xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiệm cầm đồ vẫn... làm liều

SỸ HƯNG - LÊ PHONG

Hoa mắt vì món hàng quá hời, không ít chủ tiệm cầm đồ vẫn bất chấp quy định để “hốt” cho bằng được

Sau lệnh tổng kiểm tra các tiệm cầm đồ trên toàn địa bàn TP HCM, một tuần nay, tình trạng “bạ đâu hốt đấy” của các tiệm cầm đồ có giảm nhưng vẫn còn không ít chủ tiệm làm liều để tăng tối đa lợi nhuận.

Kẻ liều, người sợ

Trưa 9-5, chúng tôi nhờ một người bạn tên N. đến tiệm cầm đồ T. trên đường Phạm Văn Bạch (quận Gò Vấp) để cầm chiếc máy ảnh hiệu Sony kèm 2 ống kính được mua vào tháng 3-2014 với giá 19,6 triệu đồng.

Một vụ giao dịch mua hàng của chủ tiệm cầm đồ với phóng viên tại quán nước
Một vụ giao dịch mua hàng của chủ tiệm cầm đồ với phóng viên tại quán nước

Không có giấy tờ chứng minh chiếc máy ảnh nhưng chủ tiệm cầm đồ vẫn tiến hành giao dịch Ảnh: LÊ PHONG
Không có giấy tờ chứng minh chiếc máy ảnh nhưng chủ tiệm cầm đồ vẫn tiến hành giao dịch Ảnh: LÊ PHONG

Khi vào trong tiệm, N. hỏi cách thức cầm thì chủ tiệm tên Huỳnh nói lớn: Có giấy tờ đầy đủ mới cầm. Tuy nhiên, khi N. diễn cảnh vừa che máy ảnh vừa quan sát xung quanh như sợ người khác nhìn thấy, ông Huỳnh có vẻ lưỡng lự rồi nói nhỏ: “Hàng này là sao? Phải “móc” (trộm cướp - PV) không?”. N. lắc đầu cho rằng đó là máy ảnh mình mua từ lâu. Ông Huỳnh cười và mạnh miệng: “Nhìn bộ dạng là tôi biết. Nếu là hàng mua cho anh xin giấy tờ. Ở đây, hàng nào anh cũng cầm nhưng không nguồn gốc, anh lấy giá khác nhé!”.

Ông Huỳnh báo giá nếu có giấy tờ sẽ cầm với số tiền 3 triệu đồng, còn là hàng “móc” giá chỉ 900.000 đồng. Cả 2 trường hợp này cứ 1 triệu đồng “ăn” lãi suất 3.000 đồng/ngày. Còn trường hợp không cầm mà bán luôn thì chủ tiệm sẽ nâng thêm 100.000 đồng. Vị chi giá bán là 1 triệu đồng cho bộ máy ảnh và ống kính có giá thị trường hơn 19 triệu đồng.

Để thử độ “liều” của ông Huỳnh. Lần này, chúng tôi nhờ một người khác đóng vai hỏi mua một chiếc điện thoại iPhone 6s với lý do vừa bị cướp giật lấy mất. Ông Huỳnh nói: “Cướp thì nó chỉ bán tiệm cầm đồ với mấy khu chợ lạc xoong. Xem tủ kính của anh có điện thoại của em không? Nếu không có, anh cho số điện thoại người khác để họ tìm thử. Nếu có, cho họ ít tiền công là được”.

Qua tiếp xúc nhiều lần, chúng tôi hỏi thăm về chuyện giới kinh doanh cầm đồ ở đâu cũng “ăn nên làm ra”, ông Huỳnh chia sẻ: “Ngoài việc cầm đồ bình thường thì một số tiệm còn chuyên thu mua đồ gian, tiêu thụ hàng ăn cắp; số khác liên kết với các băng nhóm cho vay nặng lãi. Thay vì cưỡng đoạt tài sản thì hợp thức hóa bằng cách làm giấy cầm đồ...”.

Khảo sát một số tiệm cầm đồ ở đường Bắc Hải (quận 10), đường Ung Văn Khiêm và D1 (quận Bình Thạnh) mà phóng viên đã từng thâm nhập vào tháng 6-2014 để thực hiện bài viết “Trắng tay mùa Word Cup”. Nếu trước đây, việc cầm cố, thu mua tất tần tật các món hàng dù biết đó là đồ trộm, cướp thì nay tuyệt nhiên không dám.

Các tiệm này, khi phóng viên vào hỏi thăm đều nhận được ánh mắt dò xét kèm theo cái lắc đầu từ chối. Thậm chí, tiệm cầm đồ H. trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), khi cầm đồ, chủ tiệm còn thực hiện thao tác photocopy CMND, lăn tay bằng máy mới mua để lưu hồ sơ khách hàng...

Ngày 13-5, chúng tôi dạo quanh các cơ sở cầm đồ có tiếng trên địa bàn quận Thủ Đức, hầu hết đều vắng vẻ hơn nhiều so với trước.

Đến một tiệm cầm đồ ở phường Tam Bình (quận Thủ Đức) để cầm cố chiếc xe máy hiệu Wave, sau khi xem giấy đăng ký xe, chủ tiệm thấy không chính chủ liền từ chối vì như vậy là sai quy định, dễ bị “sờ gáy”.

Chủ tiệm cầm đồ tên H. ở phường Linh Chiểu còn than: Dạo này, công an “làm căng” quá, chúng tôi hết đất sống. Trước còn kiếm được chút đỉnh chứ nay, công an đến kiểm tra thường xuyên, phát hiện tài sản nào không rõ nguồn gốc hoặc nghi vấn là bị thu ngay, làm không khéo còn bị đi tù như chơi... “Mấy ông cầm xe không chính chủ thì đi chỗ khác đi” - chủ tiệm cầm đồ H. quả quyết.

Xử nghiêm

Trung tá Nguyễn Bá Ưu, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp Công an quận Gò Vấp, cho biết sẽ xác minh thông tin về tiệm cầm đồ của ông Huỳnh như đã nêu. “Nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm trước pháp luật” - ông Ưu khẳng định.

Cũng theo ông Ưu, trên địa bàn quận Gò Vấp hiện có 195 cơ sở cầm đồ đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, quận Gò Vấp đã tiến hành kiểm tra 282 lượt cơ sở, phát hiện 60 lượt cơ sở vi phạm. Mới đây, công an ghi nhận tiệm cầm đồ Hoàng Thắng 6 - trên đường Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp - chứa 82 xe máy các loại không đúng chủ sở hữu. Tiệm cầm đồ Cường Phát - trên đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp - cầm cố 37 xe máy các loại không đúng chủ sở hữu...

“Thời gian tới, quận sẽ quyết liệt kiểm tra, rà soát các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, đặc biệt là cơ sở cầm đồ trên địa bàn” - ông Ưu thông tin.

Tương tự, trung tá Nguyễn Ngọc Nam, - Phó trưởng Công an quận Thủ Đức, TP HCM - cho biết sau vụ việc xảy ra ở huyện Bình Chánh và quận 8, công an quận đã rà soát, kiểm tra các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, đòi nợ thuê, đặc biệt là dịch vụ cầm đồ.

Quá trình kiểm tra, công an phát hiện các cơ sở cầm đồ vi phạm, chủ yếu như: kho chứa tài sản sai quy định, tài sản cầm cố không đúng quy định, phương tiện không chính chủ, không có giấy ủy quyền... Điển hình như khi tiến hành kiểm tra một tiệm cầm đồ trên địa bàn phường Linh Chiểu, công an đã phát hiện 29 xe gắn máy các loại không khai báo nơi cầm cố, không rõ nguồn gốc... Hay kiểm tra tiệm cầm đồ Phương Anh phát hiện đến 146 xe máy các loại, trong đó có 97 xe không chính chủ, không có hợp đồng cầm cố, 80 ĐTDĐ, 13 laptop không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn.

Đặc biệt mới đây, Công an quận Thủ Đức đã rút giấy chứng nhận về an ninh trật tự của 2 tiệm cầm đồ Chiến (phường Trường Thọ) và Minh Trung (phường Hiệp Bình Chánh) vì vi phạm nhiều lần.

“Quận sẽ quyết liệt tổng kiểm tra, rà soát kỹ những điểm kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ cầm đồ để nắm bắt tình hình. Những điểm kinh doanh nào sai phạm sẽ bị xử phạt, thậm chí xử lý hình sự tùy thuộc vào hành vi vi phạm” - ông Nam khẳng định và chia sẻ thêm: “Sở dĩ quận Thủ Đức phải làm mạnh và triệt để như vậy là vì Thủ Đức là địa bàn giáp ranh, nên rất phức tạp về các loại tội phạm. Hiện chúng tôi đã đưa vào tầm ngắm một số cơ sở có biểu hiện liên quan đến việc cho vay nặng lãi nhưng phải có thời gian điều tra mới xử lý được”.

Quyết liệt kéo giảm tội phạm

Để kéo giảm tội phạm, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu Giám đốc Công an TP HCM Lê Đông Phong kiểm tra, rà soát các tiệm cầm đồ trên địa bàn TP HCM vì đây là nơi tiềm ẩn, phát sinh các loại tội phạm.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Trung tướng Lê Đông Phong đã chỉ đạo công an các quận, huyện đồng loạt tổng kiểm tra hành chính các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, tiệm cầm đồ… Ngoài việc kéo giảm tội phạm, việc tổng kiểm tra còn tạo điều kiện kinh doanh lành mạnh cho người dân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo