giá thịt heo đang giảm, từ nay đến cuối năm, giá gà sẽ còn giảm mạnh khi gà thải của Trung Quốc tràn vào Việt Nam”. 

Lãng phí vắc - xin chống dịch

Vấn đề phòng chống dịch bệnh heo tai xanh và trách nhiệm của các địa phương được nói nhiều tại cuộc họp. Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, nhiều địa phương như Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, chính quyền gần như khoán trắng cho Chi cục Thú y, ngành thú y lại khoán trắng cho dân trong việc tiêm phòng vắc-xin chặn dịch.
Vì thế, dịch kéo dài cả tháng mà không được khống chế, trong khi nếu tiêm bao vây ổ dịch triệt để thì chỉ sau 15 ngày là có thể khống chế được dịch bệnh. “Chưa thấy địa phương nào chống dịch heo tai xanh kiểu Điện Biên, phát vắc-xin vô tội vạ cho dân mà không biết họ có tiêm không. Tỉnh đã cấp 40.000 liều vắc-xin cho dân với giá trên 3.000 đồng/liều nhưng kiểm tra lại chỉ có 34.000 con heo được tiêm, lãng phí vô cùng. Đoàn kiểm tra đến thì mới ngã ngửa ra và thu hồi được vài ngàn liều vắc-xin vứt lăn lóc” - ông Tần bức xúc.

Ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định dịch heo tai xanh không có chiều hướng lắng xuống, nhất là Điện Biên và Lạng Sơn là do các địa phương tỏ ra lúng túng từ tiêm phòng vắc-xin đến tiêu hủy, vận chuyển, buôn bán heo bệnh. Còn theo đại diện Viện Thú y Trung ương, Hà Nội đã xuất hiện ổ dịch nhưng lãnh đạo ngành nông nghiệp thủ đô vẫn một mực cho là do nguyên nhân khác (?).

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đúc kết: “Tôi không yên tâm với cách chống dịch của Điên Biên, Lạng Sơn, Hà Nội hiện nay. Với cách làm thiếu trách nhiệm như thế thì  dịch có thể lan rộng”. 

8 tỉnh, thành có dịch heo tai xanh

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết dịch heo tai xanh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong 2 tuần qua, cả nước có thêm 3 tỉnh, thành xuất hiện dịch gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội. Như vậy, hiện cả nước có 8 tỉnh, thành bị dịch heo tai xanh là: Bạc Liêu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Nội và Bình Dương. Theo ông Đông, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là rất cao.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo