Lao động từ Đồng Tháp, Vĩnh Long sang các KCN của TP Cần Thơ làm việc ngày một tăng, trong khi muốn qua cầu Cần Thơ phải đi đường vòng nên nhiều người chọn đò ngang qua sông để tiết kiệm chi phí và thời gian. Trước nhu cầu này, đò “chui” chở quá tải xuất hiện ngày càng nhiều trên sông Hậu.
Một đò “chui” hoạt động trên sông Hậu
Nhiều bến không phép
Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có trên 66.000 phương tiện thủy các loại nhưng chỉ trên 8.500 phương tiện có đăng ký, đăng kiểm.
Theo thống kê, trong số 120 bến khách ngang sông đang hoạt động, có 30 bến không được cấp phép. Điều làm đau đầu các ngành chức năng là việc nhiều đò ngang chở quá tải, đe dọa tính mạng và tài sản của khách.
Tại bến khách ngang sông KCN Trà Nóc (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy - TP Cần Thơ), vào lúc tan ca, có đến hàng trăm công nhân đứng chờ để qua đò về huyện Bình Tân (Vĩnh Long).
Chị Lan Thanh (xã Tân Lược, huyện Bình Tân) than: “Hằng ngày, tôi thường qua bến đò này để đi làm. Sợ nhất là vào buổi chiều, khi tan ca, đò chở rất nhiều người và xe máy, ra giữa sông Hậu gặp sóng lớn làm ai cũng thót tim”.
Trung tá Vũ Đức Hưng, Đội trưởng Đội Xử lý, Phòng CSGT Đường thủy - Công an TP Cần Thơ, cho biết khi phà Hậu Giang hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ sông Hậu nên đã xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu tại 3 bến khách ngang sông là Cô Bắc, KCN Trà Nóc và Rạch Nộc.
“Chúng tôi nhiều lần phát hiện những bến khách này chở từ 120 -150 khách (vượt phép 2 – 4 lần) trong giờ cao điểm” – ông Hưng nói.
Người dân mừng hụt
Liên quan đến việc mở lại bến phà Hậu Giang, ngày 8-9-2010, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Vĩnh Long cùng nhất trí phương án khai thác bến phà Hậu Giang với quy mô là bến khách ngang sông.
Lãnh đạo hai địa phương thống nhất việc mở bến khách sẽ giao cho Công ty Cổ phần Bến xe Tàu phà Cần Thơ xây dựng phương án khai thác, sử dụng bến hạ lưu. Dự kiến đầu tháng 10-2010, phà sẽ hoạt động và chỉ phục vụ người đi bộ và xe 2, 3 bánh.
Tin này được nhiều người dân thường xuyên đi đò “chui” phấn khởi vì có phà sẽ an toàn hơn do được trang bị đầy đủ phương tiện, tuy nhiên cho đến nay, quyết định này vẫn còn nằm trên giấy.
Giải thích việc này, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói: “Tổng cục Đường bộ chưa đồng ý với chủ trương mở lại bến phà Hậu Giang vì hiện đã có cầu Cần Thơ nên việc khôi phục bến phà là không hợp lý. Vì vậy, địa phương chưa thể có quyết định chính thức giao Công ty Cổ phần Bến xe Tàu phà Cần Thơ đưa phương tiện vào hoạt động”.
Còn theo ông Nguyễn Quang Huống, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Tàu phà Cần Thơ, công ty này đã có phương án hoạt động lại bến phà nhưng Bộ GTVT chưa giao phần đất ở bến phà Hậu Giang (cũ) về cho địa phương nên hiện nay chưa tiến hành khai thác.
Trước tình hình này, để bảo đảm nhu cầu đi lại, hạn chế đò chui, UBND tỉnh Vĩnh Long đã cho nối tuyến xe buýt từ thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh - Vĩnh Long) sang TP Cần Thơ. Tuy nhiên, việc đi xe buýt đối với những người buôn gánh, bán bưng rất bất tiện và giá cả cũng không rẻ.
Bà Tư Thiên (thị trấn Cái Vồn) nói: “Hằng ngày, tôi phải qua chợ Cái Khế bên Cần Thơ để bán hủ tiếu. Đồ đạc thì nhiều, đi xe buýt đến bến rồi bắt xe ôm xuống chợ hết 30.000 đồng. Bán cả ngày được có 60.000 đồng, trả tiền xe như vậy làm sao có lời”.
Giữ an toàn trên chợ nổi Cái Răng
Đại tá Lê Thanh Chiến, Trưởng Phòng CSGT Đường thủy - Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Để hoạt động mua bán và tham quan của du khách tại chợ nổi Cái Răng được an toàn, những ngày cận Tết, chúng tôi thường xuyên ứng trực tại đây đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét khoanh vùng mặt sông dành cho họp chợ, thành lập lực lượng quản lý chợ với nhiều thành phần tham gia”. |
Bình luận (0)