Tiếp theo các văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cho dừng triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì những hệ lụy quá lớn, vào giữa tháng 5-2013, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Đồng Nai cũng đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ với kiến nghị tương tự.
Không ảnh hưởng!
Lập tức, chủ đầu tư 2 dự án thủy điện trên là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai có văn bản không thừa nhận sự thật là 2 dự án thủy điện này như một “nhát dao” đâm thẳng vào Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, “ăn” một phần VQG mà luôn cho rằng khoảng cách 25 km từ vị trí dự án đến trung tâm vườn thì “không gây ảnh hưởng”.
Chủ đầu tư tiếp tục cho rằng nếu 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A được xây dựng sẽ “điều tiết” nước tốt hơn, giúp cho khu đất ngập nước - Ramsar Bàu Sấu giữ nước ổn định hơn; việc chiếm dụng 137 ha rừng Cát Tiên (theo dự tính ban đầu) cũng không hề ảnh hưởng đến hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học của khu rừng ngàn năm tuổi này.
Ramsar Bàu Sấu - vùng đất ngập nước quý giá - được cảnh báo sẽ bị phá hỏng nếu xây 2 thủy điện Đồng Nai 6, 6A
Đối với vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa, Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiếp tục né tránh sự không đồng tình của người dân địa phương mà bám vào các lý lẽ việc xây dựng thủy điện, đồng thời cho rằng khi hạ tầng giao thông đi kèm dự án sẽ làm cho đời sống người dân được tốt hơn (?).
“Cãi” về tính pháp lý nếu triển khai 2 dự án thủy điện sẽ vi phạm Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Di sản văn hóa, Luật Tài nguyên nước…, chủ đầu tư không hề đề cập mà chỉ xoay quanh các quy hoạch phát triển thủy điện ban đầu (quy hoạch điện VI, quy hoạch điện VII) của Chính phủ.
Lập lờ và ngây ngô
Sau khi “tiếp nhận” các lập luận của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) đã nêu một loạt phản biện, chỉ rõ sự lập lờ và ngây ngô của chủ đầu tư. VNR khẳng định dự án thủy điện Đồng Nai 6 làm ngập 171,36 ha, trong đó rừng phòng hộ Nam Cát Tiên ngập 77,9 ha, diện tích VQG Cát Tiên ngập 77,9 ha (tiểu khu 506); riêng thủy điện Đồng Nai 6A gây ngập vĩnh viễn 184,61 ha, chiếm dụng VQG Cát Tiên 50,55 ha (thuộc tiểu khu 497).
VNR còn cho biết có quá nhiều căn cứ để khẳng định chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A vi phạm các Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn vi phạm Công ước quốc tế về đa dạng sinh học, vi phạm Khung chiến lược của Khu Dự trữ sinh quyển MAP/UNESCO, vi phạm Nghị định của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước; ngoài ra, 2 dự án này cũng chưa được Quốc hội thông qua…
VRN cũng khẳng định diện tích rừng chắc chắn sẽ còn mất nhiều hơn nếu 2 dự án thủy điện này được xây dựng vì những ảnh hưởng trong suốt quá trình thi công và vận hành. “Đó là những lỗ hổng trong đánh giá tác động môi trường. Họ không hiểu hoặc cố tình để có một phương pháp tiếp cận sai lệch dẫn đến những đánh giá không trung thực, nhìn nhận trong phạm vi hẹp. Cả về các nhu cầu, giá trị sử dụng nước, tầm ảnh hưởng đối với đồng bào vùng hạ du, chủ đầu tư cũng chưa thể làm rõ” - TS Vũ Ngọc Long, đại diện VNR, nói.
Bình luận (0)