Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu mở đầu buổi đối thoại:
Thưa đồng bào, đồng chí thân mến!
Tôi xin có lời chào trân trọng, thân thiết đến tất cả đồng chí, đồng bào ta đang sống, làm việc ở cả trong và ngoài nước. Tôi chân thành cảm ơn và đánh giá rất cao việc đồng chí, đồng bào đã quan tâm và đã gửi đến tôi hơn 20.000 câu hỏi trong buổi đối thoại trực tuyến này.
Tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là nguyện vọng chính đáng, là tình cảm, là trách nhiệm rất cao, rất tốt đẹp của đồng chí, đồng bào đối với tương lai phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, nền kinh tế chúng ta, cũng như đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ta.
Tôi xin được bắt đầu trao đổi ý kiến với đồng bào, đồng chí.
Thủ tướng đã trả lời câu hỏi đầu tiên về tình hình kinh tế-xã hội 2006
Theo đó, năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội X, năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010. Bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, với thành tựu của 20 năm đổi mới, thành tựu nổi bật của năm 2006 là chính trị-xã hội ổn định; quyền lợi chính đáng của nhân dân được tôn trọng, đảm bảo; nhân dân tin tưởng sự nghiệp đổi mới, đất nước tiếp tục thành công; nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao.
GDP 2006 tăng trưởng 8,2%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch. Cùng với phát triển kinh tế, riêng xóa đói giảm nghèo 2006 đã giảm thêm được 3%. Văn hoá-GD-xã hội, y tế đạt được kết quả tích cực. CCHC, chống tham nhũng đã đạt được kết quả bước đầu, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Quốc Phòng - An Ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt được thắng lợi lớn, có ý nghĩa quan trọng. Ví dụ, sau hơn 11 năm kiên trì đàm phát, VN đã gia nhập WTO; chúng ta tổ chức thành công Hội nghị APEC; Châu Á đồng tình ủng hộ cao việc VN ứng cử ghế thành viên không thường trực HĐBA LHQ. Đây là công sức, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Thành tựu này đã tạo ra thế và lực mới, tạo ra thời cơ, thuận lợi để sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đến 2020 đất nước cơ bản trở thành đất nước công nghiệp.
Tuy nhiên, năm 2006 vẫn còn những bức xúc không thể chủ quan, tự mãn. Đó là: nền kinh tế vẫn còn nhỏ, GDP cả nước mới đạt hơn 60 tỷ USD, GDP bình quân đầu người mới đạt 720 USD/người, đứng thứ 7/10 nước ASEAN, đứng trong số 40 nước có thu nhập thấp nhất thế giới.
Những tồn tại yếu kém này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với trách nghiệm người đứng đầu, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm.
Câu hỏi 2: Giải pháp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2007 và những năm tới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Dân tộc Việt Nam có truyền thống tốt đẹp qua mấy nghìn năm lịch sử. Chúng ta vừa kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân kế tục truyền thống tốt đẹp đó. Chúng ta đã buộc phải cầm súng chiến đấu, phải chiến đấu để giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Chúng ta đã đổi mới thành công từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Những năm qua, chúng ta đã bước đầu hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, đạt những kết quả bước đầu. Hiện tại chúng ta đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới Không phải đến nay chúng ta mới tiến hành hội nhập. Ngay từ năm 1995, chúng ta đã gia nhập ASEAN, tham gia Hiệp định Tự do thương mại ASEAN (AFTA) và các hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand… Quá trình hội nhập này cũng là quá trình hội nhập thế giới. Ngoài ra, nước ta có quan hệ thương mại với hơn 200 nước, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 80 nước.
Chúng ta đã đảm bảo nền kinh tế liên tục tăng trưởng trong hơn 20 năm qua, bình quân là từ 7,5-8%. Với sự lãnh đạo của Đảng 77 năm qua, chúng ta đã giành thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Chúng ta đã hội nhập thành công, đã có kết quả thắng lợi bước đầu. Trên nền tảng đó, với thế và lực đạt được trong 20 năm đổi mới, tôi tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi.
Câu hỏi 3: Vai trò của DNNN, Thủ tướng nói:
Doanh nghiệp nhà nước của chúng ta được hình thành trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Tuy các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém, khuyết điểm, nhưng nói một cách sòng phẳng, doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Từ năm 1986 chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều đổi mới để phù hợp và đến nay đã thành công. Đến nay các doanh nghiệp nhà nước đã hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, theo Pháp luật của Nhà nước, hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Đến 2006, chúng ta chỉ còn 1800 doanh nghiệp nhà nước.
Sắp tới đây chúng ta sẽ tiến hành cổ phần hóa, hầu hết doanh nghiệp sẽ chuyển sang đa sở hữu, như vậy chúng ta đã chuyển doanh nghiệp nhà nước họat động từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, từ sở hữu nhà nước thành sở hữu đa thành phần. Năm 2006 vừa qua, doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp 30% vào GDP, chiếm gần 40% ngân sách và chiếm 50% giá trị xuất khẩu trong nền kinh tế.
Câu hỏi 4: Phương pháp quản lý, tiêu chí đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về ý kiến cho rằng phương pháp quản lý, tiêu chí đánh giá những hiệu qủa của doanh nghiệp nhà nước là chưa hợp lý, gây khó khăn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Theo tôi, cách hiểu này cũng không đúng. Hiện nay đánh gía doanh nghiệp nhà nước là đánh giá từ hiệu quả, hiệu quả sản xuất kinh tế, hiệu quả doanh số, hiệu quả theo đồng vốn.
Đến nay, chúng ta có 104 tập đoàn nhà nước, tất cả đều họat động tốt có hiệu quả, tốc độ tăng trưởng gần 12%, tiêu chí tăng trưởng dựa vào hiệu quả: đồng vốn nhà nước bỏ ra, doanh số, hiệu quả qua lợi nhuận và kể cả hiệu quả xã hội. Tôi cho rằng đánh giá doanh nghiệp nhà nước như thế là đánh giá theo cơ chế thị trường.
Câu hỏi 5: Nhiệm vụ chủ yếu về phát triển KT-XH năm 2007?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Để tranh thủ thời cơ và thuận lợi, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, Quốc hội đã có nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2007. Kế hoạch được Quốc hội thông qua và là rất cơ bản và toàn diện
Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có chương trình hành động tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội trong năm 2007 và cả 5 năm 2006 – 2010. Toàn bộ chương trình hành động này đã được đăng tải trên website Chính phủ và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, tôi không nhắc lại, chỉ xin nhấn mạnh một số điểm là:
Thứ nhất, bằng các giải pháp tổng hợp và sự nỗ lực cao nhất để đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,2% theo hướng hiệu quả và bền vững.
Câu hỏi 6: Vào WTO nhiệm vụ nào quan trọng nhất?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Vào WTO, chúng ta hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới. Đây là bước ngoặt lớn, nhiệm vụ của chúng ta là hội nhập thành công. Đạt mục tiêu CNH-HĐH đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Trong khi triển khai đồng bộ các giải pháp để hội nhập thành công, Chính phủ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ then chốt.
1/ Tập trung cải cách nền hành chính nhà nước, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Nếu không làm được điều này, không huy động được lực lượng giải phóng sản xuất, không nâng cao được năng lực cạnh tranh, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Xét cho cùng hội nhập thành công hay không phụ thuộc vào sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sức cạnh tranh hiện đang bị cản trở do nhiều nguyên nhân, trong đó có thủ tục hành chính.
2/ Phải tập trung đầu tư, tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội như đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc... để đáp ứng tiến trình CNH-HĐH, đáp ứng hội nhập.
3/ Nguồn nhân lực. Xét cho cùng, có cạnh tranh thành công và thắng lợi hay không là do con người VN quyết định. Cho nền đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định. Tóm lại, để hội nhập thành công, phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp TƯ Đảng đã đề ra.
Câu hỏi 7: Vào WTO, chúng ta phải cạnh tranh quyết liệt. Nhưng người nông dân còn nghèo. Thủ tướng có giải pháp gì giúp người nông dân hội nhập?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đây là vấn đề trăn trở của Đảng và Nhà nước. Gần cả thế kỷ 20 chúng ta buộc lòng phải cầm súng, nền kinh tế gần như đổ nát. Nhưng bằng nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn dân tộc, sau 20 năm đổi mới nền kinh tế liên tục tăng trưởng 7,5-8,5%.
Đi liền với phát triển là đấu tranh giảm nghèo. Công cuộc XĐGN của nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây là sự ưu việt của chế độ ta.
Nhưng đúng như các bạn nói, nông dân chúng ta còn nghèo quá. Để tạo điều kiện người dân vươn lên thoát nghèo, Chính phủ đã có các giải pháp giúp các hộ nghèo thoát nghèo, ví dụ như Chương trình quốc gia XĐGN, Chính phủ có Chương trình 135.
Để phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân, Đảng và Nhà nước đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp rất cụ thể. Tôi có thể nhấn mạnh một số việc:Đầu tư điện-đường-trường-trạm, nước sạch...Riêng làm đường, Chính phủ đã phát hành trái phiếu để làm đường giao thông.
Chúng ta phải có chính sách khuyến khích, Nhà nước tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất nông nghiệp, giảm chi phí, giá thành đầu vào.
Đúng là câu hỏi này cũng là điều trăn trở của Chính phủ và bản thân tôi. Đất nước đang tiến hành CNH-HĐH, đi liền với nó không cách nào khác là quá trình đô thị hoá. Phải chuyển một phần đất nông nghiệp làm kết cấu hạ tầng; chuyển một phần đất nông nghiệp sang làm KCN, khu kinh tế. Vấn đề là làm sao việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đi liền với tái định cư, tổ chức lại cuộc sống của đồng bào tốt hơn.
Câu hỏi 8: Qua hơn 200 ngày, nhân dân và báo chí đánh giá cao vai trò của Thủ tướng, Thủ tướng có suy nghĩ gì?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi nhậm chức hơn 7 tháng và đã cố gắng hết sức để đáp ứng sự tin tưởng giao phó của Đảng, nhân dân. Nhưng những kết quả vẫn còn đang ở phía trước. Còn kết quả trong thời gian qua là công lao của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng.
Câu hỏi 9: Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm là CCHC. Vì sao thời gian qua kết quả còn hạn chế?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thủ tục hành chính, nền hành chính phải nói công bằng là đã đạt đuợc nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn yếu kém. Thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, cản trở phát triển. Phải coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. CCHC phải làm đồng bộ cả về thể chế, cơ chế, bộ máy. Trong thủ tục hành chính, tôi đặc biệt quan tâm đến thủ tục trong việc lập DN, cấp mã số thuế. Việc này phải làm "1 cửa" và phải rút từ 50 ngày hiện nay xuống còn 20 ngày.
Tiếp đó là thủ tục hải quan thuế, cấp phép kinh doanh, lập dự án phê duyệt và giao đất, sổ đỏ, thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn; thủ tục về xây dựng nhà ở, hoàn công nhà ở, quyền sở hữu nhà ở; thủ tục về chứng nhận; thủ tục xác nhận để miễn học phí, chi trả bảo hiểm, làm hộ chiếu cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những điều nhân dân đang bức xúc
Chính phủ đá quy định các quy trình thủ tục giải quyết công việc phải niêm yết công khai.
Câu hỏi 10: Thủ tướng có giải pháp gì giúp người dân bị thu hồi đất vượt qua khó khăn, không bị bần cùng?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng là câu hỏi này cũng là điều trăn trở của Chính phủ và bản thân tôi. Đất nước đang tiến hành CNH-HĐH, đi liền với nó không cách nào khác là quá trình đô thị hoá. Phải chuyển một phần đất nông nghiệp làm kết cấu hạ tầng; chuyển một phần đất nông nghiệp sang làm KCN, khu kinh tế. Vấn đề là làm sao việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đi liền với tái định cư, tổ chức lại cuộc sống của đồng bào tốt hơn. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để làm tốt việc này.
Việc người dân chuyển sang nơi ở mới chưa tốt hơn nơi ở cũ là chính quyền còn có trách nhiệm. Dứt khoát không để bà con bị thu hồi đất bị bần cùng hoá, đây là trách nhiệm của Chính phủ. Là bản chất của chế độ.
- Chuyển sang phần câu hỏi online
Câu 1: Vì sao Thủ tướng ký cấm tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thay mặt Chính phủ, tôi ký chỉ thị về tăng cường quản lý báo chí nhằm phát huy tối đa, tốt nhất vai trò của báo chí. Trong chỉ thị có điều nghiêm cấm tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức; nghiêm cấm không để thế lực nào chi phối báo chí...
Điều này phù hợp với pháp luật VN, với tuyệt đại đa số nguyện vọng của nhân dân và thực tế của nước ta.
Đối với báo chí, Đảng, Nhà nước nhân dân đánh giá cao vai trò của báo chí trong thời gian đổi mới vừa qua và trong cả quá trình.
Mỗi tờ báo phải là diễn đàn, cơ quan ngôn luận của tổ chức. Mỗi tờ báo phải là ngọn cờ vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Những thành tích của báo chí phải được trân trọng, đánh giá đúng mức. Đồng thời, những khuyết điểm cũng phải xử lý. Nhưng tôi tin báo chí tiếp tục đóng góp vào quá trình CNH-HĐH đất nước
Câu 2: Thưa Thủ tướng, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định nhưng học phí quá đắt. Thủ tướng có giải pháp nào giúp người nghèo?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Đảng và Nhà nước đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong những năm qua chúng ta đã tập trung phát triển GD-ĐT. Nói đúng mức và công bằng, nếu không có GD-ĐT, chúng ta không thể có được sự phát triển hiện nay.
Đối với người nghèo, Nhà nước đã có chính sách miễn học phí bậc học tiểu học; THPT, THCS, CĐ-ĐH đều có chính sách giảm học phí cho người nghèo.
Nếu 2006 chúng ta tính từ mẫu giáo tới đại học, cả nước có 27,5 triệu người đi học. Trong đó có 1,4 triệu sinh viên. Như vậy, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới giáo dục.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, nhiều người nghèo vẫn không đủ tiền vào học ĐH-CĐ, thậm chí cả trung học.
Nhìn nhận điều này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD- ĐT trình chính sách học phí mới. Theo đó, người nghèo vào được ĐH-CĐ là được miễn học phí. Đối tượng chính sách cũng vậy. Chính phủ cũng yêu cầu trình để thảo luận miễn toàn bộ học phí cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Tôi tin rằng sự nỗ lực của Nhà nước, sự nỗ lực của mỗi người dân, chúng ta thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác Hồ là "ai cũng được học".
Câu 3: (Câu hỏi từ Mỹ): Ngài nghĩ gì khi cho 2 con đi học tại Mỹ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng là tôi có 23 năm trực tiếp chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường miền Nam. Lúc đó rất là căm thù nhà cầm quyền hiếu chiến Mỹ. Bản thân tôi cũng đã 4 lần bị thương, là thương binh hạng 2/4. Cha, chú tôi cũng hy sinh trong cuộc đấu tranh chống xâm lược.
Nhưng chúng ta không căm thù cả dân tộc Mỹ, cả đất nước Mỹ. Chúng ta cũng hết sức cảm ơn những người dân Mỹ xuống đường phản đối chiến tranh. Hết sức chia sẻ những phụ nữ Mỹ mất chồng, mất con. Lúc đó, cả nước ta đã rất xúc động khi được tin một người Mỹ là Morrison đã tự thiêu để phản đối chiến tranh.
Con tôi là cán bộ trường ĐH ở TP.HCM, cháu được trường, Bộ GD-ĐT cử đi học và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Mỹ. Hiện nay cháu đang phụ trách đào tạo sau ĐH của trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Kinh phí do chương trình đào tạo tiến sĩ của Nhà nước ta chi trả.
Với tư cách một công dân VN chân chính, không ai có quyền quên quá khứ đau thương.
Nhưng với tinh thần hoà hiếu, nhân dân ta cùng khép lại quá khứ, cùng hoà bình để phát triển vì lợi ích của hai dân tộc.
Con gái tôi chưa từng đi học ở Mỹ, chưa lập gia đình nên thông tin trên không đúng (kết hôn với Việt kiều Mỹ-PV).
Câu 4: Thủ tướng có biện pháp gì khắc phục quy hoạch "treo"?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quá trình phát triển đất nước không thể không có quy hoạch.
Bên cạnh cái được đã bộc lộ cái yếu kém của công tác quy hoạch: không phù hợp, không khả thi nhưng không sửa, để kéo dài gây khó khăn thiệt hại cho người dân.
Đây là khuyết điểm của chính quyền các cấp, với trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, trong kỳ họp QH vừa rồi, tôi đã nhận trách nhiệm.
3 phương hướng sắp tới là:
1/ Rà soát lại xem những quy hoạch nào còn phù hợp.
Quy hoạch nào vẫn phù hợp nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Ví dụ ta đã có quy hoạch đường sắt cao tốc từ hàng chục năm nay. Loại này phải thông báo cho người dân biết và phải có chính sách phù hợp, không gây thiệt hại cho nhân dân.
2/ Loại quy hoạch không phù hợp: Toàn bộ không còn phù hợp thì phải bỏ.
3/ Loại có phần không phù hợp thì phải sửa.
Câu 5: Việt kiều muốn về quê mua nhà nhưng rất khó khăn, ngài có giải pháp gì giúp chúng tôi?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đảng đã coi hơn 3 triệu người Việt ở nước ngoài là một bộ phận của đất nước. Đảng, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp đáp ứng được nhiều mong đợi của kiều bào. Việc bà con về nước mua đất đai cũng đã có chính sách. Chính sách này đang được triển khai nhưng theo tôi, đối tượng bà con ta về được mua nhà còn ít, thủ tục phiền hà.
Trong phiên họp Chính phủ vừa rồi, tôi đã yêu cầu nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng hơn đối tượng được mua và thủ tục đơn giản hơn.
Câu 6: Tham nhũng là quốc nạn, Thủ tướng làm gì để đẩy lùi được quốc nạn này, trước mắt là 7 vụ án nổi cộm?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đây là điều quan tâm bức xúc của Đảng và nhân dân. Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã được kết quả bước đầu, được nhân dân ủng hộ. Nhận thức rõ sự nghiêm trọng của tham nhũng, BCH TƯ Đảng đã có Nghị quyết chuyên đề về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Quốc hội cũng đã ban hành Luật về phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết về thành lập BCĐ TƯ về đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu.
Chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp, các nhiệm vụ để phòng chống tham nhũng. Trong đó tập trung vào 2 nhóm vấn đề:
1/ Kiên quyết khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật tất cả các vụ việc, đặc biệt là các vụ việc nổi cộm. Việc này vừa nghiêm trị những người tham nhũng, vừa có tác dụng ngăn ngừa.
Mới đây Bộ Công an đã báo cáo 8 vụ tham nhũng nổi cộm, cơ bản hoàn thành điều tra 7 vụ để truy tố. Còn lại vụ tiêu cực tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn, Hải Phòng đang tiếp tục điều tra.
Tôi khẳng định tất cả các vụ việc đồng chí, đồng bào cả nước quan tâm đều được điều tra, xét xử nghiêm minh.
2/ Chính phủ tập trung rà soát các cơ chế để bổ sung, ngăn ngừa tham nhũng.
Có thể nói đến nhiệm vụ thứ 3: Tăng cường giáo dục CBCC. Dù cơ chế, thể chế có kín đến đâu, nếu có rắp tâm ăn cắp của công, tham nhũng thì cũng rất khó.
Câu 7: Giải pháp chống tham nhũng về lương?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ chưa đủ ngân sách trả cho CBCC đủ sống bằng lương. Đây là cái khó nhất nhưng lực bất tòng tâm.
Khó nhất là ngân sách nhà nước chưa đủ trả lương. Cái khó thứ hai là một bộ phận CBCC chưa tự giác, gương mẫu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Cần nhất là cả đất nước đồng lòng, mọi cán bộ đảng viên đồng lòng chống tham nhũng ngay từ bản thân mình.
Cải cách tiền lương đã có đề án báo cáo Quốc hội từ 2003. Sau 4 năm đã đi một bước khá dài. Công chức sau 4 lần tăng lương và điều chỉnh thang bảng lương đã tăng gần 200%. Người hưởng lương hưu đã tăng 170%-230%. Đối tượng chính sách được tăng gần 200%. Tăng như vậy nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ sống. Cùng với tiến trình phát triển kinh tế xã hội, chúng tôi đang chuẩn bị trình Quốc hội đề án tiếp tục cải cách tiền lương.
Câu 8: Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê có được tiếp tục bán theo quy định và Nghị định 61/CP hay không? Chính sách có thay đổi gì không? Xin Thủ tướng cho chúng tôi được biết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nghị định 61 của Chính phủ ban hành năm 1994 trong đó có quy định cho phép bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê. Đây là một chủ trương đúng đắn.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2006 đã có khoảng 200.000 căn nhà được bán, Số còn lại vào khoảng 64000. Mặc dù Chính phủ đã gia hạn hai lần nhưng vẫn chưa xong. Xét nguyện vọng của nhân dân, cùa những người đang thuê nhà, xét quy định trong Nghị định 61 đến nay vẫn còn phù hợp nên trong phiên họp đầu năm, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thực hiện nhưng phải cố gắng xong trong năm 2007, không kéo dài nữa.
Trong quá trình này, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Xây dựng kết hợp với các bộ ngành chức năng rà soát lại để xem có phải điều chỉnh, bổ sung gì thêm cho Nghị định để việc bán nhà được thực hiện nhanh hơn, chặt chẽ hơn.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố rà soát lại xem từ khi thực hiện Nghị định 61 (năm 1994) đến nay, có trường hợp bán nhà nào sai không, nếu sai phải sửa, kể cả việc thu hồi lại. Chính phủ chủ trương không xem lại các trường hợp, đã được giải quyết trước Nghị định 61, theo ngôn ngữ pháp luật là không hồi tố.
Câu 9: Theo thủ tướng, làm sao thu hút được nhân tài vào bộ máy Đảng, Nhà nước, DNNN để chấn hưng nền kinh tế? (Việt kiều Đức)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đất nước ta có thành công trong sự nghiệp CNH-HĐH, trong hội nhập hay không phụ thuộc vào yếu tố con người. Các cụ đã nói hiền tài như lá mùa thu. Để thu hút người tài vào các DN, vào bộ máy Đảng, Nhà nước để nâng cao năng lực, phải thực hiện nhiều việc. Nhưng theo tôi, có 3 việc:
1/Đảng, Nhà nước phải có chủ trương chính sách thích hợp, đúng đắn để đào tạo, sử dụng nhân tài.
Việc này Đảng, Nhà nước đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xem "hiền tài là nhân khí quốc gia", kế thừa tư tưởng của Bác. Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chương trinh, chính sách. Nói cách nào đó, thành tưụ đạt được trong 20 năm qua chính là thành tựu sử dụng nhân tài của đất nước.
2/Phải thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường trong nền kinh tế.
Đã có cơ chế mới có cạnh tranh, mới thu hút được người tài. Có cơ chế thị trường thực sự mới có đủ sơ sở để đánh giá người tài, tài không chỉ là bằng cấp. Qua cơ chế thị trường, người tài được phát huy, được thu hút vào DN.
3/ Không cách nào khác, để có người có tâm có tài vào bộ máy Nhà nước các cấp, phải thực sự bằng mọi quy trình để quần chúng nhân dân lựa chọn một cách dân chủ. Tựu trung lại là phải thực sự dân chủ.
Chỉ có dân chủ, cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân mới lựa chọn được nhân tài vào bộ máy đảng, nhà nước.
Câu 10: Thủ tướng yêu quý nhất, ghét nhất điều gì?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi yêu nhất sự trung thực, ghét nhất sự giả dối.
Câu 11: Cháu có nguyện vọng sau này sẽ trở thành thủ tướng, xin chú có thể nói cho chúng cháu biết về kinh nghiệm của chú để trở thành một thủ tướng Chính phủ như hiện nay?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chú hoan nghênh và chúc cháu thành công trong nguyện vọng của mình. Kinh nghiệm của chú ? Thực sự chưa lúc nào chú dành thời gian nghĩ xem mình có kinh nghiệm gì.
Nhớ lại hôm Quốc hội chuẩn bị bầu thủ tướng, chú cũng chưa nghĩ mình sẽ đạt. Nhưng có thể nói với cháu, trong thời gian theo Đảng, chú luôn tuân thủ sự phân công của tổ chức dù nhiệm vụ đó có khó khăn thế nào, chú vẫn luôn tìm mọi cách để nó đạt hiệu quả nhất. Công việc phải nỗ lực làm, vì lợi ích dân tộc, đất nước. Đoàn kết, trung thực, chân thành với mọi người
Câu 12: Thủ tướng có thấy đơn độc?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi không thấy thế.
Câu 13: Nhân dân cả nước cho rằng Thủ tướng còn quá trẻ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Năm 2007 tôi tròn 58 tuổi, theo BLLĐ chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu theo chinh sách. Tôi có cháu nội rồi. Tôi cho rằng mình không còn trẻ nữa, mà đã nằm trong lớp già của người Việt Nam, trong số 13% những người cao tuổi của đất nước.
Câu 14: Khi nào VN ta có quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Với sự quan tâm, mong muốn của cả 2 bên, vừa rồi tôi đã đến thăm Vatican, hội kiến với Giáo hoàng và thủ tướng Vatican. Cả 2 đã cảm ơn và đánh giá cao thành tựu của VN, đánh giá cao tự do tôn giáo tín ngưỡng ở VN. Thủ tướng Vatican có đề nghị với tôi nên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ. Tôi đã thay mặt Chính phủ ghi nhận và đề nghị giao cho cơ quan hai bên chuẩn bị. Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican đánh giá cao tự do tôn giáo ở VN là mẫu hình tự do tôn giáo gắn với phát triển cộng đồng.
Câu 15: Thưa thủ tướng, làm gì để người nghèo được chữa bệnh ở các bệnh viện?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Người nghèo bị bệnh phải được chữa bệnh. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta.
Để giúp người nghèo, Chính phủ đã có những chính sách: BHYT, Quỹ chi trả cho người nghèo được KCB miễn phí; trẻ em dưới 6 tuổi được KCB miễn phí. Cộng cả 3 khoản này, 43 triệu người VN được KCB thông qua BHYT.
Trong thực tế, đối tượng được hưởng BHYT, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi thì việc chi trả còn khó khăn. Đối tượng không phải hộ nghèo nhưng cận nghèo còn 20 triệu người vào chữa bệnh cũng gặp khó khăn. Sắp tới, chúng tôi đang xem xét cách hỗ trợ đối tượng này. Việc miễn phí hiện nay của chúng ta vẫn chưa tính đủ. Tóm lại, lấy số tròn 52% dân số đã được hưởng BHYT.
Chủ trương sắp tới, Nhà nước tiếp tục chính sách đầu tư cho y tế, ngân sách tiếp tục hỗ trợ người nghèo đồng thời với việc xã hội hoá.
Câu 16: Thực trạng TNGT, ùn tắc giao thông đang là nỗi bức xúc lớn, Thủ tướng có giải pháp gì khắc phục?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình, đã có chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp để phấn đấu quyết liệt giảm ùn tắc, kiềm chế hướng tới giảm TNGT.
Trong phiên họp vừa qua, Chính phủ giao Bộ trưởng GTVT lấy ý kiến các nhà khoa học và nhân dân nghiên cứu giải pháp căn cơ giảm ách tắc giao thông; kiềm chế, giảm TNGT.
Cả trước mắt lẫn lâu dài, cả Nhà nước và nhân dân phải cùng nhau làm những việc sau:
1/Tăng cường, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.
2/Tăng cường tuyên truyền trong nhân dân.
Tôi rất mong đồng bào ủng hộ chấp hành luật pháp trong tham gia giao thông. Nhiều đồng bào rất coi thường pháp luật giao thông, vi phạm mà coi như chuyện rất bình thường. Đây là nguyên nhân rất lớn dẫn tới ùn tắc, tai nạn.
3/ Xử phạt nghiêm khắc người tham gia giao thông cố tình vi phạm luật.
4/ Bằng các cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong và ngoài nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển nhanh, đồng bộ kết cấu hạ tầng như đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường ngầm...
Đi liền đó là phát triển đô thị. Hà Nội ta nếu có tàu điện ngầm, có đường sắt trên cao chắc sẽ hạn chế được ùn tắc. Để giảm ùn tắc, TNGT, điều hết sức quan trọng là các tổ chức đoàn thể phải vận đồng hội viên, đoàn viên của mình hợp tác với Chính phủ, tôn trọng chấp hành pháp luật.
Câu 17:Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng có giải pháp gì bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ đã chỉ đạo tích cực việc này. VSATTP là yêu cầu bức xúc và chính đáng của nhân dân.
Yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân phải nâng lên, trong đó VSATTP cũng phải được nâng lên.
Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhưng thực hiện chưa được tốt. Sắp tới vẫn phải tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm người làm hàng giả, hàng không đủ chất lượng VSATTP đi liền với tuyên truyền, giáo dục. Về lâu dài, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng Đề án bảo đảm VSATTP trong thời kỳ mới.
Câu 18: Thủ tướng có biện pháp nào để tiếp tục tinh giản biên chế bộ máy?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ là nội dung Chính phủ và bản thân tôi rất quan âm.
Chính phủ hiện có 26 bộ, cơ quan ngang bộ. Chúng tôi đã thảo luận theo tinh thần Nghị quyết ĐH X cho Chính phủ nhiệm kỳ tới, chủ yếu là bộ đa ngành. Có thể số bộ sẽ giảm hơn số bộ hiện nay.
Mỗi bộ, mỗi tổ chức đi liền với nó là làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ. Mỗi công việc chỉ có 1 bộ chủ trì, khắc phục tình trạng trùng lắp trong khi có việc không có người theo dõi. Cụ thể, chúng tôi sẽ trình Hội nghị TƯ5, trình QH phê duyệt bộ máy Chính phủ sắp tới theo hướng tinh gọn.
Câu 19: Thủ tướng phê duyệt đến năm 2010 mỗi tỉnh có 1 trường đại học, như vậy có thừa thầy thiếu thợ không?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bằng sự nỗ lực của đất nước, cuối 2006, cả nước có 311 ĐH-CĐ với 1,4 triệu sinh viên. Theo quy hoạch, đến năm 2010, cả nước có 400 trường ĐH-CĐ. Đi liền với nó là nâng tỷ lệ 167 SV/1 vạn dân lên 200 SV/1 vạn dân.
Đến năm 2020 sẽ có 600 trường ĐH-CĐ và tỷ lệ là 400 SV/1 vạn dân. Nhưng nhìn lại, có phải thừa thầy thiếu thợ không?
Bộ trưởng GD-ĐT có báo cáo, hiện ở VN là 167 SV/ 1 vạn dân thì Thái Lan là 350, Mỹ là 500-600. Trong khi đó, chúng ta khẳng định nhân tố quyết định hội nhập thành công là nguồn lực con người. Tôi đã trả lời Quốc hội, hiện mới có 27% lao động đã qua đào tạo. Vì vậy, ta thiếu cả thầy cả thợ. Nhưng đi liền với quá trình này là việc nâng cao chất lượng đào tạo (cả thầy giáo, đầu vào và SV).
Do lượng câu hỏi gửi về vẫn tiếp tục với số lượng lớn, Thủ tướng đã quyết định kéo dài thêm 30 phút dành đối thoại trực tuyến với nhân dân, đến 12h.
Câu 20: ĐBSCL là vựa lúa nhưng cũng là vùng trũng giáo dục, Thủ tướng có giải pháp gì phát triển giáo dục ĐBSCL?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đất nước ta. Do thực tế, ĐBSCL là vùng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều chỉ số giáo dục thấp so với bình quân cả nước.
Ngay trong Nghị quyết ĐH X và trong Nghị quyết chuyên đề về ĐBSCL, Đảng đã đề ra những giải pháp đưa ĐBSCL ngang bằng với các vùng khác trong cả nước. Trong nhiệm vụ chung này, Chính phủ tập trung chỉ đạo:
1/Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ĐBSCL mạnh mẽ hơn, cả giao thông đường bộ, đường thuỷ. Cả vùng chưa có bến cảng nào đủ điều kiện cho tàu viễn dương đi quốc tế.
2/Tập trung chỉ đạo tạo mọi điều kiện đưa nhanh tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản để nâng cao chất lượng sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
3/Tạo mọi điều kiện để phát triển các loại hình doanh nghiệp ở ĐBSCL. Hiện ở đây tỷ lệ doanh nghiệp/dân số còn thấp so với cả nước.
4/ Đây là vùng trũng giáo dục. Vì vậy, một trong nhiệm vụ Chính phủ đặc biệt quan tâm là phát triển nhanh giáo dục để ĐBSCL có nguồn nhân lực phát triển.
Câu 21: Thủ tướng có thể cho biết VN nợ nước ngoài bao nhiêu? Hàng năm phải trả bao nhiêu? Phương án trả nợ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi nhớ không nhầm, khi tổng kết năm 2006, Bộ Tài chính báo cáo tổng dư nợ Chính phủ tương đương 22 tỷ USD, trong số này nợ nước ngoài khoảng 14 tỷ USD. Như vậy 14 tỷ USD/GDP là 32%. Chúng ta đã dành 6% tổng chi ngân sách để trả nợ đến hạn.
Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ an toàn là nợ nước ngoài không quá 50% GDP, chỉ số trả nợ không nên vượt quá 10% tổng chi ngân sách.
Như vậy nợ nước ngoài VN đang trong con số an toàn. Bạn bè cũng đánh giá VN là một trong những nước hàng đầu thế giới về sử dụng có hiệu quả vốn ODA. Hầu như toàn bộ nguồn nợ nước ngoài (14 tỷ USD) là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Chính phủ đã có chiến lược trả nợ đến năm 2010 và 2020. Chính phủ nhận thức sâu sắc việc sử dụng vốn vay phải có hiệu quả. Đây là trách nhiệm trước nhân dân và cộng đồng quốc tế, không để thế hệ mai sau phải gánh nặng nợ nần.
Qua buổi trực tuyến hôm nay, Thủ tướng cảm ơn sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước về tương lai phát triển của đất nước. Những ý kiến của đồng bào sẽ tập hợp lại thành nhóm vấn đề, gửi đến tất cả các cơ quan chức năng để xem xét xây dựng cơ chế. Các ý kiến, đơn thư khiếu nại sẽ được gửi đến từng bộ, địa phương để giải quyết. Việc nào thuộc trách nhiệm của Thủ tướng, Thủ tướng sẽ trực tiếp xem xét và có ý kiến.
Bình luận (0)