Tỉnh Quảng Ngãi hiện có một tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy được cấp phép từ cảng Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn và ngược lại. Đây là tuyến vận tải hành khách duy nhất đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như nhiều du khách đến tham quan hòn đảo này với mỗi ngày có trên dưới 10 chuyến tàu ra vào. Thế nhưng, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, không ít trục trặc đã xảy ra với các tàu cao tốc khiến du khách bất an.
Dễ gây thảm họa
Vụ việc mới đây nhất xảy ra khoảng 9 giờ ngày 4-3, khi tàu cao tốc Chín Nghĩa 3 đón khách từ cảng Sa Kỳ đi Lý Sơn đột ngột chết máy trôi tự do giữa biển sau khi khởi hành từ đất liền ra đảo khoảng 9 hải lý. Vụ việc khiến 78 hành khách trên tàu lo sợ. Đến hơn 12 giờ cùng ngày, tàu vẫn không thể tự khắc phục sự cố; sau đó được một tàu cứu hộ khác ra ứng cứu, lai dắt về đất liền. Đáng nói là tàu cao tốc Chín Nghĩa 3 mới đưa vào hoạt động ngày 3-3, đến ngày 4-3 thì gặp chuyện. Theo đơn vị quản lý, tàu cao tốc Chín Nghĩa 3 được đầu tư khoảng 10 tỉ đồng với 5 máy, thời gian di chuyển từ cảng Sa Kỳ đi Lý Sơn chỉ khoảng 30 phút, thay vì mất 45-50 phút so với các tàu cao tốc khác.
Ông Trần Văn Nguyễn, một hành khách đi trên tàu Chín Nghĩa 3 hôm xảy ra sự cố chết máy, cho biết sau hơn 3 giờ tàu chết máy trôi tự do trên biển nhưng vẫn không khắc phục được khiến rất nhiều người lo lắng. “Đối với những tàu cao tốc chở khách hoạt động trên biển, quy định an toàn hết sức nghiêm ngặt, không có chuyện vận hành lại bị chết máy bởi sẽ rất dễ gây thảm họa” - ông Nguyễn nói.
Trước vụ tàu bị chết máy nói trên, hàng loạt sự cố khác liên quan đến lỗi kỹ thuật cũng từng xảy ra đối với các tàu đang hoạt động tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn. Vụ việc điển hình giữa năm 2016, trong lúc đang chở khách từ Lý Sơn vào đất liền, một tàu cao tốc đột ngột bị trục trặc ở máy phải dừng gần nửa giờ mới khắc phục được.
Không chỉ vậy, tình trạng chở quá số lượng hành khách cũng thường diễn ra, thêm vào đó là việc trang bị áo phao cho khách hết sức hạn chế. “Những dịp lễ - Tết, du khách rất đông nên thường xảy ra quá tải. Chưa kể, hầu hết các tàu đang khai thác tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn hiện nay không trang bị áo phao đầy đủ cho du khách. Bình thường, không có vấn đề gì thì thôi nhưng nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn, trong khi tàu không có đủ các trang bị kỹ thuật an toàn, sẽ để lại hậu quả khôn lường” - ông Bùi Văn Phải (ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn) nhận định.
Do tàu quá... hiện đại (!)
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, lại cho rằng tàu bè cũng như con người, không tránh khỏi việc gặp trục trặc. “Trường hợp tàu Chín Nghĩa 3 là do nó hiện đại, con người học chưa hết nên quên bật công tắc thùng nhiên liệu thứ 2. Đây chỉ là trục trặc kỹ thuật” - ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, khâu kiểm tra an toàn vận hành tàu có cơ quan chuyên môn đảm nhận, nếu có vấn đề gì thì họ phải chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật. “Việc kiểm tra tàu thủy luôn hết sức nghiêm ngặt vì nó đi trên nước, liên quan đến tính mạng rất nhiều người. Chúng tôi luôn phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra quy trình an toàn đối với phương tiện này” - ông Đạt thông tin.
Còn về công tác đào tạo đội ngũ lái tàu, theo một cán bộ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, các chủ tàu thường tuyển những lái tàu đáp ứng đủ yêu cầu bằng cấp của cơ quan chức năng, sau đó tự đưa đi đào tạo thêm nên có thể nhiều lái tàu không am hiểu hết các máy móc kỹ thuật hiện đại của tàu đời mới.
Bình luận (0)