Ngày 11-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Ban chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp - Ảnh: Thành Chung
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, VPCP đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan, thống nhất lộ trình cổ phần hóa (CPH) 137 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó, năm 2017, cả nước sẽ phải cổ phần hóa 45 DNNN trong số này. Dự kiến sẽ hoàn thành CPH 40 DN trong tổng số 45 DN của kế hoạch năm 2017.
Đến hết quý II/2017, đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỉ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỉ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016); trong đó, có 6 DN thoái vốn dưới mệnh giá. Về việc thoái vốn nhà nước tại 12 DN quy mô lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 11 DN đã niêm yết.
Sabeco đang lựa chọn đơn vị nhà thầu tư vấn thoái vốn nhà nước. Habeco đang xử lý vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S. Đối với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã trình Thủ tướng Chính phủ hai phương án bán tiếp phần vốn nhà nước tại công ty này và đang chờ lấy ý kiến của Thường trực Chính phủ.
Theo Quyết định 707/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020, các tập đoàn phải trình đề án tái cơ cấu DN giai đoạn 2016 - 2020. Tới nay, Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), VPCP đang thẩm tra để trình Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, còn lại 5 tập đoàn kinh tế lớn chưa trình đề án là: Công nghiệp Cao su (VRG), Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV), Bưu chính viễn thông (VNPT), Viễn thông Quân đội (Viettel), Công nghiệp Hóa chất (VINACHEM).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng việc sắp xếp lại các DN không phải nhiệm vụ do Bộ Tài chính trình mà là nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Quốc hội giao. Ông Hiếu đề nghị dù có thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN thì tốt nhất vẫn là cổ phần hoá. "Không ai trăm tay nghìn mắt quản lý được. Khi đã CPH có 35% vốn từ ngoài vào là đồng tiền đi liền khúc ruột, quản lý sẽ tốt lên. Trừ doanh nghiệp lo quốc phòng - an ninh còn DN đơn thuần khác cần CPH toàn bộ"- ông Hiếu nói.
Viettel là một doanh nghiệp quân đội thành công ở cả trong và ngoài nước - Ảnh: Lê Mai
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường cho biết trước đây toàn ngành có 116 DN quân đội, nay còn 88 DN. Ông Trường lý giải việc DN quân đội đông là vì trước đây chủ yếu các DN là các nhà máy, xí nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sửa chửa vũ khí, trang bị, đóng tàu cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
"Sau này rộ lên các công ty, tổng công ty là do phình ra theo Nghị định 90 – 91 (tổng công ty 90-91). Các DN quân đội này thực chất là nâng từ xí nghiệp, nhà máy lên thành công ty để đi giao dịch thuận tiện hơn và tham gia vào một số dự án. Dẫn đến số DN quân đội tăng lên"- ông Trường lý giải.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Quốc phòng hoàn toàn ủng hộ việc sắp xếp đổi mới DN quân đội. Hiện bộ đang thực hiện 2 đề án của CPH và đến nay đã CPH được 31 DN, trong năm 2017 dự kiến CPH thêm 6 DN. Hiện ngành đã thoái vốn được 19 DN và xây dựng đề án giải thể 5 DN...
"Bộ Quốc phòng kiên quyết chỉ đạo CPH không cách nào khác mặc dù có chậm. Hiện có khó khăn nhưng Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng kiến quyết thực hiện. Trong đó Viettel đang xây dựng đề án CPH song đang chờ đề án tổng thể của Bộ được Chính phủ phê duyệt rồi mới phê duyệt đề án của Viettel"- ông Trường chia sẻ.
Cho ý kiến về đối tượng DN thuộc quân đội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: "DN nào thực sự lo về quốc phòng an ninh thì giữ lại, cái nào kinh tế đơn thuần thì sắp xếp lại".
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cũng cho rằng tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN diễn ra chậm, đạt tỷ lệ thấp trong 6 tháng đầu năm. Việc bàn giao các DN sau cổ phần hóa về SCIC cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, TP HCM chậm nhất trong số các đơn vị khi chưa có DN nào được cổ phần hóa trong danh sách 39 DNNN phải cổ phần hóa của địa phương này tới năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết trong số 39 DNNN phải CPH thì đa phần là các công ty công ích (26 công ty, còn lại là 13 công ty mẹ), đang bị chậm thực hiện vì đang xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt phương án CPH. Tuy nhiên, hiện nay các DNNN này đều hoàn thành kiểm kê tài sản, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược. Khi Thành ủy phê duyệt thì TP sẽ thực hiện xong trong năm 2018.
Ông Liêm cũng cho rằng cần thận trọng trong CPH, thoái vốn nhà nước bởi nếu "tung" ra ồ ạt thì thị trường cũng không thể "tiêu hóa" nổi một lượng lớn tài sản của nhà nước.
Trưởng Ban đổi mới và phát triển DN TP HCM, ông Nguyễn Trọng Sang cho biết năm nay TP sẽ thoái vốn ở 10 công ty mẹ với giá trị sổ sách là 2.292 tỉ đồng. Qua 6 tháng, TP đã thoái 287 tỉ đồng giá trị vốn, thu về 1.110 tỉ đồng. Trung tuần tháng 7 này, TP HCM sẽ có báo cáo kế hoạch thoái vốn tới năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết cuối năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có giá trị vốn nhà nước là 2.200 tỉ đồng. Một số công ty như Vườn thú Hà Nội, Công ty cây xanh Hà Nội,… có thể phải gối sang năm 2018 mới CPH được vì "vướng" định giá vườn cây, con thú…, chờ hướng dẫn của các bộ.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng sắp xếp, CPH DNNN làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Làm nhanh mà làm ẩu, sai phạm là rất đáng phê phán. Tuy nhiên, Trưởng Ban chỉ đạo chỉ ra hạn chế là tiến độ sắp xếp, CPH, thoái vốn không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra; 578 DN chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định. Hiệu quả hoạt động của khối DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty, DN, dự án hoạt động kém, thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Quá trình cổ phần hóa còn nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là các quy định về định giá tài sản đất đai, trách nhiệm của người quản lý tài sản nhà nước chưa rõ ràng.
Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân của hạn chế chính là chỉ đạo, điều hành của một số bộ ngành địa phương tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thật quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
"Đâu đó còn tâm ý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Thẩm quyền của bộ, địa phương nhưng không dám quyết, đưa lên Chính phủ hỏi ý kiến cho an toàn, nhưng Chính phủ quyết lại không đúng luật. Có nơi ngại không muốn làm, sợ sai phạm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời"- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, địa phương làm theo đúng pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch. Nếu luật pháp bất cập thì phải sửa, nhưng đang còn hiệu lực thì không thể làm sai được, không làm theo "thông lệ", bảo đảm lợi ích quốc gia.
"Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN cổ phần hóa và thoái vốn DN"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)