icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện Sơn La – công trình lớn nhất Đông Nam Á

Bài và ảnh: Thế Dũng

Sau hơn 20 năm ngăn sông Đà làm thủy điện Hòa Bình, nay lần thứ hai con sông hung dữ nhất miền Bắc một lần nữa bị chinh phục.

Sơn La trước giờ “G”

THỦY ĐIỆN

Đúng 9 giờ hôm nay (2-12), công trình thủy điện Sơn La (tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La) chính thức khởi công xây dựng. Công trình này có quy mô và công suất vào loại lớn nhất Đông Nam Á.

Thủy điện Sơn La có đập xây bê tông cao khoảng 218 m, thân đập dài gần 1 km, cao hơn đập thủy điện Hòa Bình 90 m. Lòng hồ với diện tích gần 245 km2, dung tích toàn hồ chứa xấp xỉ 10 tỉ m3 nước. Sẽ lắp đặt 6 tổ máy với công suất 2.400 MW, điện lượng bình quân hằng năm là: 10,227 tỉ KWh.

Dự kiến phát điện tổ máy thứ nhất vào năm 2010; hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2012.

Từ mấy ngày nay, hầu như những công việc lớn chuẩn bị cho ngày ngăn sông và khởi công xây dựng đã hoàn tất. 24 giờ trước lễ khởi công, cả công trường chỉ còn vài chiếc máy ủi, máy xúc lầm lũi làm việc, vài đoạn đường giao thông khẩn trương cắm cờ, băng-rôn chào mừng ngày khởi công đỏ rực cả Mường La. Để làm được như vậy, từ giữa tháng 11 cho đến cách đây vài ngày, lực lượng thi công phải đào, đắp và lấn vào lòng sông đến 62.000 m3 đất đá ở đập thượng lưu và 86.400 m3 ở đập hạ lưu. Đứng cạnh chúng tôi, trên bờ đê quai, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Đà – Giám đốc Ban Điều hành dự án thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Kim Tới, giải thích để có được sự yên bình tạm thời nơi công trường này là công sức mồ hôi, cuộc chạy đua rút ngắn thời gian của trên 5.200 cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, công nhân làm việc thay nhau 3 ca/ngày trong 2 năm qua.

Hai bên bờ sông là những con đường nhựa lớn nằm vắt ngang thân núi, một cây cầu bê tông dự ứng lực vĩnh cửu với những trụ cầu cao vút sừng sững, hiên ngang giữa hai vách núi.

Sớm 2 năm và làm lợi 700 triệu USD/năm

Ông Tới cho hay, việc ngăn sông gần như đã hoàn thành, con sông rộng ở 2 bờ không thể nhìn rõ mặt nhau nay đã được đắp chặn chỉ dành lại 10 m để đến sáng nay làm lễ khởi công. Kỹ sư Đỗ Văn Bào, Công ty Sông Đà 9, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc đắp 2 con đê quai ngăn sông để xây dựng nhà máy, cho hay với 10 m sông sẽ được lấp bằng 500 m3 đất đá trong khoảng 20 phút. Hai năm qua, các đơn vị thi công trên công trường đã chạy đua với tiến độ, với khối lượng đào đắp đất đá lớn nhất trong các công trình thủy điện từ trước đến nay. Chỉ trong hơn 2 năm đã làm 125 km đường giao thông trong và ngoài công trường; 3 cây cầu bắc qua sông Đà (1 cầu vĩnh cửu chưa hoàn thành) và cảng tổng hợp Mường La; 61.000 m2 nhà ở và nhà làm việc với đầy đủ hệ thống điện, nước phục vụ sinh hoạt và thi công cho 8.200 cán bộ, công nhân; hệ thống thông tin liên lạc cho chỉ huy, điều hành; các cơ sở phụ trợ. Hệ thống lưới điện 110-220 KV gần 200 km, một loạt các công trình quan trọng khác và cống dẫn dòng có ý nghĩa then chốt cho ngày ngăn sông. Để xây dựng công trình cống dẫn dòng, các đơn vị thi công phải đào tới 4,3 triệu m3 khối đất đá, đổ gần 190.000 m3 bê tông và lắp đặt trên 1.400 tấn thiết bị. Cùng với hàng ngàn công nhân là trên 700 xe máy, thiết bị hoạt động suốt ngày đêm phục vụ thi công, san lấp.

Ông Lưu Thế Biểu, Phó trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện Sơn La, cho hay việc sớm hoàn thành ngăn sông có ý nghĩa quyết định đối với việc rút ngắn thời gian đưa nhà máy vào vận hành sớm 2 năm so với dự kiến, làm lợi cho Nhà nước 700 triệu USD/năm.

Gần 19.000 hộ gia đình dời nhà để làm thủy điện

Phó trưởng Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), nguyên là chủ tịch UBND huyện Mường La, ông Lò Ngọc Ón, bộc bạch việc ngăn sông đắp đập, xây dựng nhà máy đã khó nhưng việc di dời gần 19.000 hộ gia đình bà con Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) càng khó hơn. Hàng ngàn đời nay, bà con người Thái, người La Hang, người H’Mông... vùng Tây Bắc đã quen sống ở nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ông bà cha mẹ từ nhiều đời lập nghiệp. Giờ xây dựng thủy điện, bà con phải chuyển đi nơi khác, lạ chỗ ăn, chỗ ở, chỗ gieo bắp, trồng lúa do vậy phải đi vận động từng gia đình để bà con hiểu. Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, các tỉnh Tây Bắc thực hiện cuộc di dân lớn (riêng Sơn La 12.500 hộ) là hết sức khó khăn, lo nhà cho dân đã khó nhưng lo đất sản xuất và việc làm cho dân ổn định đời sống càng khó hơn, tuy nhiên bước đầu các tỉnh đã di chuyển được toàn bộ khu vực công trường và vùng lân cận, với trên 1.200 hộ đến nơi ở mới. Theo ông Sùng, để làm tốt việc di dân, cần sự quan tâm hơn của Chính phủ cũng như chia sẻ của cả nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo