Cầu Cổ Chiên khánh thành và thông xe vào sáng nay 16-5
Sáng nay, 16-5, cầu Cổ Chiên bắc qua sông Cổ Chiên nối liền đôi bờ 2 tỉnh Bến Tre - Trà Vinh, có vốn đầu tư lên tới 2.300 tỉ đồng đã được tổ chức khánh thành và thông xe sau 21 tháng khẩn trương xây dựng. Đến dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Sau khi đơn vị thi công hoàn thành hạng mục đường dẫn và các nhịp có tổng chiều dài hơn 13 km cách đây 4 năm trước, dự án tiếp tục được khởi công xây dựng nhịp chính được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và cốt thép dự ứng lực, có tổng chiều dài 1,6 km, rộng 16 m với 4 làn xe, vận tốc đạt 80 km/h, không gian lưu thông thuyền cao 25 m và rộng 120 m. Nhờ khẩn trương xây dựng ngày đêm nên nhịp chính của cầu hoàn thành sớm hơn dự kiến 3 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Người dân vui vẻ tham quan cầu Cổ Chiên
Vị trí xây cầu cách bến phà Cổ Chiên khoảng 4 km, cầu nối huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) với huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh).
Cầu Cổ Chiên được khành thành góp phần cùng với cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu nối thông tuyến quốc lộ 60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn khoảng cách từ TP HCM đến Trà Vinh xuống còn 100 km.
Nhiều quán cóc phục vụ giải khát dưới chân cầu đã tận dụng ngày thông xe để buôn bán
Chị Phượng, một người dân sống ở TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), cho biết trước đây chị phải đi xe từ Trà Vinh qua Vĩnh Long, Tiền Giang rồi mới lên TP HCM. Khi cầu Cổ Chiên thông xe, thời gian đi lên TP HCM sẽ rút ngắn được khoảng 70 km.
Còn anh Nguyễn Toàn Vĩnh Thới, một người dân sống ở Bến Tre, cho rằng từ nay sẽ thoát khỏi cảnh phải “lụy phà” mỗi khi muốn sang Trà Vinh như trước đây.
Có mặt tại buổi lễ khánh thành,ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết cầu Cổ Chiên thông xe sẽ góp phần giảm áp lực phương tiện giao thông trên quốc lộ 53 - tuyến đường đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 5 người chết, 1 người bị thương vào sáng 7-5 vừa qua.
Cầu Cổ Chiên là dự án chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế tuyến hành lang ven biển và an ninh quốc phòng của cả khu vực ĐBSCL.
* Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự lễ khởi công Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây là 1 trong 3 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Sông Hậu, có công suất 1.200 MW (2x600MW), bao gồm 2 lò hơi, 2 tuabin và 2 máy phát cùng hệ thống phụ trợ.
Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ đưa vào vận hành thương mại trong vòng 48 tháng sau khi khởi công và tổ máy 2 sẽ đưa vào vận hành thương mại sau 52 tháng khởi công. Sản lượng điện trung bình đạt 7,8 tỉ kwh/năm.
Bình luận (0)