ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm không đồng tình với dự luật là khoản tiền xác minh nguồn gốc, thẩm định hồ sơ của trẻ được nhận làm con nuôi. Đây là việc Nhà nước giao cơ quan công an, tư pháp nay đi thu tiền của bố mẹ nuôi là không thỏa đáng. ĐB Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) cũng phản đối 2 loại chi phí khác là “kinh phí nuôi trẻ từ khi được giới thiệu, làm thủ tục đến khi giao nhận” và khoản “thù lao hợp lý cho các nhân viên của trung tâm nuôi dưỡng”. Bà Huyền nhìn nhận: “Đây chính là kẽ hở để nhiều người trục lợi và gây ra nhiều vụ tiêu cực trong thời gian qua”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: Các khoản chi trả đăng ký nuôi con nuôi phải được ghi rõ trong luật sẽ tránh được khiếu kiện của người nhận con nuôi. Nhiều ý kiến đề xuất lệ phí, chi phí liên quan đến nhận nuôi con nuôi nên được giới thiệu công khai ở các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để người nước ngoài có quan tâm được biết.
Một số ĐB cũng góp ý về dự thảo luật quy định quy trình, thủ tục nhận con nuôi quá rắc rối, đặc biệt là trường hợp người nước ngoài nhận con nuôi VN. ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) dẫn việc con nuôi người Việt được cha mẹ người nước ngoài nuôi dưỡng trong điều kiện tốt đã trở thành những nhà khoa học, chính trị gia nổi tiếng. Nay dự thảo luật khắt khe sẽ cản trở việc này. Trong dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ QH đã tách việc giới thiệu trẻ làm con nuôi với việc tiếp nhận tài trợ và quản lý Nhà nước là cần thiết.
Chiều cùng ngày, QH thảo luậnl về một số nội dung của dự thảo Luật Bưu chính. Ý kiến của đa số ĐB QH thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính làm cơ sở pháp lý có hiệu lực cao cho việc quản lý hoạt động bưu chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động bưu chính được thực sự bình đẳng trước pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Bình luận (0)