Ngày 9-5, có mặt trên 2 tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái là Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống (quận 2, TP HCM), chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến từng đoàn xe tải, xe đầu kéo chở container… lắc lư như chực ngã nhào khi chạy qua những đoạn đường biến dạng với các vệt bánh xe bị hằn sâu hơn 10 cm.
Kêu cứu
Trên đường Nguyễn Thị Định, khu vực gần vòng xoay Mỹ Thủy (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), một đoạn dài hơn 500 m ở làn ô tô xuất hiện hàng loạt vệt lún hơn 5 cm. Nghiêm trọng hơn, tại khu vực lên dốc cầu Mỹ Thủy, hướng vào cảng Cát Lái, mặt đường xuất hiện các vệt bánh xe lún sâu khoảng 10 cm khiến các phương tiện khi lưu thông đều bị nghiêng hẳn về một bên.
“Tài xế quen đường thì đỡ ngán, chứ tài xế mới lần đầu ra vô cảng Cát Lái lấy hàng khi chạy qua cầu Mỹ Thủy ai cũng toát mồ hôi. Đường vào cảng mà chẳng khác đường làng, ai nhìn cũng phát ớn!” - tài xế Nguyễn Văn Tài (ngụ quận 7, TP HCM) ngao ngán và thông tin thêm: Nếu tiếp tục chạy theo hướng vào cảng Cát Lái, các tài xế lại phải đối phó với tình trạng mặt đường bị “sống trâu”.
Đúng như lời ông Tài nói, khi vừa qua vòng xoay Mỹ Thủy khoảng 300 m là hình ảnh đoạn đường Nguyễn Thị Định xuống cấp trầm trọng với các rãnh sâu đan xen. Dọc mép của các đường rãnh, lớp nhựa bị trồi lên khoảng 10 cm. Chưa đầy 20 phút quan sát, chúng tôi chứng kiến ít nhất 3 lượt xe tải chuyển làn với 2 bánh xe bị treo lơ lửng hoặc chỉ bám được một nửa vào mặt đường. “Nếu đi nhanh thì xe dễ bị lật, còn đi chậm sẽ gây ùn tắc. Đoạn đường này là nỗi ám ảnh của tài xế chúng tôi” - tài xế Tài bức xúc.
Tương tự, trên đường Đồng Văn Cống, đoạn trước Ban Chỉ huy Quân sự quận 2 (phường Thạnh Mỹ Lợi), mặt đường cũng bị bong tróc, hằn thành những vệt bánh xe kéo dài hơn 100 m. Theo quan sát của phóng viên, các phương tiện lưu thông dày đặc trên tuyến đường này đều phải chạy chậm do đường xấu dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc cục bộ. Đó là chưa kể đã có không ít vụ tai nạn giao thông do mặt đường quá xấu gây ra.
Theo các doanh nghiệp vận tải, thực trạng đường vào cảng Cát Lái liện tục hư hỏng đã được họ “kêu cứu” đến các cơ quan truyền thông và cơ quan quản lý. “Lần nào cũng vậy, đơn vị quản lý tuyến đường tiến hành sửa chữa. Thế nhưng, không biết họ sửa kiểu gì mà cứ sau vài tháng thì lún vẫn hoàn lún” - ông Trần Thanh Hùng, giám đốc một doanh nghiệp vận tải thường xuyên chở hàng ra vào cảng Cát Lái, đặt câu hỏi.
Do xe đông (?!)
Tình trạng đường Nguyễn Thị Định và đường Đồng Văn Cống bị sụt lún diễn ra từ nhiều năm qua. Trong 4 năm liên tục, năm nào tuyến đường này cũng bị trồi nhựa buộc đơn vị quản lý phải cào nhựa và bù lún. “Dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 60 m theo quy hoạch lộ giới vẫn chưa có dấu hiệu khởi động. Vì thế, hàng chục ngàn phương tiện vận tải hạng nặng vẫn phải lưu thông trên 4 làn xe chật hẹp thì việc trồi nhựa và điệp khúc bù lún đang trở thành nỗi lo của các tài xế cũng như doanh nghiệp vận tải” - ông Hùng nói.
Ông Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM), cho rằng nguyên nhân đường Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống bị lún là do lưu lượng phương tiện vào cảng Cát Lái quá lớn, đặc biệt là xe đầu kéo chở container, xe tải nặng…
Thế nhưng, chẳng lẽ cứ để mặt đường trồi, lún như vậy mặc cho nguy cơ gây tai nạn? Trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho biết đã yêu cầu các đơn vị cào phẳng những vị trí mặt đường bị gồ ghề. Nếu tình trạng đường lún vẫn tái diễn, sẽ tiến hành bù lún để bảo đảm an toàn giao thông.
Không chấp nhận câu trả lời của ông Hùng, tài xế Nguyễn Văn Tài lập luận: Nếu do mật độ phương tiện giao thông đông, xe tải gây lún thì tất cả tuyến đường là trục chính ra vào TP như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22... phải lún. Đằng này, chỉ có đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống bị lún là sao? Chất lượng công trình đã được xem xét một cách thấu đáo trước khi nghiệm thu chưa?
Theo một lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, lối thoát duy nhất cho các phương tiện chuyên chở hàng hóa ra vào cảng Cát Lái là đường Nguyễn Thị Định nhưng chúng tôi lo ngại rằng khi cảng Tân Cảng - Phú Hữu đưa vào khai thác từ tháng 6-2016, áp lực giao thông trên tuyến đường này càng tăng lên và nguy cơ ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.
Đề xuất mở thêm đường
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa đề xuất UBND TP HCM chấp thuận phương án quy hoạch và xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2 (dài 1.580 m, rộng 16 m) cho 4 làn xe container chạy qua khu dân cư phía Bắc cảng Cát Lái (khu 152 ha và khu 66 ha).
Về phương án tài chính, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn ứng vốn để TP giải phóng mặt bằng và giao tổng công ty xây dựng tuyến đường. Ngoài ra, TP giao cho Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khu đất 19,2 ha tại phường Phú Hữu, quận 9 để thực hiện dự án mở rộng kho bãi khai thác cảng và cấn trừ chi phí dự án vào tiền sử dụng đất khu này.
Bình luận (0)