Tháng 5-2012, Nhà máy Thủy điện A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Công ty CP Thủy điện Miền Trung làm chủ đầu tư chính thức hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia.
Nước mạch bị tụt
Để dẫn nước từ hồ chứa trên dòng sông A Sáp về nhà máy, chủ đầu tư đã cho đào một con kênh lớn, có chiều dài trên 2 km từ thôn Kăn Tôm, xã Hồng Thượng đến cửa hầm lấy nước ở thôn Phú Xuân, xã Phú Vinh, huyện A Lưới. Sau khi con kênh được đào, nước mạch tại khu vực này bị tụt khiến nước trong giếng và ao, hồ trơ đáy.
Hầu hết các nhà dân ở thôn Phú Xuân nằm quanh cửa lấy nước từ con kênh dẫn từ hồ đổ vào hầm chảy xuống tổ hợp nhà máy để phát điện. Sống cách cửa hầm chưa tới 1 km, hơn 4 năm nay, giếng của gia đình ông Phạm Ty (ngụ thôn Phú Xuân) bị cạn nước, hồ cá trơ đáy. Ông Ty cho biết giếng nhà ông đào sâu trên 11 m. Trước đây, dù mùa khô hay mùa mưa thì nước đều sử dụng được, lúc thấp nhất thì nước trong giếng phải sâu hơn 1 m.
Không những nước giếng, 2 hồ nuôi cá của ông Ty nằm bên khe Ông Mô cạnh nhà, vài năm trở lại đây cũng không có một giọt nước. “Năm 1976, gia đình tôi lên đây lập nghiệp và đào 2 hồ thả cá, mỗi năm thu nhập vài chục triệu đồng. Trước đây, quanh năm hồ đều đầy nước nhưng từ khi họ đào con kênh thì trơ đáy, giếng cũng cạn, phải bỏ hoang” - ông Ty bức xúc.
Không những ông Ty, 5 hồ cá của các hộ dân Nguyễn Châu, Lê Thành và Phạm Lao (trú thôn Phú Xuân) nằm dọc khe Ông Mộ cũng không có nước, bỏ hoang cho cỏ mọc.
Do ở ngay trên cửa hầm dẫn nước của thủy điện A Lưới nên cả giếng nước và hồ cá của gia đình ông Hồ Đắc Khoa (ngụ thôn Phú Xuân) cũng đành bỏ hoang. Ông Khoa cho biết giếng nước sâu hơn 11 m của gia đình mình lúc trước nước đầy quanh năm, cả 5 gia đình sử dụng cũng không bao giờ cạn nhưng vài năm trở lại đây thì nước lúc nào cũng chưa tới 0,5 m. Còn hồ cá gần 300 m2 cạnh nhà, ông Khoa đã lấp lại trồng keo vì nước cũng cạn kiệt.
Trong khi đó, thôn Kăn Tôm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới nằm ở đầu con kênh dẫn nước cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Ông Hồ Viết Liêm, Trưởng thôn Kăn Tôm, xác nhận trong nhiều năm trở lại đây, nhiều giếng nước, ao, hồ nuôi cá của người dân trong thôn cạn kiệt nước, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Coi thường chính quyền
Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, cho biết liên quan đến vấn đề này, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên các cấp chính quyền cũng như tại các buổi tiếp xúc cử tri. Vào năm 2014, UBND huyện A Lưới đã thành lập đoàn kiểm tra, có sự tham gia của Công ty CP Thủy điện Miền Trung. Kết quả, bước đầu ghi nhận giếng nước của người dân thôn Phú Xuân bị tụt nước từ 2-3 m so với trước đây, 20 hồ cá và khe suối bị thiếu nước. Tình trạng này xảy ra từ năm 2010-2011 sau khi thi công kênh dẫn nước thủy điện.
Thế nhưng, đến nay, sự việc vẫn chưa có kết luận rõ ràng, người dân tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ. “Vấn đề này liên quan đến con kênh thủy điện. Nhiều lần xã, huyện mời chủ đầu tư làm việc mà họ chẳng thèm tới. Ngoài ra, nhiều hộ dân ở Phú Vinh bị chủ đầu tư đào hết đất để làm đường vào khu tái định cư nhưng đến nay chẳng được đền bù, họ làm xong thì bỏ đi luôn khiến người dân rất bức xúc” - ông Bê thông tin.
Nhờ chuyên gia tìm nguyên nhân
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đơn vị này cùng với một số cơ quan chuyên môn của tỉnh vừa tới xã Phú Vinh kiểm tra, ghi nhận tình hình mà người dân phản ánh. Theo ông Hùng, việc kiểm tra nhằm ghi nhận hiện tượng và báo cáo với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; đồng thời để nhờ các nhà chuyên môn, khoa học tư vấn phương pháp nghiên cứu, đánh giá tìm ra nguyên nhân. “Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa giao trách nhiệm nghiên cứu, kết luận vụ việc này cho cơ quan nào. Người dân nói do kênh dẫn nước của thủy điện nhưng cần phải kiểm tra, đánh giá bằng khoa học mới kết luận được” - ông Hùng nói.
Bình luận (0)