Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là thủ tướng tại chức lâu năm nhất trong lịch sử nước ta với 32 năm (1955-1987). Tôi may mắn được giúp việc ông từ năm 1971 khi giúp ông mời đoàn chuyên gia cố vấn CHDC Đức sang làm việc để góp ý cải tiến quản lý kinh tế. Sau đó, tôi được ông giao việc, tham vấn cho đến khi ông qua đời năm 2000.
Chân thành lắng nghe và tranh luận
Những giờ phút báo cáo, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, thân tình với ông đã để lại cho tôi những bài học vô giá. Ông tập trung lắng nghe cao độ, cười sảng khoái khi thích thú và tranh luận, lật ngược vấn đề ngay khi người đối diện chưa dứt lời.
Là lãnh đạo, ông sẵn sàng dành thời gian lắng nghe chân thành ý kiến của các trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ không kể tuổi tác, cấp bậc, lĩnh vực. Ngay khi ông đang được yêu cầu phải nghỉ ngơi, ông vẫn mặc quần đùi, áo may ô, đá bóng hay đi trên bờ biển để lắng nghe và cho ý kiến, tranh luận. Điều này rất khác với thái độ hòa nhã, tự kiềm chế của ông khi họp Hội đồng Chính phủ hay Bộ Chính trị.
Ấn tượng rất sâu sắc ông để lại đó là sự chân thành, tôn trọng, tình thương đối với cán bộ và sự nghiêm khắc không khoan nhượng trong công việc. Sau mỗi lần nghe tôi trình bày báo cáo, ông thường tóm tắt lại những điểm chính, nêu lên những điểm mới, nội dung tốt và nhắc lại những nội dung cũ mà tôi đã báo cáo trước đó, chỉ ra những điều tôi chỉ bổ sung thêm những ví dụ và chi tiết mới để chứng minh. Ông không hài lòng với những phần nội dung chưa mới đó và đòi hỏi tôi phải làm việc sâu sắc hơn.
“Doanh phải tự vắt đến 95% quả chanh trong con người của Lê Đăng Doanh ra mới được. Như thế này là chưa đủ mới, chưa đủ sâu, chưa có khả năng tạo ra chuyển biến. Hãy cố gắng động não suy nghĩ, tìm đến nguyên nhân của nguyên nhân, hãy tự vắt hết quả chanh trong con người mình cho đất nước, đừng tự hài lòng, đừng dừng lại ở vài tiến bộ nào đó” - cố Thủ tướng căn dặn.
Và lần sau, ông lại đề ra những chủ đề mới để nghe tôi báo cáo. Lần khác, ông khuyên tôi mỗi ngày dù bận đến mấy hãy dành ra 5 phút để tự rút kinh nghiệm về công việc của ngày đó, mỗi tuần hãy để ra 15 phút tự rút kinh nghiệm về công việc, đối nhân xử thế trong tuần, điều gì cần tránh, điều gì phải rút kinh nghiệm.
“Hãy tự trung thực với chính mình, hãy tự mình nghiêm túc và có trách nhiệm. Không có ích gì nếu mình tự dễ dãi với mình, tự mình lừa dối mình. Điều này không ai làm thay cho mình được, phải tự nghiêm khắc với chính mình trước khi để người khác chê trách” - ông nói.
Ông sống rất điều độ, có kế hoạch làm việc chi tiết đến từng giờ; tự chuẩn bị rất nghiêm túc cho nội dung, kết quả của từng buổi làm việc, từng cuộc gặp gỡ; tự đề ra mục đích, yêu cầu và đòi hỏi bộ máy phải chuẩn bị chu đáo. Ông tôn trọng thì giờ của cán bộ và người khác, không phí thì giờ của chính mình vào những việc mà ông cho là hình thức như cắt băng khánh thành hay động thổ...
Một đời giản dị, cần kiệm
Năm 1973, sau khi đi thăm Thụy Điển về, ông kể lại bữa ăn tối nhà vua Thụy Điển mời ông một cách rất chân tình và trọng thị. Bữa chiêu đãi chỉ có 3 món, bắt đầu là món xúp khai vị, món chính là vịt trời do nhà vua vừa đi săn bắn được và cuối cùng là trái cây tráng miệng.
Vua Thụy Điển nói với ông: “Chúng tôi quý trọng nhân dân Việt Nam, quý trọng ông nhưng chúng ta ăn tối thế là đủ no rồi. Chúng tôi phải tiết kiệm để còn có tiền giúp đỡ các nước khác, trong đó có Việt Nam”. Từ đó, ông cương quyết yêu cầu chiêu đãi khách nước ngoài phải tiết kiệm, vừa đủ no, không được lãng phí.
Bản thân ông sống giản dị, cần kiệm. Khi miền Bắc có phong trào thanh niên mặc quần soóc để tiết kiệm vải, ông cũng tự mặc quần soóc và chỉ thôi khi anh em giúp việc nói là ông gầy quá, mặc quần ngắn không hợp.
Trải qua những năm tháng tù đày ở Côn Đảo của thực dân Pháp, để duy trì sức làm việc bền bỉ, ông tự rèn luyện thân thể rất nghiêm túc và đòi hỏi tất cả chúng tôi phải tập thể dục. Khi làm Thủ tướng, ông vẫn đá bóng hằng tuần với cán bộ và bảo vệ. Đến khi cao tuổi, bác sĩ nói ông hạn chế hoạt động mạnh, ông đi bộ và tập thể dục ít nhất 2 giờ/ngày. Lúc cuối đời, ông tập thể dục đến 4 giờ/ngày với nghị lực phi thường. Tôi nhớ mãi có lần ông đã nổi nóng và to tiếng la mắng khi biết tôi chỉ tập thể dục 15 phút buổi sáng mỗi ngày với lý do bận con nhỏ và công việc.
Ông dặn: “Sức khỏe không chỉ là tài sản riêng của cá nhân mình. Đó là tài sản của cả vợ con, gia đình, của xã hội, của công việc. Ít tập thể dục, ít rèn luyện là vô trách nhiệm với chính bản thân mình và người thân của mình”.
Ông luôn chăm lo cho sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Cuối đời, ông thực sự lo lắng trước những tiêu cực đã xuất hiện, trước tình trạng thoái hóa, biến chất, thiếu trung thực trong một bộ phận cán bộ, bộ máy và ông đã không ngừng đòi hỏi phải có cải cách, phải có tiến bộ trong thực tế.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Hôm nay (1-3), lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng được tổ chức với quy mô cấp quốc gia tại Khu Lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Chương trình lễ kỷ niệm gồm các hoạt động văn nghệ chào mừng, tặng kỷ vật cho gia tộc Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tặng học bổng Phạm Văn Đồng cho sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng…
Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ lễ kỷ niệm còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Tổ chức nói chuyện chuyên đề, phát động phong trào sưu tầm, hiến tặng các hiện vật có liên quan đến thân thế, cuộc đời và sự nghiệp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
T.Trực
Bình luận (0)