Ông Trần Văn Khoa, Phó Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết trên sông Sêrêpốk đã có 7 thủy điện đã và đang xây dựng, chưa kể nhà máy Đrang Phốk chực chờ triển khai ngay vùng lõi Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn. Song, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đánh giá tác động môi trường từ các dự án này một cách toàn diện.
Hậu quả nhãn tiền
Theo TS Y Ghi Niê, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, bất kỳ công trình thủy điện nào cũng tác động đến thiên nhiên. Các dự án thủy điện thường nằm ở vùng núi, khu bảo tồn nên khi xây dựng sẽ mất một phần diện tích rừng, đất sản xuất, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đời sống của người dân trong vùng. Các giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực cũng sẽ bị thay đổi hoặc biến mất.
“Để đánh giá đúng hiệu quả của một dự án thủy điện, tất cả yếu tố nêu trên cần được xem xét đầy đủ có phù hợp hay không” - TS Y Ghi Niê nhấn mạnh.
Với dự án thủy điện Đrang Phốk, dự kiến xây dựng vào cuối năm nay ở Đắk Lắk, chuyên gia sinh thái Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, cho biết viện đã có nhiều ý kiến phản đối từ lúc nó mới được quy hoạch. Theo ông, dự án này không chỉ tác động trong nước mà còn ảnh hưởng đến vùng 3S - lưu vực các sông Sê Kông, Sê San và Sêrêpốk, một phần của hệ thống sông Mê Kông.
“Khi có bản đánh giá tác động môi trường của dự án này, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ, đồng thời nêu ý kiến với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội” - ông Hưng cho biết.
Dự án thủy điện Đrang Phốk gây nhiều lo ngại sẽ tác động ghê gớm vì nhiều người đã chứng kiến hậu quả mà các nhà máy xây dựng trước đó gây ra. Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn, cho biết thủy điện Sêrêpốk 4A ở thượng nguồn sông Sêrêpốk hoạt động đã tác động rất lớn đến vườn. Nhà máy đã lấy phần lớn nước sông theo kênh dẫn dài khoảng 15 km đào băng qua 3 xã rồi mới trả về sông khiến khoảng 20 km sông Sêrêpốk cạn kiệt. Không chỉ hệ sinh thái của sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà nhiều nhánh suối trong VQG cũng khô cạn.
“Đoạn sông này vốn là nguồn sống của nhiều gia đình hành nghề đánh bắt thủy sản; sau khi bị chặn dòng, khô nước thì không còn cá tôm. Người dân đành vào rừng tìm nguồn sống. Nếu cơ quan chức năng vẫn đồng ý xây dựng thủy điện Đrang Phốk thì VQG Yok Đôn sẽ bị xé toạc” - ông Tùng lo ngại.
Theo ông Lê Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - khu vực dự kiến làm thủy điện Đrang Phốk chỉ cách thủy điện Sêrêpốk 4A chừng 50 km. Nếu xây thêm nhà máy này nữa thì hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản hết đường mưu sinh. Ông Dũng băn khoăn: “Chưa kể lâu nay, hoạt động văn hóa, tinh thần của người dân khu vực gắn với dòng sông Sêrêpốk qua một số nghi lễ. Nếu thủy điện cứ mọc lên thì các nghi lễ này có nguy cơ xóa bỏ”.
Phản đối quyết liệt
Trong khi đó, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết hiện vẫn chờ ý kiến cuối cùng của các ngành liên quan về việc xây dựng thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 tại khu BTTN Kon Chư Răng ở huyện Kbang. Sau đó, các bên sẽ họp lại rồi mới có ý kiến tham mưu cho UBND tỉnh. Việc đồng ý hay không sẽ do UBND tỉnh Gia Lai quyết định. Dù vậy, nhiều ý kiến đã phản đối quyết liệt việc xây 2 thủy điện này.
Trước ý kiến của ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu BTTN Kon Chư Răng, rằng sẽ có nhiều cái lợi khi làm 2 thủy điện nêu trên, gồm cả việc phát triển du lịch, ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, phản biện: “Thủy điện là thủy điện còn du lịch là du lịch. Bảo vệ rừng mà cứ muốn có đường đi thênh thang như trên quốc lộ thì làm sao mà giữ được tài nguyên!”.
Trao đổi với phóng viên về thông tin chủ đầu tư xin rút lại dự định xây dựng 2 thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2, ông Nguyễn An, Giám đốc Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai, đã phủ nhận. Ông quả quyết: “Chúng tôi có rút đâu! Sau khi họp với Sở Công Thương, họ đưa ra ý kiến không thuận theo nên chúng tôi mới đề nghị bên tư vấn nghiên cứu kỹ hơn về việc ảnh hưởng đến môi trường. Chừng nào nghiên cứu lại rồi trình ra các sở và tỉnh mà họ không đồng ý thì chúng tôi mới chấp nhận rút lui”.
Ông An cho biết khi lấy ý kiến của các sở, ngành để làm 2 thủy điện này, nhiều đơn vị đã không đồng ý vì đụng đến rừng đặc dụng. Về việc chọn ngay phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu BTTN Kon Chư Răng làm thủy điện, ông An cho rằng do... bên tư vấn. “Họ thấy chỗ nào được, hiệu quả thì chỉ cho mình. Gia Lai bây giờ thì chỗ đó là nước nhiều nhất” - ông giải thích.
Chúng tôi cũng đề cập việc dư luận cho rằng chủ đầu tư chọn “tử huyệt” khu BTTN làm thủy điện chủ yếu là để lấy gỗ, ông An phân bua: “Gỗ đâu mà gỗ... Hai bên suối chẳng có cây nào to cả, lũ lụt quét hết rồi!”...
Theo ông Phan Xuân Vũ, vừa qua, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đã thị sát Khu BTTN Kon Chư Răng và VQG Kon Ka Kinh. Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Gia Lai là phải giữ những tài nguyên quý của khu BTTN và VQG để phục vụ cho mục tiêu bảo tồn, nghiên cứu khoa học.
Đừng dễ dàng đánh đổi!
Ông Bùi Văn Quang, Giám đốc VQG Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum), bày tỏ: “Với quan điểm cá nhân, tôi không bao giờ đồng ý xây thủy điện trong VQG, khu BTTN. Không đời nào lại đổi màu xanh mướt của rừng, tiếng kêu của muông thú lấy màu xám xịt của bê tông thủy điện và tiếng rầm rầm của máy chạy”.
Theo TS Cao Thị Lý, Khoa Nông Lâm Đại học Tây Nguyên, không nên can thiệp vào rừng nguyên sinh, nhất là với khu BTTN. “Nếu can thiệp lợi ích kinh tế vào đấy, khu rừng sẽ bị tác động rất lớn, một phần môi trường sinh thái sẽ bị phá vỡ và phải mất hàng trăm năm mới có thể phục hồi” - bà phân tích.
Bình luận (0)