Quốc hội (QH) đã chính thức thông qua quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam. Đây được xem là một bước tiến rất lớn trong việc công nhận, bảo vệ quyền lợi cho những người trong cộng đồng LGBT (gồm những người đồng tính luyến ái nữ (lesbian), đồng tính luyến ái nam (gay), song tính luyến ái (bisexual) và hoán tính hay chuyển giới (transgender).
Sau khi điều luật này được thông qua và chính thức đi vào cuộc sống, những người chuyển giới ở Việt Nam sẽ được xác định lại tên họ, thụ hưởng các quyền nhân thân giống như mọi công dân bình thường theo giới tính mà họ đã chuyển đổi.
Cụ thể, điều 37 Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Tuy nhiên, quyền hạn và trách nhiệm ấy đến đâu vẫn là một câu hỏi dài, liên quan đến nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng quy định trong Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) là bước tiến quan trọng vì thay đổi tư duy công nhận quyền của một nhóm người không lớn trong xã hội. Đó là tinh thần của Hiến pháp 2013, tôn trọng quyền con người, cái gì của con người cũng gần gũi với mình, dù người ta là thiểu số. Tuy nhiên, theo ông, Bộ Luật Dân sự không thể đi giải quyết những vấn đề cụ thể như điều kiện, cách thức chuyển giới, ai có quyền được chuyển giới, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới... Phải đợi nhiệm kỳ QH tới mới bàn tiếp đến luật liên quan nội dung này. Dự kiến vào tháng 7-2016, QH khóa mới họp sẽ bàn về chương trình xây dựng pháp luật, nếu bộ chuyên ngành không đề xuất thì Bộ Tư pháp cũng sẽ đề xuất luật thực thi quyền chuyển giới. Yêu cầu đặt ra là luật có quy định hạn chế, quy định cấm để làm sao xã hội không loạn, nhất là thanh thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về hệ lụy của chuyển giới mà làm theo phong trào thì rất nguy hiểm.
Theo quy định thì khi điều luật mới được áp dụng, người chuyển giới sẽ chính thức được pháp luật công nhận và bảo vệ các quyền nhân thân, bao gồm quyền khai báo, đăng ký hộ tịch, quyền phẫu thuật chuyển giới, quyền được kết hôn, nhận con nuôi, quyền bất khả xâm phạm về nơi ở, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm... Nhưng trước khi làm được tất cả những điều đó, cộng đồng người chuyển giới và những người quan tâm vẫn còn trăn trở, lo lắng rất nhiều điều, như: quy trình công nhận người chuyển giới sẽ như thế nào, phải mất bao lâu sau phẫu thuật người chuyển giới mới được công nhận...
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSEE) vào năm 2014, 78% người chuyển giới có mong muốn được phẫu thuật chuyển giới tính, 22% không có mong muốn làm điều này vì rất nhiều lý do khác nhau. Thống kê năm 2015 của viện này cũng cho thấy cứ 10 người chuyển giới thì có 1 người đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể. Các cuộc phẫu thuật này hoàn toàn được tiến hành ở nước ngoài với chi phí rất đắt. Phẫu thuật từ nữ sang nam tốn khoảng 30.000 USD, trong đó cắt bỏ ngực mất 5.000-10.000 USD; phẫu thuật từ nam sang nữ hết 35.000 USD, trong đó bơm ngực mất 5.000 USD. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác như thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ, hormone...
Chính vì thế, trong cộng đồng LGBT có rất nhiều người không có nguyện vọng hoặc không đủ điều kiện để phẫu thuật chuyển giới nhưng họ vẫn muốn được sống với giới tính thực sự của mình và được khai họ tên, được hưởng các quyền nhân thân theo đúng giới tính ấy. Điều luật mới được QH thông qua hôm 24-11 vẫn chưa công nhận điều này.
Theo các chuyên gia luật, để quyền chuyển giới thực sự đi vào thực tiễn, cần chuẩn bị rất nhiều thứ như hệ thống y tế, bảo đảm việc làm, các vấn đề pháp lý phát sinh trước khi công nhận người chuyển giới…
N.N.Tú (người chuyển giới khá nổi tiếng, nickname Tú Lơ Khơ) cho biết anh không có ý định phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn vì phẫu thuật bộ phận sinh dục từ nữ sang nam rất tốn kém và tỉ lệ thành công thấp.
Các nước ứng xử ra sao?
Không ít quốc gia trên thế giới đã công nhận giới tính thứ ba nhưng ít ai ngờ là Mỹ lại không nằm trong số đó. Hồi năm ngoái, hơn 100.000 người đã ký vào đơn kiến nghị Nhà Trắng mở rộng hơn khái niệm về giới tính so với khái niệm truyền thống 2 giới tính nam - nữ. Lá đơn muốn tìm kiếm sự công nhận pháp lý cho cộng đồng LGBT… Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng phản hồi nhưng hầu như không mang lại nhiều hy vọng.
Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Đức, New Zealand và Úc đều đã cho phép công dân của mình thể hiện giới tính thứ ba trên các giấy tờ mang tính pháp lý. Quy ước của mỗi nước khác nhau, chẳng hạn Nepal quy định người chuyển giới có thể chọn giới tính “O” (tức Other: khác) hay ở New Zealand lại chọn ký hiệu “X”. Thái Lan cũng tuyên bố sẽ sớm công nhận người chuyển giới trong hiến pháp.
Trong khi đó, hồi tháng 7 vừa qua, Ireland được cho là đã có quyết định lịch sử khi thông qua dự luật công nhận người chuyển giới mà không cần phải trải qua phẫu thuật chuyển giới. Trước đó, Argentina, Malta, Colombia và Đan Mạch cũng có quyết định tương tự.
T.Hằng
Ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế):
Tôn trọng quyền được sống thật
Dù chưa có khảo sát về nhu cầu chuyển đổi giới nhưng từ thực tiễn cho thấy nhiều người đã chấp nhận các nguy cơ về sức khỏe để được chuyển giới, được sống với chính mình. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng khi chuyển đổi giới tính, chấp nhận liệu trình sử dụng hormone hằng ngày, người chuyển giới đã tự tước đi 20 năm được sống của mình. Ngoài ra còn rất nhiều thiệt thòi khác tác động trực tiếp đến cá nhân người chuyển giới song họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình dù tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tôi cho rằng không thể né tránh, phải nhìn vào quyền lợi của họ, quyền được sống thật với giới tính của họ để pháp luật nên cân nhắc cho phép thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt.
Ông Lương Thế Huy (Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường - iSEE):
Việt Nam có khả năng phẫu thuật
Hiện nay, về mặt y tế, Việt Nam đã có đủ khả năng tiến hành các cuộc phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, vấn đề cung cấp các loại hormone, nhất là hormone dành cho chuyển giới nữ, vẫn đang đặt ra nhiều thách thức. Các hormone dành cho nam giới vẫn nhiều hơn, chủ yếu đó là các loại thuốc tăng cường sinh lực cho phái mạnh. Chính vì sự thiếu thốn này mà nhiều người chuyển giới nữ đang phải sử dụng các loại thuốc xách tay không bảo đảm chất lượng.
Vì thế, sau khi luật mới được thông qua, vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn, thậm chí bức thiết hơn cả việc phẫu thuật chuyển giới bởi hormone chính là thứ mà đi theo người chuyển giới suốt cả phần đời còn lại.
PGS-TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam):
Cần tránh gây phiền hà, rắc rối
Bộ luật mới chỉ mang tính khái quát và khi đi vào cuộc sống sẽ có các thông tư, nghị định cụ thể quy định. Hiện chưa ai dám trả lời câu hỏi phải phẫu thuật bao nhiêu, ở mức độ như thế nào mới được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, theo tôi được biết là trên thế giới, có một số nước chỉ cần giấy xác nhận tâm lý về giới tính và sử dụng hormone liên tục trong vòng 12 tháng là có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ.
Khi tiến hành thủ tục thay đổi họ - tên, các cơ quan chức năng sẽ có những quy trình kiểm tra nhất định để xác định giới tính của người có nhu cầu chuyển đổi. Quá trình này là rất cần thiết nhưng tôi hy vọng sẽ đơn giản, tránh gây phiền hà, rắc rối cho người chuyển giới.
Bình luận (0)