Theo nghị quyết, từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (năm 2007) đến nay, tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng hơn, đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Hiện nay, tình hình trong nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, đang diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, khả năng bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững...
Nghị quyết đã nêu rõ một số chủ trương, chính sách lớn. Theo đó, xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ cao, ứng phó được với những biến động kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế. Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị trong tình hình mới và thực thi các cam kết quốc tế. Trong 5-10 năm tới, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của cả xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thỏa thuận quốc tế. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng vùng, địa phương...
Bình luận (0)