Tại hội thảo “Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông” do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM, ĐH Cần Thơ cùng Trung tâm Nghiên cứu xã hội và Giáo dục Trí Việt tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 22-4, các đại biểu cho biết Trung Quốc, Campuchia sẽ xây thêm nhiều đập thủy điện.
Đương đầu ít nhất hai thách thức
Theo các đại biểu, cuối thế kỷ XX, sông Mê Kông chưa bị ngăn đập trên phần lớn dòng chảy. Vào những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch xây 7 đập thủy điện trên thượng nguồn. Về phía hạ lưu, Lào, Campuchia và Thái Lan cũng lập kế hoạch xây 12 đập trên dòng chính. Dự tính đến năm 2030, có khoảng 70 đập xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông.
Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông, cho biết Trung Quốc không tham gia ủy hội này. Tất cả hoạt động khai thác tài nguyên nước trong lãnh thổ Trung Quốc đều thực hiện đơn phương, không hợp tác với quốc gia nào ở hạ lưu. Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của Trung tâm Quốc tế quản lý môi trường (ICEM) chỉ ra rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm về công suất thủy điện (26% công suất lắp đặt toàn cầu vào năm 2013) và năm 2015 tiếp tục dẫn đầu thế giới.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, cho rằng ĐBSCL phải đương đầu với ít nhất 2 thách thức: biến đổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Các đập thủy điện giữ lại trầm tích trong hồ, gây thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông và cửa biển. Sạt lở đê biển và đường phòng hộ ven biển vừa qua ở một số địa phương trong khu vực ĐBSCL là minh chứng.
Đảo ngược việc bồi đắp
Ông Brian Eyler, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), đánh giá: “Có tới 11 đập được hoạch định hoặc đang xây dựng ở Lào, Thái Lan, Campuchia, bên cạnh hàng chục đập nằm trên phụ lưu. Những đập này chắc chắn sẽ làm suy giảm đa dạng sinh học và phá vỡ các chu kỳ di cư của hàng chục loài cá vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh lương thực và kinh tế khu vực ĐBSCL”.
Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, các đập thủy điện trên sông Mê Kông sẽ ngăn giữ trầm tích, làm đảo ngược quá trình bồi đắp cho ĐBSCL. Từ đó, gây xói lở bờ biển và ven sông cũng như sự tan rã dần dần của vùng đồng bằng. Đó là chưa kể đến hậu quả nặng nề khi các đập ở thượng nguồn bị vỡ.
“Các bậc thang thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm 55% chiều dài dòng sông ở hạ lưu Mê Kông (trong đó có ĐBSCL) biến thành một hồ trữ nước. 80% các vùng đa dạng sinh học chính dọc theo sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng. Các đập trở thành bức tường ngăn cản đến 35% tổng lượng cá trên sông Mê Kông di cư, 50% lượng phù sa bị giữ lại. Các hồ và đập nhấn chìm 25.000 ha rừng và 8.000 ha đất canh tác, 1.730 km2 đất ven sông bị ngập vĩnh viễn…” - TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cảnh báo.
Dự báo đến năm 2100, ĐBSCL ngập khoảng 1/3 diện tích nếu mực nước biển tăng 1 m. Ước tính, đến thập niên 50 của thế kỷ XXI, 1 triệu người dân ở ĐBSCL có nguy cơ mất nơi ở.
Bán điện cho Thái Lan, Việt Nam
Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, SEA chỉ ra nhu cầu điện từ Việt Nam và Thái Lan là động lực cho các dự án thủy điện dòng chính sông Mê Kông do Lào và Campuchia xây dựng. 90% tổng lượng điện do các thủy điện trên dòng chính ở vùng hạ lưu tạo ra là để xuất khẩu sang Việt Nam và Thái Lan. Trong đó, Thái Lan sẽ nhập khẩu 2/3, Việt Nam khoảng 1/3. Việc mua điện từ các thủy điện này sẽ đáp ứng 4,4% nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2025. Tổng lợi ích kinh tế mà Việt Nam có được từ các đập này (bao gồm việc đầu tư và mua điện) là 5%. Th.Dũng - L.Phong
Bình luận (0)