xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thoi thóp bưu điện văn hóa xã

HỒNG ÁNH - THANH VÂN - TRẦN THƯỜNG

Bưu điện văn hóa xã một thời là địa chỉ gắn bó của người dân nông thôn. Tuy nhiên giờ đây, nó lại trở thành gánh nặng cho các địa phương khi kinh doanh kém hiệu quả, nhân viên nghỉ việc, trụ sở xuống cấp trầm trọng

Mười ba xã, thị trấn của huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đều có bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) hoặc bưu cục. Trước đây, bình quân mỗi tháng, cả huyện đạt doanh thu khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của các BĐVHX thì doanh thu đến cuối năm 2013 chắc chắn sẽ giảm còn không quá 40 triệu đồng.

Cố gắng đạt chỉ tiêu

Anh Võ Bá Duy, nhân viên BĐVHX Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, cho biết nguyên nhân của tình trạng trên là do các dịch vụ chuyển tiền, bưu kiện hay kinh doanh điện thoại đều sụt giảm. Riêng ở BĐVHX Mỹ Đông, nhờ được quỹ Bill&Melinda Gates hỗ trợ 5 bộ máy vi tính trong dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet cộng đồng tại Việt Nam” nên nhân viên bố trí phục vụ cho thanh niên địa phương đến truy cập internet. Thế nhưng, dù phải tranh thủ mở cửa giờ trưa nhưng cả tháng cũng chỉ thu được khoảng 2-3 triệu đồng. Khoản thu này chỉ đủ để trả lương cho nhân viên và tiền điện.

Khách của Bưu điện văn hóa xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là trẻ em đến chơi game Ảnh: THANH VÂN

Khách của Bưu điện văn hóa xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là trẻ em đến chơi game
Ảnh: THANH VÂN

Vắng như chùa Bà Đanh là tình hình chung của hầu hết các BĐVHX ở tỉnh Quảng Nam. Chị Trần Thị Bích Liên (SN 1972), nhân viên BĐVHX Bình Trung, huyện Thăng Bình, cho biết công việc chủ yếu của chị hiện nay là mở cửa, làm vài việc vặt và chờ hết giờ rồi về. Mỗi ngày, bưu điện mở cửa đúng 4 giờ vào thời gian cố định. Sau thời gian đó, nhân viên bưu điện phải đi làm thêm việc khác để kiếm sống.

“10 năm trước, tôi lúc nào cũng bận rộn với khách đến gửi thư, bưu phẩm, điện thoại… Vậy mà giờ đây, bốt điện thoại trống trơn, cả năm chẳng có nổi một cuộc gọi” - chị Liên ngao ngán. Cách bưu điện xã Bình Trung không xa là BĐVHX Bình Nguyên, nằm sát Quốc lộ 1, đã đóng cửa gần 1 năm nay, cơ sở vật chất xuống cấp.

May mắn hơn, 2 điểm BĐVHX Tam Phước và Tam An (huyện Phú Ninh), do được đầu tư hệ thống máy vi tính nên không khí bớt ảm đạm. Chị Ngô Thị Hương Nho (SN 1987), nhân viên BĐVHX Tam An, cho biết từ mấy năm nay, rất ít khi người dân đến giao dịch thư từ mà chủ yếu là trẻ em đến dùng internet, chơi game.

“Ở lại có nước húp cháo”

Nhiều BĐVHX ở Phú Yên còn thê thảm hơn khi ngay cả việc hoạt động cầm chừng cũng không duy trì được. Tại điểm BĐVHX Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, mặc dù được xây dựng khang trang bên cạnh trụ sở UBND xã nhưng trước sân cỏ mọc đầy. Ai đấy đã mang bò đến đây nhốt. Cánh cổng sắt đã gỉ sét nhiều năm, không còn mở, đóng được nữa. Bên trong, rác chất thành đống, đồ dùng gần như đều mục nát.

“Ba năm rồi còn gì. Có ai bước chân đến đó nữa đâu mà không hư hỏng” - chị Nguyễn Thị Tường Vy, nguyên nhân viên BĐVHX Đức Bình Đông, nói bằng giọng buồn buồn. Tám năm gắn bó kể từ ngày điểm bưu điện này mới xây dựng năm 2002, chị Vy không khỏi luyến tiếc. Nhưng đến năm 2010, chị phải nghỉ việc, bưu điện không tìm ra người cũng phải đóng cửa vì nói như chị “ở lại chỉ có nước húp cháo”.

Bưu điện văn hóa xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú  Yên thành nơi nhốt bò Ảnh: HỒNG ÁNH
Bưu điện văn hóa xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú  Yên thành nơi nhốt bò Ảnh: HỒNG ÁNH

Khi mới đi vào hoạt động, nhiều người chưa có điện thoại nên đến đây liên lạc, nhờ đó doanh thu bưu điện cao, hoa hồng dành cho chị cũng kha khá. Nhưng đến khi điện thoại di động phủ đầy, chẳng ai thèm đến đây.

Bưu điện mở thêm dịch vụ bán sim card nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn rồi cạnh tranh không lại khi ngày càng nhiều điểm bán lẻ. Thực hiện thêm các dịch vụ như internet, đưa sách báo về nhưng cũng chẳng ai thèm đến. “Có tháng, lương tôi chỉ được 500.000 đồng. Làm sao sống được, đành nghỉ” - chị Vy ngậm ngùi.

Ông Nguyễn Đình Quốc, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, cho rằng BĐVHX đóng cửa đã gây không ít khó khăn cho xã trong việc gửi công văn giấy tờ nhưng xã không thể can thiệp.

Cùng thời gian ấy, BĐVHX EaTrol, huyện Sông Hinh cũng đóng cửa. Cánh cổng sắt mục nát đã đổ, tạo điều kiện cho những người lỡ đường đi “bậy”. Lương Thị Thu Hà cho biết chị và em gái đã làm ở bưu điện này 10 năm nhưng đến khi nghỉ việc vào năm 2010, ngành bưu điện chỉ hỗ trợ 100.000 đồng. “Họ lãng phí quá. Bỏ tiền của ra xây dựng rồi giờ bỏ đó, trong khi nhiều người dân ở đây chẳng có cái chòi để ở” - chị Thu Hà nói. 

Ảnh hưởng mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên vừa qua, nhiều cử tri phản ánh việc hàng loạt BĐVHX tỉnh này bị đóng cửa nên không thể hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Văn Chương, Giám đốc Bưu điện tỉnh Phú Yên, cho biết trong số 83 BĐVHX ở tỉnh này, trong 3 năm qua đã có 20 bưu điện phải đóng cửa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số để báo cáo bởi thực tế số bưu điện không hoạt động còn nhiều hơn hoặc hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân chính là hoạt động không hiệu quả, thu nhập nhân viên quá thấp, trung bình chỉ 650.000 đồng/tháng nên  họ bỏ việc, bưu điện không tìm được người thay.

“Biết lãng phí nhưng làm sao được. Chúng tôi cố gắng chỉ đóng cửa tạm thời, sau đó hợp tác với một số ban, ngành khác tích hợp thêm một số dịch vụ để mở cửa trở lại. Khổ nỗi, chẳng ai chịu bỏ tiền hợp tác đầu tư ở BĐVHX” - ông Chương nói.

Theo ông Chương, sắp tới sẽ kết hợp với thư viện tỉnh để biến bưu điện thành các điểm thư viện ở các xã nhưng không khỏi lo lắng là chẳng ai đến.

H.Ánh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo