30 DN may gặp cảnh éo le
Ông Trần Kiến Quốc, Giám đốc Công ty Việt Vương (TPHCM), đã gửi kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng cầu cứu vì công ty của ông “được” xếp trong danh sách bị cưỡng chế thuế nhập khẩu với số tiền lên đến gần 9 tỉ đồng. Trong năm 2002, Công ty Việt Vương tiến hành thanh lý tờ khai tạm nhập khẩu nguyên liệu cho lô hàng may mặc đã xuất khẩu (XK) thì bị Hải quan TPHCM “treo lại”, vì cho rằng chứng từ thanh toán không hợp lệ do “... trên chứng từ thể hiện người trả tiền (phía nước ngoài) không đúng tên DN mua hàng ở hợp đồng XK sản phẩm...”. Trong khi trước đây, khi DN nhập nguyên phụ liệu về phục vụ sản xuất hàng XK, trong thời gian “ân hạn” 275 ngày, nếu lô hàng được XK và có đầy đủ chứng từ thanh toán quốc tế, kể cả khi thanh toán qua người thứ ba (công ty tài chính, khách hàng của người mua hàng...) thì DN được tiến hành thanh lý tờ khai nhập khẩu và được cơ quan hải quan ra quyết định miễn nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu. Chính sự bất hợp lý này, không riêng gì Việt Vương, mà còn hàng loạt DN không thanh lý được tờ khai tạm nhập khẩu nguyên liệu để làm hàng XK, DN trở thành con nợ. Riêng ngành may ở TPHCM, tính đến thời điểm này còn có đến khoảng 30 DN rơi vào hoàn cảnh tương tự. Do trở thành con nợ mà DN không được hưởng tiếp “ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày”, mà chỉ còn 30 ngày. Trong khi đó, vòng quay của quy trình làm hàng may mặc XK phải mất trung bình 3 tháng.
Cơ quan chức năng cũng phải chờ
Trước kiến nghị của các DN ở TPHCM về bất hợp lý nói trên, Cục Hải quan TPHCM đã có văn bản báo cáo lên Tổng cục Hải quan để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Sau đó, Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn trao đổi vấn đề này với Bộ Tài chính. Nhưng đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn mới giải quyết. Bên cạnh đó, ngày 2-12-2002, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cho kiểm tra lại quy định này “để việc thanh toán phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Hiện nay, nợ thuế nhập khẩu của các DN vẫn cứ lũy tiến dần theo thời gian. Trong khi đó, các DN này vẫn cứ được tiếp tục nhập nguyên liệu làm hàng XK. Phải chăng vì thấy được sự bất hợp lý nói trên nên các cơ quan quản lý vẫn “cho qua”? Nhưng nỗi lo của các DN là không biết lúc nào mình bị khởi tố về tội nợ thuế.
Xuất hàng thiếu bị coi là có... “lỗi”
Một DN may ở TPHCM cho biết, trong ngày thứ bảy vừa qua, công ty này đã xuất một container nhưng lượng xuất thấp hơn khai báo hải quan ban đầu, do khâu kiểm tra sau cùng phát hiện một số sản phẩm không đạt chất lượng. Vì vậy phải bị kiểm lại toàn bộ lô hàng, tốn hết 800.000 đồng. Sự bất hợp lý này không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn gây khó khăn cho ngành hải quan. Vì có trường hợp xuất hàng vào một - hai giờ sáng, lượng xuất đến cả chục container mà phải kiểm tra lại toàn bộ thì hết sức vất vả, lại không cần thiết. Đây là quy định mới của ngành hải quan, trong khi trước đây không có.
Bình luận (0)