Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấn chỉnh lại quy chế làm việc của Chính phủ - Ảnh: Đức Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký văn bản yêu cầu chấn chỉnh thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ.
Theo đó, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, cơ quan trong việc tham gia, phối hợp giải quyết công việc và thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ dành thời gian tham dự đầy đủ các nội dung theo Chương trình, tham gia quyết nghị đầy đủ đối với những vấn đề Chính phủ thảo luận.
Để tiết kiệm thời gian và tập trung thảo luận, quyết nghị các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thành viên Chính phủ được phân công trình nội dung tại phiên họp phải chuẩn bị báo cáo tóm tắt, trình bày ngắn gọn, rõ ràng các vấn đề cơ bản của báo cáo, đề án và các vấn đề cần xin ý kiến (nếu có). Các thành viên Chính phủ tham gia thảo luận ngắn gọn, cụ thể, đúng vấn đề, thể hiện rõ quan điểm đồng ý hay không đồng ý đối với nội dung thảo luận, xin ý kiến.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan chủ trì trình Báo cáo, đề án phải chuẩn bị tài liệu khẩn trương, gửi Văn phòng Chính phủ trước khi họp ít nhất 3 ngày. Các thành viên Chính phủ tiếp tục duy trì việc sử dụng tài liệu phiên họp được gửi qua hộp thư điện tử công vụ của Chính phủ.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5-2016 - Ảnh: Đức Hiếu
Tiến dần tới Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ gửi giấy mời điện tử đồng thời với văn bản giấy các phiên họp Chính phủ thường kỳ từ tháng 6-2016, tiến tới thực hiện chỉ gửi giấy mời điện tử tất cả các cuộc họp, hội nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Còn đối với cuộc họp của Thường trực Chính phủ, cuộc họp do Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ, cơ quan dự đúng thành phần được mời, không cử người không đủ thẩm quyền dự họp. Khi được yêu cầu, người dự họp phải có quan điểm tham mưu, ý kiến đề xuất về nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan mình. Ý kiến của người dự họp là ý kiến chính thức của bộ, cơ quan và là cơ sở để người chủ trì xem xét, kết luận về nội dung họp.
Đối với cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ủy ban, Hội đồng liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì thì thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban, Hội đồng khi được mời họp phải tham dự đúng thành phần và tham gia có trách nhiệm. Trường hợp đặc biệt không tham dự được phải báo cáo Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp và ủy quyền cho người có đủ thẩm quyền dự thay nếu được Thủ tướng, Phó Thủ tướng đồng ý.
Thủ tướng cũng lưu ý Văn phòng Chính phủ theo dõi, quản lý chặt chẽ thành phần dự các phiên họp, cuộc họp; bảo đảm bảo mật thông tin, tài liệu, đặc biệt là các cuộc họp Thường trực Chính phủ.
Về thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ cũng giao nhiệm vụ các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo, phân công, đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ, công việc; khẩn trương khắc phục tình trạng chậm triển khai văn bản, ý kiến chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ đạo nói trên và triển khai nghiêm túc, thiết thực các vấn đề có liên quan trong bộ, cơ quan để bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Tăng trách nhiệm phối hợp liên Bộ
Về công tác phối hợp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cần tăng cường trách nhiệm trong các hoạt động phối hợp, đặc biệt là trong giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Bộ, cơ quan được hỏi ý kiến phải trả lời đầy đủ, đúng hạn, rõ quan điểm đối với các vấn đề do Bộ, cơ quan khác hỏi ý kiến.
Bình luận (0)