Con đường cách mạng của Hồ Chí Minh là một con đường sáng tạo, kế thừa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, vận dụng một cách xuất sắc những tinh hoa của phương Đông và phương Tây, tư tưởng dân chủ tư sản và chủ nghĩa Mác - Lênin. Con đường cứu nước Hồ Chí Minh không chỉ độc đáo từ cách tiếp cận mà còn thể hiện sinh động ở sự tiếp thu, chọn lọc giàu tính phản biện, đeo đuổi một khát vọng cháy bỏng là nước nhà được tự do, độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Con đường đó là kết quả của một hành trình kéo dài hơn 30 năm học hỏi, nghiên cứu, khảo sát thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (tháng 12-1920). Ảnh: TƯ LIỆU
Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh thể hiện tập trung ở 3 luận điểm sau:
Thứ nhất, Hồ Chí Minh tiếp thu một cách chọn lọc, có phê phán và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào con đường cứu nước.
Không như nhiều nhà cách mạng đương thời, mặc dù nhận thấy chủ nghĩa Mác - Lênin là cứu cánh, “đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”, nhưng Người tỉnh táo nhận ra ngay sự bất cập của chủ nghĩa Mác và đặt vấn đề: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.
Và Người cũng mạnh dạn phê phán học thuyết các hình thái kinh tế - xã hội của Mác, đề nghị: “Xem xét chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó”, và coi lại học thuyết đấu tranh giai cấp có thể áp dụng được ở phương Đông hay không? Người khẳng định đối với phương Đông: “Cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”. Đây không phải là vấn đề “xét lại” như trong lịch sử phong trào công nhân và cuộc đấu tranh “xét lại” của một số nước trong phe xã hội chủ nghĩa trước đây. “Xét lại” của Hồ Chí Minh là “củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”.
Trên cơ sở tiếp thu một cách chọn lọc, có phê phán, Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đưa ra 3 vấn đề mới: Coi lại vấn đề đấu tranh giai cấp ở các thuộc địa, như Việt Nam; khẳng định vai trò vị trí của cách mạng thuộc địa; coi chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn.
Đây là những luận điểm khác biệt với quan điểm của Quốc tế Cộng sản và nhiều lãnh tụ cộng sản đương thời. Điều này lý giải những khó khăn, thách thức mà Người phải đối mặt suốt từ năm 1924 đến 1941.
Thứ hai, con đường cứu nước Hồ Chí Minh là con đường phát huy chủ nghĩa dân tộc.
Có thể khẳng định ngay từ đầu con đường cứu nước Hồ Chí Minh bắt nguồn từ sự giáo dục, truyền thống gia đình, quê hương, đất nước. Con đường cứu nước Hồ Chí Minh là sự kế thừa những tinh hoa của Việt Nam và nhân loại, trong đó có phần cực kỳ quan trọng là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Tuy nhiên, giữa lý thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin với hiện thực xã hội Việt Nam bao giờ cũng có một khoảng cách, thậm chí là một khoảng cách lớn. Hồ Chí Minh “san lấp” khoảng cách ấy bằng một luận điểm hết sức mới mẻ đối với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, khi coi chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn.
Người đã xây dựng con đường cứu nước của mình trên căn bản là lấy chủ nghĩa dân tộc làm động lực chính và kiên trì với sự lựa chọn ấy. Khi thời cơ đến, Người đã phát huy ngay, phát huy chủ nghĩa dân tộc nhằm thực hiện khát vọng cứu nước, cứu dân: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Thứ ba, con đường cứu nước Hồ Chí Minh là một phương pháp, một triết lý, một đạo lý Việt Nam.
Đạo lý đó là “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”; vì đạo lý này mà Người hy sinh cả những năm tháng sôi động của tuổi trẻ, quên hết cả những hạnh phúc đơn giản bản thân của mình, “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Sự hy sinh của Người không phải từ lời nói mà bằng chính hành động, chính cuộc đời của Người.
Để hiểu rõ những tư tưởng, con đường cứu nước Hồ Chí Minh, hãy nhìn từ thực tiễn, nhìn từ hành động cụ thể của Người. Năm 1941, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người quyết liệt trong hành động, tập trung lãnh đạo thay đổi chiến lược cách mạng Việt Nam bằng một “trái tim rực cháy” và bằng một sự tỉnh táo, khôn ngoan của “một cái đầu lạnh”, theo con đường mà Người đã vạch ra trong những năm 20 - thế kỷ XX - với đường lối giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, thành lập một chính phủ theo thể chế: Dân chủ Cộng hòa.
Con đường cứu nước sáng tạo
Những luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh làm cho đường lối cứu nước của Người trở thành một con đường, một hệ tư tưởng độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Một con đường cuốn hút cả cuộc đời với bao sóng gió, gian nan, tôi luyện tạo nên một bậc vĩ nhân của thời đại - Hồ Chí Minh - với một đức bao dung rộng lớn, suốt cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, phồn vinh của dân tộc, đất nước. Con đường cứu nước của Người đã để lại cho hậu thế nhiều bài học sâu sắc về một lộ trình phát triển theo mục tiêu dân giàu nước mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. |
Bình luận (0)