Những người buôn bán thâm niên nhất ở TPHCM cũng không nhớ được các chợ lạc-xoong có từ bao giờ, chỉ thấy nó xuất hiện khoảng gần chục năm trở lại đây.
Thượng vàng, hạ cám
Từ đường Lý Thường Kiệt, rẽ vào con hẻm nhỏ là một chợ lạc-xoong nằm cạnh chợ điện máy Nhật Tảo (quận 10), không khí nơi đây khác hẳn với những ngôi chợ thông thường trên địa bàn TPHCM.
Vòng ngoài, khoảng vài chục người đang đứng lố nhố, chực mua hàng từ các nơi đổ về. Có người mang hàng đến là cả nhóm vây lại rồi nhao nhao trả giá cho đến khi món hàng có chủ mới. Tiếp đến là hàng chục người bày hàng bán hai bên lề đường với đủ các loại như điện thoại di động, đồng hồ, tiền Đông Dương... và gian hàng nào người mua cũng đứng chật cứng.
Khách hàng cũng rất đa dạng, có người trông ra vẻ dân chơi nhưng cũng không ít người là dân lao động nghèo khó, sinh viên, học sinh. Anh Hùng, một “tín đồ” của chợ lạc-xoong, cho biết mình vốn đam mê hàng điện tử từ nhỏ nên cứ một tuần lại đến đây vài lần để “săn” hàng. “Có khi dạo cả ngày mà không tìm được món hàng nào ưng ý nhưng tôi vẫn trung thành với nơi này vì đó là niềm đam mê” - anh Hùng nói.
Một “tiểu thương” chuyên bán đồng hồ tại chợ lạc-xoong trên đường Vĩnh Viễn (quận 10) cho biết những người bán hàng ở đây nhìn người rất tinh. Chỉ cần vài câu hỏi là họ có thể biết “thượng đế” của mình thuộc dạng người nào, từ đó đưa ra đối sách để bán được món hàng của mình. Đối với những người hiểu biết về món hàng, các “tiểu thương” chỉ cần báo giá và... chờ, còn đối với “gà mờ” thì họ thao thao bất tuyệt về món hàng cho đến khi bán được mới thôi.
Rời 2 chợ lạc-xoong trên, chúng tôi tìm đến chợ Dân Sinh ở quận 1, nơi đây tập trung nhiều đồ thuộc kỷ vật chiến tranh như: nón cối sắt, giày bốt, thắt lưng của lính Mỹ thời chiến, quân trang - quân dụng có xuất xứ từ Campuchia, hàng chiến tranh vùng Vịnh... Những mặt hàng được bày bán ở đây chỉ là phần nổi, nếu khách thích hàng độc thì sẽ lập tức có người vào kho lấy ra cho xem. Một điều đặc biệt là tất cả mặt hàng tại các chợ lạc-xoong đều không có bảo hành.
Kẻ bỏ đi, người lấy lại
Chợ lạc-xoong nằm trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) hoạt động từ rất sớm với nhiều món đồ từ cổ tới kim. Một điều dễ nhận ra là rất ít người bày bán trong ki-ốt mà chỉ cần một tấm bạt trải dưới đất hoặc một chiếc bàn nhỏ là có thể bày vài thứ linh tinh để bán.
Một “tiểu thương” cho biết đã buôn bán tại đây gần chục năm. Nghề này không cần nhiều vốn nhưng đòi hỏi phải hiểu về những mặt hàng mà mình buôn bán để khi khách yêu cầu thì có thể nhanh chóng đáp ứng. Theo ông, hầu hết hàng ở chợ này là second hand (đồ đã qua sử dụng), phế liệu... được chủ cũ bán đi vì không còn sử dụng. Tuy nhiên, những món hàng này đều được bán rất chạy vì nó vô dụng với người này nhưng lại có ích với người kia.
Thỏa đam mê
Nhiều người tới chợ lạc-xoong không phải vì buôn bán mà chỉ để thỏa trí đam mê sưu tập hàng độc. Có người rảo cả ngày cũng không mua được món hàng nào nhưng họ vẫn không chán.
Vốn thích sưu tầm đồ cổ nên ông Trần Đại Hiền (ngụ quận 5) đã gắn bó với chợ lạc-xoong gần chục năm nay. Dù công việc bận rộn nhưng sau giờ làm việc, ông lại ghé qua chợ lạc-xoong nằm cạnh chợ điện máy Nhật Tảo, hầu như không tuần nào ông không đến chợ này. “Bây giờ, trong nhà tôi có đủ mọi thứ được sưu tầm từ gần chục năm nay tại các chợ nói trên” - ông Hiền khoe.
Một điều đặc biệt khi đến với chợ lạc-xoong, nhiều khi một món hàng có giá khởi đầu chỉ vài chục ngàn đồng nhưng sau một hồi “đấu giá” của hàng chục người muốn làm chủ nó, món hàng có thể lên đến hàng trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng. Chính vì sự ngẫu hứng của người mua đối với món hàng nên không ít “tiểu thương” nơi đây đã đổi đời sau khi kiếm được hàng triệu đồng/ngày.
Một người có thâm niên buôn bán tại chợ lạc-xoong trên đường Nguyễn Kiệm cho biết hàng trăm người đã có thể kiếm cơm hằng ngày tại đây. Bên cạnh đó, chợ này còn giúp những người nghèo mua được những món hàng với giá cả rất rẻ so với siêu thị điện máy. “Đây cũng có thể coi là nét văn hóa với những đặc trưng riêng của chợ truyền thống ở TPHCM” - người này nhận định.
Xôm tụ chợ trên mạng Phomuaban.vn được coi là chợ lạc-xoong trên mạng với nhiều “gian hàng” bày bán đủ các loại sản phẩm. Tại đây có nhiều “phố” khác nhau như đồng hồ, sưu tầm kỷ vật chiến tranh, gốm sứ, bật lửa, quạt và máy móc cổ, máy ảnh, đồ chơi và đồ lưu niệm... Do buôn bán trên mạng nên chợ lạc-xoong này thu hút rất nhiều khách hàng từ Bắc chí Nam. Họ vào đây không chỉ mua bán, sưu tầm mà còn dùng nơi này như một cầu nối để giao lưu và làm từ thiện. Trong số “tiểu thương” có mặt thường xuyên trên phomuaban.vn với những món hàng rất đời thường nhưng cần thiết trong cuộc sống, phải kể mr.Đông.tắc@, phong7610@... Thông qua trang mua bán này, nhiều “phường hội” đã ra đời và rất tích cực trong việc làm từ thiện bằng cách tổ chức bán đấu giá những sản phẩm mà mình có. Với một món hàng bán được, các “tiểu thương” thường trích ra một khoản tiền để ủng hộ người nghèo, bệnh nhân nan y... Chính vì những việc làm nhân đạo đó, phomuaban.vn đang ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia với phương châm “Không nói đến cạnh tranh mà đang nói với nhau về sự hợp tác” như lời tự giới thiệu của ban quản trị trang web này.
T.Bình |
Nên tập trung để dễ quản lý Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Hệ Chính, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp, cho biết chợ lạc-xoong đã hình thành trên đường Nguyễn Kiệm từ rất lâu. Trong đó, một số hộ có giấy phép kinh doanh hàng tạp hóa, số còn lại lấn chiếm lòng lề đường.
Chợ lạc-xoong trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp - TPHCM
Dù có những hệ lụy nhưng nhìn chung, chợ này có đặc trưng riêng làm giàu bản sắc văn hóa của chợ truyền thống TPHCM. Hầu hết hàng ở đây đều đã qua sử dụng nhưng vẫn còn công dụng hoặc giá trị trưng bày. “Vì vậy, cần tập trung họ vào một điểm chuyên buôn bán đồ cũ để dễ quản lý, tránh việc đưa hàng “chôm chỉa” tới đây để buôn bán” - ông Chính nói. |
Bình luận (0)