* Phóng viên: Dựa trên cơ sở nào mà UNESCO đề nghị dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, thưa ông?
- Ông Nguyễn Hoàng Trí: Nguyên nhân đề nghị dừng xây dựng 2 dự án thủy điện này vì mục tiêu cuối cùng là sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Một khi phát triển kinh tế ảnh hưởng, tác động đến môi trường, điều đó có nghĩa phát triển kinh tế không bền vững. Việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A lấy hơn 300 ha rừng vùng lõi của khu sinh quyển, điều đó có nghĩa nó tác động đến giá trị bảo tồn của khu sinh quyển nói chung và sinh quyển Vườn Quốc gia Cát Tiên nói riêng. Như vậy là đi ngược với tiêu chí và quan điểm chương trình “Con người và Sinh quyển” của MAB.
Chúng tôi đã đi thực địa và thấy rằng việc xây dựng 2 thủy điện này sẽ lấy đi hơn 300 ha rừng quý. Theo chủ đầu tư thì khu vực này chỉ có rừng thứ sinh và không có giá trị, những lý giải đó đều ngược với nguyên tắc về mặt sinh thái học, tức là việc chia cắt các nơi ở, nơi sống của các loại sinh vật, tạo ra nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học cho toàn bộ khu vực. Về mặt môi trường là làm mất đi nơi sống của các loại sinh vật; còn về mặt xã hội sẽ tạo ra sự không chắc chắn cho đời sống của người dân trong khu vực đó.
* Nếu trường hợp Việt Nam cho thực hiện 2 dự án thủy điện nêu trên thì khu dự trữ sinh quyển thế giới này có bị thu hồi danh hiệu không, thưa ông?
- Trong trường hợp như thế, UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia đến để đánh giá xem đa dạng sinh học bị mất đi bao nhiêu, tác động xã hội như thế nào, bao nhiêu người dân lâm vào tình trạng lo lắng, bất ổn định về cuộc sống… Nếu xét thấy khu sinh quyển này không còn bảo đảm các yếu tố, tiêu chí đặt ra thì UNESCO sẽ chính thức rút danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời có thể dừng việc xem xét công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới.
* Nếu vậy thì Việt Nam sẽ chịu những thiệt hại gì?
* MAB có chủ trương gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan, cấp nào khác nữa không, thưa ông?
- Tháng 1-2013, chúng tôi sẽ có một hội thảo đánh giá công tác bảo vệ gìn giữ của các khu sinh quyển và di sản của Việt Nam trong thực hiện các tiêu chí của UNESCO và chắc chắn sẽ nói tới khu sinh quyển Vườn Quốc gia Cát Tiên. Thậm chí ,Cát Tiên sẽ là “điểm nóng” để hội thảo trao đổi đánh giá. Sau cuộc hội thảo này, chúng tôi sẽ có công văn kiến nghị chính thức tới Chính phủ Việt Nam.
PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY ĐỒNG NAI LÊ HỒNG PHƯƠNG: Chúng tôi đã phản đối ngay từ đầu! Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, cho rằng những ý kiến của đại diện UNESCO Việt Nam là cùng quan điểm với chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai. Việc xây thêm thủy điện trên một dòng sông đã có quá nhiều thủy điện, ngoài việc chiếm đất, phá rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên, xâm phạm vào vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới khiến vi phạm các cam kết quốc tế, còn đe dọa cuộc sống hàng triệu người dân vùng hạ lưu. Ông Trần Văn Mùi, Phó Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, cũng khẳng định khi công nhận “khu dự trữ sinh quyển thế giới”, UNESCO đã đưa ra các tiêu chí và buộc chúng ta phải có nhiều cam kết, vì vậy bất kỳ vi phạm nào cũng có thể khiến các danh hiệu bị rút lại. “Việc bảo vệ ngôi nhà xanh, bảo vệ môi trường thiên nhiên là trách nhiệm chung, không riêng gì thủy điện, mà bất kỳ hành vi nào xâm phạm, gây ảnh hưởng đến các khu bảo tồn đã được thế giới công nhận, chắc chắn UNESCO sẽ phản đối” - ông Mùi nói. Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Lê Hồng Phương cũng khẳng định: “Chúng tôi đã lên tiếng ngay từ đầu, kiên quyết phản đối việc xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A”.
X.Hoàng |
Bình luận (0)