xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thuốc lá ùn ùn nhập lậu

Bài và ảnh: TRẦN HẢI NGUYÊN

Trên 80% thuốc lá ngoại nhập lậu về TPHCM và các địa phương lân cận đều qua Đức Huệ, Đức Hòa - Long An. Đường đi của thuốc lá lậu đã rõ nhưng hầu như không thể ngăn chặn

Theo chân Ng., một người từng buôn lậu thuốc lá đã “giải nghệ” ở Đức Huệ - Long An, chúng tôi đến ngã ba Chân Tốc, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ lúc rạng sáng. Theo cơ quan chức năng, Chân Tốc là một trong những điểm đầu tiên mà thuốc lá lậu từ Campuchia chuyển qua. Trung bình mỗi ngày, thuốc lá lậu tràn về Chân Tốc khoảng 400.000 gói, chủ yếu là Hero và Jet. Phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là “xe bè” (xe máy cải tiến), mỗi chiếc có thể chở tới 3.000 gói.

img

Một người chạy “xe bè” vận chuyển thuốc lá lậu

 
Bỏ ruộng, chạy “xe bè”
 
Tuy là vùng biên giới nhưng Chân Tốc có khá đông dân cư, hàng quán cũng nhiều hơn các miền quê khác. Phần lớn quán xá ở đây sống nhờ vào người chạy  “xe bè” (hầu hết là dân địa phương) và dân buôn lậu thuốc lá.
 
Chưa kịp vào một quán cà phê ven đường, chúng tôi đã phải giật thót người tấp vào lề bởi tiếng gầm rú của 12 chiếc “xe bè” chạy từ Campuchia sang, trực chỉ hướng thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ. Dân chạy “xe bè” ít khi sử dụng phanh, tốc độ lúc nào cũng trên 80 km/giờ. Khi gặp CSGT, cánh “xe bè” cũng xem như không.
 
Chị N.T.X, ngụ tại ngã ba Chân Tốc, cho biết 12 chiếc “xe bè” vừa chạy qua xuất phát từ khu vực Sóc Rừng, huyện Chanh Tia, tỉnh Svây Riêng – Campuchia. Số “xe bè” này qua Sóc Rừng từ 3 giờ sáng để nhận thuốc lá, sau đó theo đường đồng chạy về ngã ba Chân Tốc. Từ đây, các “xe bè” chia ra nhiều ngã đi thẳng đến các bến đò nằm dọc sông Vàm Cỏ Đông ở Đức Huệ, coi như xong một “phi vụ”. “Mỗi chuyến như vậy, người điều khiển “xe bè” được đầu nậu trả 150.000 đồng. Mỗi ngày, một “xe bè” có thể đi được 10 chuyến, kiếm 1,5 triệu đồng. Do dễ kiếm tiền như vậy nên nhiều người ở Đức Huệ đã bỏ ruộng ra chạy “xe bè” vận chuyển thuốc lá lậu. Đã có nhiều người bỏ mạng do tai nạn giao thông nhưng số chạy “xe bè” vẫn không hề giảm sút” – chị X. nói.
 
Chúng tôi vừa vào quán thì có 3 chiếc “xe bè” tấp đến, 3 thanh niên bước xuống kêu vội cà phê. Trò chuyện với họ, chúng tôi được biết họ chuẩn bị sang Sóc Rừng lấy thuốc lá. Cả ba đều tự tin vào tay lái của mình và không hề ngán bị lực lượng chống buôn lậu truy đuổi, dù đều biết việc làm của mình là phạm pháp. N.V.B, ngụ xã Mỹ Quý Tây, bộc bạch: “Tụi em biết việc mình làm là tiếp tay cho các trùm buôn lậu, vi phạm pháp luật nhưng nghèo khó quá, phải liều mạng. Nếu bị bắt, tụi em chỉ bị phạt, bị tịch thu xe là cùng, sau đó bỏ chừng 5 triệu đồng mua lại chiếc xe cũ về cải tiến thành “xe bè”, chạy vài hôm là đủ vốn”.
 
L.V.T, một tay chạy “xe bè” thâm niên ở Chân Tốc, cho biết khi bị lực lượng chức năng phát hiện, việc đầu tiên là bỏ của chạy lấy người. “Nếu bị bắt thì phải khai thuốc lá là của mình, chỉ tính làm liều vài chuyến để có tiền mua phân bón ruộng. Như vậy thì các tay trùm mới giúp tiền mua lại xe; hoặc nuôi cơm, trả thù lao trong những ngày bị bắt giữ” – T. tiết lộ.
 
Ở “tam giác quyền lực”
 
Theo chân Ng., chúng tôi men theo con đường đất đến xã Mỹ Quý Đông, nơi có nhiều bến đỗ thuốc lá lậu. Trên đường, chúng tôi bắt gặp nhiều tốp phụ nữ, trẻ con cõng thuốc lá vượt qua. “Điểm đến của họ là bến Ông Trăng trên sông Vàm Cỏ Đông. Mỗi chuyến cõng hàng, một người được trả công từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng. Do bến Ông Trăng nằm gần biên giới nên những người cõng hàng có thể vận chuyển 5-7 chuyến/ngày” – Ng. cho biết. Chúng tôi còn bắt gặp nhiều tốp xe đạp chở thuốc lá chạy rất nhanh trên con đường đất lởm chởm ổ gà, mỗi chiếc ít nhất 500 gói.
 
Khoảng 10 giờ, chúng tôi đến gần một chốt biên phòng ở phía xã Mỹ Quý Đông. Sau lưng chốt biên phòng này là khu vực biên giới Tà Nôi – một cánh đồng khá rộng, dân cư thưa thớt. Trên cánh đồng này, dân buôn lậu thuốc lá theo một con đường mòn để đi từ Campuchia về Rạch Tràm. So với Ông Trăng, Cà Na, Hai Mây..., Rạch Tràm là bến đỗ lớn nhất của dân buôn lậu thuốc lá Long An. Nơi đây cây cối rậm rạp, có nhiều con rạch ra sông Vàm Cỏ Đông nên dân buôn lậu dễ tẩu thoát khi bị lực lượng chức năng vây bắt.
 
Dân buôn lậu gọi Rạch Tràm là khu “tam giác quyền lực” của những ông trùm vì tiếp giáp với xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng - Tây Ninh và chợ Mõ Ó của tỉnh Svây Riêng. Hai mũi thuốc lá nhập lậu từ Tà Nôi, Mỏ Ó đều tập trung về Rạch Tràm. Sau đó, thuốc lá theo xuồng cao tốc vượt sông Vàm Cỏ Đông về các bến đỗ ở huyện Đức Hòa, trước khi được đưa về TPHCM và các khu vực lân cận tiêu thụ. Việc cảnh giới tại Rạch Tràm được các trùm thuốc lá lậu tổ chức nghiêm ngặt. Bất cứ người lạ nào vào đây cũng được theo dõi chặt.
 
Vừa đặt chân đến Rạch Tràm, một người trong chúng tôi bị 4 thanh niên đen đúa vây quanh giật lấy điện thoại di động khi anh định chụp bức ảnh hàng chục chiếc xuồng cao tốc đang nằm đợi hàng ở biên giới về. Một thanh niên ném chiếc điện thoại xuống nước, quát: “Tụi mày đi chỗ khác ngay, nếu không tụi tao trấn nước bây giờ”. Ng. vội vàng ra hiệu cho chúng tôi nín nhịn bỏ đi.
  
Nhộn nhịp như chợ đầu mối
 
Ng. cho biết 4 thanh niên này nằm trong băng T.Đ, một băng buôn lậu khét tiếng liều lĩnh nhất vùng Đức Huệ. Trong đó, nhiều tên từng vào tù ra khám do đối đầu với lực lượng chống buôn lậu. Người điều hành băng T.Đ thường xuyên thay đổi, lúc là ông già quắc thước, lúc là một phụ nữ chừng 40 tuổi. “Phần lớn thuốc lá lậu tập kết bên Campuchia đều thuộc sở hữu của băng T.Đ. Băng này còn cho người qua Campuchia ở hẳn để dễ điều phối hàng lậu áp sát biên giới VN” – Ng. giải thích.
  
15 giờ, chúng tôi thuê một chiếc tắc ráng của một người dân ở xã Mỹ Quý Đông để vượt sông Vàm Cỏ Đông về xã Lộc Giang – huyện Đức Hòa, một bến đỗ lớn của các trùm buôn lậu thuốc lá. Ng. cho biết gần đây, các trùm buôn lậu thiết lập nhiều bến đỗ trên địa bàn huyện Đức Hòa, xem huyện này là trạm trung chuyển thuốc lá lậu lớn nhất phía Tây TPHCM.
 
Theo cơ quan chức năng, trên 80% lượng thuốc lá lậu đưa về TPHCM và các khu vực lân cận đều xuất phát từ hệ thống các bến đỗ ở Đức Hòa. Các khu vực hiện làm đau đầu nhà chức trách địa phương là An Thủy, Cây Xoài, Bảy Kêu, Lồ Ô (xã An Ninh Tây); bến Bà Cốt, Cầu Cây, Vười Xoài (xã Đức Hòa Hạ); Rừng Sến (xã Mỹ Hạnh Bắc); bến 5 (thị trấn Hiệp Hòa), bến đò Lộc Giang, Giồng Sỏi (xã Lộc Giang) và hệ thống bến đỗ di động ở các xã Hòa Khánh, Hòa Khánh Đông, Hựu Thạnh...
 
Sau 45 phút, chiếc tắc ráng đưa chúng tôi cặp một bến đỗ trên địa bàn xã Lộc Giang. Tuy là thuốc lá nhập lậu nhưng cảnh mua bán ở đây nhộn nhịp như một chợ đầu mối hợp pháp. Xuồng cao tốc từ Rạch Tràm chuyển hàng lên, chất đầy trên bến chờ người đến giao nhận để chuyển tiếp về TPHCM bằng nhiều ngả. Qua điều tra, chúng tôi được biết các bến đỗ nằm trên địa bàn xã Lộc Giang do băng Út Lớn điều hành. Trước đây, nhóm Bình “liều” ở thị trấn Hiệp Hòa nhiều phen xâm lấn để giành quyền chi phối các bến đỗ trên địa bàn xã Lộc Giang nhưng đều bị nhóm Út Lớn đánh bại.
 
Từng nhiều năm buôn lậu thuốc lá, Ng. nói rằng cơ quan chức năng đều nắm rõ những bến đỗ nhưng hầu như không thể ngăn chặn được thuốc lá ngoại nhập lậu. “Hàng đưa về đến đây được cất giấu trong nhà dân. Bọn vận chuyển hàng lậu rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Cứ 10 vụ bắt thuốc lá lậu thì có tới 6, 7 vụ bị đầu nậu tổ chức đánh cướp lại hàng. Trong những cuộc chạm trán này, lực lượng chống buôn lậu thường thất thế do ít người hơn” – Ng. cho biết.

Hai trùm thuốc lá lậu

 
Giới “xe bè” ở Đức Huệ cho biết ông trùm của họ tên Tín, ít khi xuất đầu lộ diện. Trùm Tín chỉ đạo việc vận chuyển, giao nhận thuốc lá qua điện thoại với một vài người trong giới “xe bè”. Những người này sẽ điều phối cánh “xe bè” sang Sóc Rừng lấy hàng về tập kết tại các bến đỗ ở Đức Huệ.
img

Đưa thuốc lá lậu về Đức Hòa bằng xuồng

 
Ngoài Tín, giới “xe bè” ở Đức Huệ còn thường xuyên chở hàng cho một phụ nữ có biệt danh là “bà cả hai”. Người này kinh doanh vật liệu xây dựng để che mắt lực lượng chức năng nhưng thực tế mua bán thẳng thuốc lá lậu với chợ Học Lạc ở quận 5 - TPHCM. “Bà cả hai” nổi tiếng trong giới buôn lậu ở biên giới vì đã từng chỉ mặt một nhân viên chống buôn lậu của tỉnh Long An, quát: “Mày sẽ nghỉ việc, không còn cơ hội đeo bám tao nữa đâu!”. Ba tháng sau, không rõ vì lý do gì mà nhân viên này bị cho nghỉ việc.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo