Những cảnh chướng tai gai mắt, phản cảm tại các lễ hội đầu năm đã được cảnh báo từ nhiều năm nay song năm nào cũng tái diễn, thậm chí có nơi còn nghiêm trọng hơn. Cứ đến lễ chùa, đền là lại thấy tình trạng “lạm phát” hòm công đức rồi tiền lẻ đặt la liệt khắp nơi, kể cả những nơi vốn rất cần sự trang trọng và tôn nghiêm như tượng Phật, thánh. Cảnh bát nháo, bệ rạc càng tệ hơn ở bên ngoài đền chùa miếu mạo, từ sự chèo kéo, cờ bạc, bói toán, ăn xin cho tới chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lễ vật, mất vệ sinh...
Đã có nhiều đánh giá về nguyên nhân tha hóa của lễ hội để từ đó tìm giải pháp nhằm chấm dứt cảnh xô bồ, đưa lễ hội vào nề nếp văn minh nhằm phục vụ nhu cầu du Xuân, tâm linh của người dân. Ý kiến đưa ra rất phong phú và đa dạng song nhìn chung cho rằng đó là hậu quả của sự biến tướng lễ hội. Hầu hết các lễ hội vốn mang ý nghĩa tốt đẹp và là điểm đến hàng đầu của người dân địa phương cũng như du khách thập phương. Song về sau này, lễ hội ngày càng biến tướng và lễ hội càng nổi tiếng, được nhiều người biết tới thì càng khiến người ta phải bức xúc về những điều không hay cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác.
Có thể nói nỗi bức xúc với lễ hội bát nháo mới xuất hiện cách đây khoảng 15-20 năm cùng với sự gia tăng mạnh của lượng người đi lễ, du Xuân. Nói cách khác, kinh tế càng phát triển càng có thêm nhiều người có điều kiện đi lễ đầu năm. Trong khi đó, không ít lễ hội vốn phát sinh từ văn hóa và phong tục địa phương nhằm phục vụ chính người dân địa phương nên khi khách thập phương dồn tới thì trở nên quá tải, từ địa điểm cho tới công tác tổ chức, đón tiếp...
Cũng vì thoát ly ý nghĩa ban đầu cộng với lượng người ngày càng lớn tham gia nên rất nhiều lễ hội đã bị thương mại hóa nặng. Phần văn hóa, tâm linh đã bị xem nhẹ so với giá trị kinh tế. Với hàng chục vạn người sẵn sàng không tiếc tiền chi tiêu cho nhu cầu tâm linh đã trở thành nguồn thu lớn cần khai thác, tận dụng đối đa của các địa phương, từ người người dân tới chính quyền.
Quá tải và thương mại hóa khiến lễ hội ngày càng biến tướng thành xô bồ, bát nháo. Song, cũng chính vì thế mà không dễ để đưa lễ hội trở lại là điểm đến tốt đẹp như ban đầu. Điều này đòi hỏi công tác tổ chức và quản lý, điều hành phải được nâng cấp, thoát ly khỏi tư duy và hành động ở tầm làng xã. Quan trọng nhất là cơ quan quản lý nhà nước phải có chế tài để làm sao hạn chế, ngăn chặn được thương mại hóa lễ hội bởi đây là gốc rễ sâu dẫn tới sự biến tướng, tha hóa của lễ hội.
Bình luận (0)