Ngày 17-10, chúng tôi trở lại 2 huyện có dòng sông Gianh chảy qua ở Quảng Bình là Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Ven bờ sông giờ không còn những hàng cây xanh mát hay những nếp nhà yên bình. Quảng Trạch nhà sập, cây đổ hoang tàn; Tuyên Hóa thì nước ngập mênh mông...
Thượng nguồn: Tả tơi
Bà Mai Thị Nhạn bàng hoàng trước cảnh hoang tàn của căn nhà mình Ảnh: QUANG NHẬT
Cũng như anh Hùng, nhà bà Luyện (70 tuổi, thôn Phúc Tùng) bị bão cuốn mất 2 mái ngói, xô xiêu vẹo. Bà đi khắp xóm để xin ngói cũ về lợp nhưng vẫn chưa đủ. Giờ lũ lại về, bà đành phó mặc cho trời đất.
“Mới tối qua nghe đài nói lũ lên mức báo động 2 mà chừ nước đã tràn vào nhà rồi. Thật không thể lường nổi!” - vẫn chưa hết thảng thốt, bà Trần Thị Liễn nói. Một hộ dân khác nước mắt lưng tròng, giọng nghẹn lại: “Nước lũ đào xới xung quanh nền nhà trông thật khủng khiếp, trại gà của gia đình tôi bị nước cuốn mất hút”.
Ở phía núi, nhiều cư dân trồng rừng ở bản Trầm, xã Đức Hóa vẫn còn thất thần trước nhiều hecta keo, tràm bị bão quần nát. “Nhiều ngày nay, tôi cứ đi lang thang để khỏi chứng kiến cảnh vợ khóc rấm rứt trong căn nhà hoang vắng. Tôi cũng không dám vào nhìn vườn keo nữa. Người ta trả 100 triệu đồng, tôi chưa kịp bán, chừ thì còn chi nữa!” - anh Lê Văn Thành xót xa.
Hạ nguồn: Bất lực
Con đường dẫn vào nhà ông Hoàng Văn Hòa (64 tuổi, thôn Linh Cận Sơn) cây cối ngổn ngang, bùn đất nhầy nhụa. Lục lọi mãi dưới căn nhà đổ sập, những đứa con ông Hòa chỉ lấy lại được chiếc ghế gỗ cũ. Từ sau cơn lốc, vợ chồng ông Hòa cùng con trai Hoàng Văn Thình (16 tuổi) vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trạch.
Anh Nguyễn Trọng An, hàng xóm ông Hòa, cho biết đó là một trận lốc xoáy kinh hoàng. “Sau lốc, tôi chạy ra thì thấy nhà ông Hòa đã sập, đến gần thì nghe tiếng kêu cứu bên dưới. Phải mất 15 phút, tôi và nhiều người nữa mới đưa được cha con ông Hòa ra” - anh An kể.
Trở về từ nhà con gái sau đêm giông gió, bà Mai Thị Nhạn (76 tuổi) bước đi trên con đường dẫn vào nhà mình mà đôi chân cứ ríu lại khi thấy mọi thứ chỉ là một đống đổ nát. Trong cơn bão số 10, nhà bà bị tốc mái, được con cháu sửa lại chưa được bao lâu thì lốc lại tới đánh sập. “Tôi một thân một mình, gia sản chỉ có căn nhà mà nay chẳng giữ nỗi” - bà Nhạn ngậm ngùi.
Vừa đón xe đò từ Gia Lai về, bà Phạm Thị Hường khóc ngất khi thấy trước mắt mình là chiếc bàn thờ chồng - ông Mai Xuân Phụ - được đặt tạm ngoài mái hiên của căn nhà đã sập. Vợ chồng bà Hường có 3 người con. Do nghèo khó nên bà cùng các con đi làm ăn xa, ông Phụ ở lại trông nom ruộng vườn. Cơn lốc tràn qua không chỉ phá tan ngôi nhà mới xây cách đây vài năm mà còn cướp mất chồng bà.
Thoát chết trong gang tấc
Đến chiều 17-10, còn 10 người bị thương sau cơn lốc xoáy nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trạch. Trước đó, 4 người đã được chuyển lên tuyến trên vì chấn thương nặng.
Nằm trên giường bệnh, chị Trần Thị Lý (vợ anh Phan Xuân Sơn, trú thôn Linh Cận Sơn, đã tử vong) không buồn ăn uống. “Chúng tôi vừa nằm ngủ một lúc thì gió giật mạnh. Chỉ trong tích tắc, căn nhà đã đổ ập xuống. Anh ấy chỉ kịp choàng tay ôm chặt và lấy thân đè lên tôi” - chị Lý kể.
Trong bóng tối, chị cảm nhận được dòng máu nóng hổi chảy trên tay mình và hơi thở mỗi lúc càng yếu đi của chồng. “Nếu không vì che chở cho tôi, anh đâu phải chết...” - chị Lý khóc rưng rức.
7 người chết vì lũ lụt Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, lũ lụt đã làm 7 người chết và 38 người bị thương; 213 nhà sập, 634 nhà tốc mái, trên 25.000 nhà bị ngập. Ngoài ra, lũ lụt và lốc xoáy còn làm hàng trăm phòng học và nhiều diện tích hoa màu bị ngập, hư hỏng, ước tính thiệt hại trên 210 tỉ đồng. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hôm nay (18-10), lũ hạ lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) có khả năng đạt đỉnh; thượng nguồn sông La và các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống. Riêng trên sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), lũ xuống mức báo động 2. Cần đề phòng sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Hà Tĩnh. |
Bình luận (0)