
V.I. Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moscow ngày 25-5-1919. Ảnh: Tư Liệu
Lý tưởng về một xã hội dân chủ
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân, một chính quyền công nông đầu tiên trên thế giới ra đời, thể hiện bản chất chế độ mới khi chính quyền công nông thông qua những sắc lệnh có tính giai cấp, khẳng định đó là chính quyền của dân như sắc lệnh về ruộng đất, làm việc 8 giờ/ngày; bảo hiểm xã hội; giáo dục, y tế không mất tiền… Đó chính là lý tưởng về một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, là chủ nghĩa xã hội mà con người mơ ước.
V.I. Lênin là nhà cách mạng đã vận dụng thành công trên cơ sở sáng tạo chủ nghĩa Mác. Trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đang phát triển, chủ nghĩa Mác đã khẳng định xu thế tiến bộ của loài người, mở đầu cho một giai đoạn mới của lịch sử thế giới. Chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin, loài người mới có thể đương đầu với chủ nghĩa phát xít đe dọa nhân loại. Thực vậy, nếu không có nước Nga xã hội chủ nghĩa, thế chiến thứ 2 sẽ đi về đâu? Bản chất chủ nghĩa tư bản đối lập với chủ nghĩa xã hội nhưng Mỹ và Anh - đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ 2 - vẫn phải dựa vào sức mạnh của nước Nga để tiêu diệt bọn phát xít. Thực tế lịch sử là như vậy, không ai có thể phủ nhận.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã hình thành nên một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đối trọng và buộc chủ nghĩa tư bản phải tự điều chỉnh để thích nghi với thời đại, làm cho chủ nghĩa tư bản không thể tự tung tự tác chi phối thế giới trên cơ sở quyền lợi của chúng. Cũng chính Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ cho nhiều dân tộc bị áp bức khác đứng lên giành độc lập dân tộc. Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công là một sự vận dụng điển hình chủ nghĩa Mác-Lênin trong vấn đề các dân tộc - thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười Nga dạy cho chúng ta rằng cách mạng muốn thành công thì phải lấy quần chúng công nông làm gốc, phải bền gan, phải hy sinh, phải có Đảng bền vững. Tóm lại, phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.
Sức sống mới của chủ nghĩa xã hội hiện đại
Sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa xã hội và Liên bang Xô Viết ở cuối những năm 80 – đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bản chất không phải là sự phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội mà là sự đổ vỡ của một mô hình phát triển cụ thể, cứng nhắc, không điều chỉnh để thích nghi với thời đại như chủ nghĩa tư bản đã làm. Nguyên nhân chủ yếu là sự xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin. Bài học đó các nhà nghiên cứu lịch sử đang giải mã nhưng tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn sống mãi.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã có mặt với lịch sử nhân loại qua 94 năm và nó đang có một sức sống mới, sức sống của chủ nghĩa xã hội hiện đại, một xã hội dân chủ, vì dân, vì người lao động trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Những cuộc khủng hoảng kinh tế trong các thập kỷ qua cho thấy chủ nghĩa tư bản đang khủng hoảng nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn niềm tin. Việc cả châu Âu phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan rộng cho thấy chủ nghĩa tư bản bối rối như thế nào trước những diễn biến phức tạp của một cuộc suy thoái kinh tế lần thứ hai. Mỹ đang phải đối phó với sự khủng hoảng kinh tế trên diện rộng cũng cho thấy chủ nghĩa tư bản, về bản chất, vẫn có những mâu thuẫn cực kỳ gay gắt, dù nó đang tìm cách thích nghi với thời đại.
Xác định con đường phát triển của loài người Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 - 2007), Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko gửi thông điệp đến nhân dân nước mình: “Cách mạng Tháng Mười không những đã thay đổi vận mệnh của một đất nước rộng lớn mà về cơ bản, đã xác định con đường phát triển của loài người… Nhờ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, mơ ước của nhiều thế hệ người dân Belarus đã trở thành hiện thực khi xây dựng được một nhà nước độc lập, mở rộng quan hệ với bạn bè... Lao động sáng tạo, khát vọng công bằng xã hội, thái độ trân trọng lịch sử và truyền thống là những nhân tố đoàn kết toàn xã hội Belarus”. |
Bình luận (0)