Diễn biến thất thường của thời tiết, khí hậu cộng với việc phát hiện các ổ dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6 tại một số hộ gia đình đã cảnh báo nguy cơ dịch cúm phát sinh, lây lan trong thời gian tới.
Không thể chủ quan
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết thời gian cuối năm, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp tại nhiều nước. Tháng 6-2016, chim hoang dã và gia cầm ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Á đã được phát hiện nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N8.
Thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục ghi nhận những trường hợp mắc các chủng cúm A/H5 độc lực cao như cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 tại Trung Quốc, Ai Cập. Ngoài ra, các trường hợp mắc cúm A/H7N9 cũng được ghi nhận rải rác tại Trung Quốc (124 ca), Hồng Kông (1 ca). Gần đây nhất, ngày 24-12-2016, Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp cúm A/H9N2 tại Quảng Đông, vốn có tiền sử tiếp xúc gia cầm sống.
Tại Việt Nam, theo thông báo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016 đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 ở một số hộ gia đình. Theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch cúm và lây lan sang người rất cao. Diễn biến phức tạp của thời tiết và việc người dân di chuyển liên tục, cũng như nhu cầu sử dụng gia cầm gia tăng trong dịp Tết là cơ hội thuận lợi để cúm gia cầm lây lan.
“Dù thời gian qua chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm H5N1, H5N6 trên người nhưng không thể chủ quan bởi cho đến nay, đường lây lan và mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm vẫn rất đáng lo ngại trong khi chúng ta chưa miễn dịch với virus cúm” - ông Phu lưu ý.
Không kịp thích nghi
Cùng với nguy cơ về dịch cúm gia cầm, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo cận Tết, thời tiết diễn biến thất thường đã, đang và sẽ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia y tế tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhiệt độ thay đổi “chóng mặt” với kiểu mùa đông ấm áp, thậm chí nắng nóng như mùa hè và nhiệt độ giảm sâu về đêm đã khiến cơ thể người không thích nghi kịp. “Bằng chứng là trong nhiều tuần qua, số lượng trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp tăng mạnh, nhất là viêm phổi. Trong khi bệnh viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Triệu chứng viêm phổi thường không rõ ràng nên nhiều trường hợp khi đến viện, bệnh đã rất nặng” - ông Dũng lo ngại.
Theo giới chuyên môn, trong hơn 10 năm qua, diễn biến thất thường của khí hậu tương đồng với sự tăng dần của một số bệnh truyền nhiễm qua các năm. Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế cho biết một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất ở nhiều nước nhưng vẫn đang phát triển mạnh tại Việt Nam như: lao, sốt xuất huyết, sốt rét…
Nhiều nghiên cứu cho thấy khi thời tiết khô hạn kéo dài (từ tháng 2 đến tháng 4), nhiều bệnh sẽ xuất hiện như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, thủy đậu, suy nhược cơ thể, da nổi mụn nước… Vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 7), các bệnh như: tiêu chảy, sốt, cảm cúm, đau bụng, dị ứng thời tiết, bệnh ngoài da… thường xuất hiện. Còn các tháng rét đậm, rét hại (tháng 11 đến tháng 1), các bệnh viêm phế quản, cảm cúm, … sẽ phát triển.
Cùng với đó, nhiều bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy tác động biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã làm gia tăng dịch, bệnh theo mùa, đặc biệt là các dịch bệnh mới như cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, SARS, chân tay miệng... Theo dự báo, sẽ có thêm nhiều bệnh mới trong những năm tới.
Bệnh tật “ăn theo” nền nhiệt độ
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng nhiệt độ có mối liên quan đến số lượng trẻ nhập viện. Tại ĐBSCL, nếu nhiệt độ tăng 1 độ C sẽ làm tăng 3,4% số trẻ nhập viện với các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, đường hô hấp. Nghiên cứu tại Vinh (Nghệ An) cho thấy từ tháng 6 đến tháng 9 (thời gian nóng nhất), tỉ lệ trẻ nhập viện tăng 1,56 lần so với thời gian từ tháng 2 đến tháng 5.
Một lưu ý quan trọng là thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến những người mắc bệnh tim mạch. Bệnh nhân nhập viện do bệnh tim mạch ở TP HCM tăng 12,9% trong những ngày có sóng nhiệt. Bệnh tiêu chảy cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi thời tiết thay đổi - cứ tăng 1 độ C trong 2-4 tuần ở ĐBSCL sẽ tăng 1,5% ca tiêu chảy.
Bình luận (0)