xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thu hồi nhiều tài sản của ông Trần Văn Truyền

THẾ DŨNG - AN NHIÊN - THẾ KHA

Ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, đã thiếu trung thực, chưa thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm, tạo dư luận xấu trong nhân dân

Ngày 21-11, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương đã ra thông cáo báo chí về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, trong thời gian đương chức và khi về hưu, ông Truyền mắc một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất như sau:

1. Về lô đất số 598 B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre: Đây là lô đất có diện tích 351 m2 do Quân khu 9 cấp cho ông Truyền vào tháng 12-1992. Sau khi được cấp đất, ông Truyền cho người khác mượn để mở quán bán cơm. Năm 2007, UBKT trung ương phát hiện ông Truyền đã nhận đất của Quân khu 9, đến năm 2003 lại được tỉnh bán cho căn nhà số 6 Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu ông Truyền trả lại mảnh đất trên nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được. Đến năm 2013, ông Truyền lại có đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã được Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre cấp phép.

 

Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền ở TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre Ảnh: MINH PHƯƠNG
Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền ở TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre Ảnh: MINH PHƯƠNG

 

2. Về căn nhà tại số 6 Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre: Năm 2002, UBND tỉnh Bến Tre cho gia đình ông Truyền thuê căn nhà số 6 Lê Quý Đôn. Trước khi ông nhận nhà, Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Bến Tre đã sửa chữa, cải tạo mới với tổng chi phí hơn 400 triệu đồng. Năm 2003, khi đã chuyển công tác ra Hà Nội, ông Truyền có đơn xin mua căn nhà này và được UBND tỉnh Bến Tre bán với giá 277,969 triệu đồng (đã được miễn giảm 76,291 triệu đồng). Trong đơn xin mua nhà, ông Truyền cam kết chưa được cấp đất theo chính sách nhà, đất của nhà nước.

3. Về căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM: Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Truyền có đơn gửi UBND TP HCM trình bày nhu cầu có nhà ở và được cho thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển. Năm 2008, bà Trần Thị Ngọc Huệ (con gái ông Truyền) tiếp tục thuê căn nhà này. Đến tháng 3-2011, ông Truyền làm đơn đề nghị UBND TP HCM bán căn nhà, để bà Huệ đứng tên và được cơ quan chức năng TP đồng ý. Tuy nhiên, ông Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.

4. Về nhà công vụ tại số 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, TP Hà Nội: Năm 2004, ông Truyền được thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu với diện tích 95 m2. Tháng 10-2011, ông Truyền nghỉ hưu theo chế độ nhưng đến đầu năm 2014, UBKT trung ương vào nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại. Đến tháng 5-2014, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận căn hộ trên.

5. Về căn biệt thự tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre: Từ năm 2009-2010, con trai ông Truyền là Trần Hoàng Anh (CSGT tỉnh Bến Tre) mua đất của 4 hộ dân diện tích 16.567,4 m2 với số tiền 1,43 tỉ đồng. Sau đó, ông Anh xây dựng biệt thự 3 tầng có tổng diện tích sàn 1.226,61 m2. Tháng 5-2014, UBND TP Bến Tre đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho ông Anh. Hiện ông Truyền đang ở trong căn nhà này.

6. Về căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9, TP HCM: Ông Truyền được bà Trần Thị Lý (SN 1930, trú tại quận 9, TP HCM) nhận làm con nuôi. Sau khi bà Lý mất, con gái bà là Phạm Thị Kim Anh (SN 1967) đã chia số tài sản thừa kế cho một số người, trong đó ông Truyền được tặng 1 căn nhà 3 tầng tại số 465/48C khu phố Phước Hậu. Ông giao lại cho bà Kim Anh quản lý rồi nhận của bà này 4 tỉ đồng để xây căn biệt thự ở xã Sơn Đông.

UBKT trung ương kết luận ông Trần Văn Truyền đã thiếu cân nhắc, thiếu gương mẫu trong việc tự mình thực hiện hoặc tác động, đề nghị với các cơ quan chức năng để xử lý một số trường hợp về nhà, đất; trong đó có việc thiếu trung thực, có vi phạm hoặc chưa gương mẫu thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm.

UBKT trung ương đã báo cáo và được Ban Bí thư đồng ý. Ban Bí thư yêu cầu đối với ông Truyền, kiểm điểm trách nhiệm theo quy trình về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và UBKT trung ương. Yêu cầu gia đình ông Truyền thực hiện nghiêm các quyết định xử lý về nhà, đất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Truyền; thu hồi dứt điểm thửa đất số 598 B5 Nguyễn Thị Định; kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân chậm thu hồi thửa đất nói trên và việc cải tạo, sửa chữa, bán nhà số 6 Lê Quý Đôn, TP Bến Tre.

Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM phải chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển theo hướng đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 685/UBND-ĐTMT-M, ngày 30-9-2014 (trước khi có kết luận của UBKT trung ương); kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận.

 

Đáng lẽ phải làm gương

Ông Truyền từng đứng đầu Thanh tra Chính phủ, cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan phòng chống tham nhũng, lẽ ra phải gương mẫu, trong sạch nhất. Cả chuyện nhà đất lẫn chuyện bổ nhiệm cán bộ ồ ạt chắc chắn có vấn đề đằng sau.

Ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Không có vùng cấm

Tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của UBKT Trung ương trong vụ việc ông Trần Văn Truyền. Điều này cho thấy “không có vùng cấm” nào. Vụ việc xảy ra cũng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước nhưng cách giải quyết triệt để sẽ giúp lấy lại lòng tin của người dân đối với Đảng và pháp luật. Triệt để ở đây có nghĩa là sai phạm được phát hiện đến đâu phải xử lý đến đó.

Ông Nguyễn Sỹ Cương (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

Phần lớn do báo chí phát hiện

Thường các vụ việc tham nhũng dù nhỏ hay lớn, cơ quan chủ quản chủ động phát hiện rất ít mà toàn từ thông tin bên ngoài, nhất là báo chí, rồi sau đó cơ quan chức năng mới vào cuộc. Tôi đề nghị làm rõ quy định trách nhiệm người đứng đầu khác nhau khi họ tự phát hiện với khi bị phát hiện.

Nguyễn Thị Khá (Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Th.Dũng ghi

 

Trao đổi với báo chí chiều 21-11, ông Truyền không đưa ra bình luận về kết luận của UBKT trung ương. Ông Truyền nói có gì thắc mắc, bình luận về kết luận này thì báo chí nên hỏi UBKT trung ương.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo