Trước đó, phát biểu trên một tờ báo ngày 11-6, ông Vũ Quang, Giám đốc Công ty Gia Hải, cho biết chậm nhất ngày 13-6, công ty sẽ ứng trước 1 tháng lương cho các thuyền viên và đưa họ về nước. Tuy nhiên, lời hứa trên không được thực hiện. Đến ngày 19-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề trên, ông Vũ Quang cũng cho biết: Hiện công ty đang thỏa thuận với các thuyền viên, theo đó công ty sẽ ứng trước 2 tháng lương và đưa thuyền viên đến một cảng khác, sau đó đưa về nước bằng máy bay. Theo ông Quang, do việc thỏa thuận không thành, các thuyền viên yêu cầu công ty phải trả hết 6 tháng lương nên đến nay, mọi việc vẫn rơi vào bế tắc.
Trái với những thông tin ông Quang đưa ra, theo anh Luân, tất cả thuyền viên người Việt Nam đều đang trong tình trạng “không còn một xu trong túi”, điện thoại hết tiền không thể liên lạc với gia đình, phải đi sang tàu cá khác xin cá ăn, điều kiện thực phẩm vô cùng thiếu thốn, thuyền viên phải viết thư cầu cứu Đại sứ quán Ấn Độ tại đây (do có thuyền viên người Ấn Độ trên tàu), Cục Hàng hải Việt Nam, Công ty Cho thuê tài chính II (đơn vị cho Công ty Gia Hải thuê tàu). Hầu hết thuyền viên đều mong muốn được về nước càng sớm càng tốt. “Những lời hứa của Công ty Gia Hải chỉ là hứa cuội. Hiện tại, đại lý tại Maldives cũng không cho tàu rời cảng vì Công ty Gia Hải nợ phí cầu cảng, hoa tiêu, phí neo đậu… khá nhiều” - anh Luân cho biết.
Theo ông Lê Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Người đi biển Việt Nam (VSU), VSU vừa kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét có cơ chế để các công ty cho thuê tài chính (chủ tàu) được tạm ứng thanh toán các khoản nợ của bên thuê tài chính (bên thuê tàu) nhằm tránh những rắc rối phát sinh về sau. Hiện tại, khả năng tàu Seahome Sapphire bị Liên đoàn Lao động Giao thông Quốc tế (ITF) phát mãi là rất cao, mục đích phát mãi để trả lương cho thuyền viên về nước.
Bình luận (0)