Rùng mình không chỉ bởi hậu quả khủng khiếp của vụ tai nạn mà còn vì nhận ra con người đang sống chung với tử thần khi những cơ sở thu mua đồng nát có chứa vật liệu nổ hiện diện khắp nơi, ngay trong các khu dân cư đông đúc, có nguy cơ cháy nổ lớn, gây hậu quả nghiêm trọng bất cứ lúc nào.
Khoảng hơn 25 năm trước, ở quê tôi thuộc một tỉnh miền Trung, gần như cả làng sống bằng nghề đi nhặt bom, mìn về bán. Ban đầu, việc tìm kiếm hoàn toàn bằng thủ công song vật liệu nổ sau chiến tranh quá nhiều nên ai cũng trúng lớn. Cả “núi” bom được khiêng về chất đầy sân, còn mìn và lựu đạn, bom bi, pháo… thì vô số. Trước khi bán sắt vụn cho các vựa đồng nát, họ tổ chức cưa bom để lấy thuốc nổ đem bán. Và thỉnh thoảng, nghe “đùng, đoàng”, tiếp đó là tiếng trống, tiếng chiêng đưa tang ai oán. Về sau, vật liệu nổ ít dần, người dân sắm máy dò tín hiệu kim loại. Rất nhiều khi mỗi nhát cuốc bổ xuống là một/vài người đi không về hoặc tàn phế suốt đời. Mất mạng liên miên vì đạn bom nhưng vì miếng cơm manh áo, họ phó thác số phận cho sự rủi may.
Ở hầu hết các địa phương tại Việt Nam đều có chuyện như thế. Số người chết và tàn tật bởi bom mìn thời hậu chiến đếm không xuể.
Và hoạt động tìm kiếm, vận chuyển, mua bán phế liệu, trong đó có bom, mìn… tồn tại mãi đến bây giờ, dù bị cấm đoán. Trái bom phát nổ ở Hà Đông hôm 19-3 là kết cục đương nhiên của tình trạng kể trên.
Có kinh doanh đồng nát ắt có thu mua vật liệu nổ, đó là thực tế ai cũng biết; các cơ quan chuyên môn như quân đội, công an, phòng cháy chữa cháy, môi trường ở địa phương hẳn nhiên nắm rõ. Vựa phế liệu của ông Phạm Văn Cường ở Hà Đông nằm trong một khu đô thị đông dân, các cơ quan chức năng địa phương không thể nói không hay biết. Bom nổ hôm 19-3 khi được ông Cường đưa ra trước nhà và dùng đèn khò cắt, vậy là rất có thể ông Cường từng cưa bom như vậy trước đó nhiều lần rồi.
“Tử thần” có mặt giữa thanh thiên bạch nhật tại nơi ở của cư dân, “tá túc” trong nhiều năm trời vậy mà chẳng ai lên tiếng, đến khi xảy ra thảm họa thì người chết chẳng sống lại được còn người sống thì đi tìm cá nhân chịu trách nhiệm, quá muộn màng!
Pháp luật hiện hành có nhiều quy định liên quan vật liệu nổ. Bên cạnh những điều khoản về xử lý hành chính trong một số nghị định, các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ đều bị truy tố theo Bộ Luật Hình sự.
Trong lúc đa phần người dân còn thiếu kiến thức về luật pháp thì các cơ quan hữu trách lại buông lỏng quản lý, để cho các cơ sở thu gom phế liệu “chung sống” với cư dân nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc. Nếu không thức tỉnh và mạnh tay xử lý tình trạng trên sau vụ nổ bom ở Hà Đông, những vụ đau lòng như vậy chắc chắn sẽ còn tái diễn.
Bình luận (0)