Trí thức, nhà khoa học lên tiếng trên diễn đàn báo chí phổ thông là điều không thường thấy ở các nước phát triển. Lý do là trong điều kiện các chức năng xã hội, nghề nghiệp được xác định rõ ràng, chặt chẽ thì người nào, việc nấy. Trí thức, nhà khoa học được cho là có ích cho xã hội chủ yếu nhờ hoạt động chuyên môn, bởi vậy, chỉ nên tập trung thì giờ, công sức, chất xám cho thiên chức của mình. Còn viết báo được nhìn nhận là công việc của người làm báo chuyên nghiệp.
Việt Nam, không chỉ có nhà báo mới viết báo. Diễn đàn phổ thông luôn dành không gian thích hợp để ghi nhận suy nghĩ, chính kiến của mọi người, thuộc mọi tầng lớp, về mọi vấn đề lớn hay nhỏ thu hút sự quan tâm của xã hội, cộng đồng, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đến luật pháp, kỹ thuật, nghệ thuật, khoa học.
Nhiều trí thức, nhà khoa học được biết đến nhờ những bài viết đăng tải trên báo phổ thông xoay quanh những câu chuyện thời sự, những chủ đề nóng hổi. Rất nhiều bài viết chứa đựng những phân tích có chiều sâu và những thông điệp nhân văn cổ vũ cho cái hay, điều tốt, có sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng tích cực về nhiều phương diện.
Mấy năm nay, người ta thường nói về vai trò phản biện của trí thức, nhà khoa học đối với chính sách, luật pháp. Có kiến thức chuyên môn, đồng thời là công dân, trực tiếp chịu sự tác động của chính sách, luật pháp, trí thức, nhà khoa học có thể lên tiếng bằng những ý kiến có chất lượng. Những ý kiến ấy có thể đánh động sự quan tâm của người hoạch định chính sách, người làm luật trong khuôn khổ hoàn thiện chính sách, luật pháp phù hợp với ý nguyện của người dân. Không khó để tìm ra những ví dụ về kết quả tích cực của sự phê phán mang tính xây dựng của xã hội, cộng đồng, nhất là của trí thức, nhà khoa học trên mặt báo: việc rút đăng cai ASIAD năm 2019; quy định trong Hiến pháp và Luật Đất đai, đòi hỏi việc thu hồi đất trong mọi trường hợp phải vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc hủy bỏ quy định xử phạt người đi xe không chính chủ…
Sự hiểu biết sâu rộng còn cho phép trí thức, nhà khoa học nhìn nhận cuộc sống đời thường qua lăng kính khoa học, văn hóa; phát hiện, chỉ rõ những thói hư, tật xấu cần bài trừ, những biểu hiện tiêu cực trong tính cách, ứng xử của con người Việt trong quan hệ xã hội cần loại bỏ, từ đó góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh, văn minh. Những loạt bài về hành vi hôi của đáng xấu hổ xảy ra khi xe chở hàng gặp nạn trên đường công cộng; xử tử người trộm chó theo luật nguyên sơ; nạn xả rác bừa bãi, nạn ăn uống như sắp chết đói tại các tiệc buffet cả khi ở trong nước và khi đi ra nước ngoài… là những minh chứng tiêu biểu.
Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc có hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trí thức, nhà khoa học đã và đang đóng vai trò chiến sĩ trên mặt trận đấu lý, góp phần khẳng định lẽ phải trong cuộc đấu tranh thuộc về quốc gia, dân tộc trước cộng đồng quốc tế.
Thật ra, nỗ lực cống hiến của trí thức, nhà khoa học, nói chung của cộng đồng, qua phương tiện báo chí phổ thông, không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả mong muốn. Nhiều vấn đề nổi cộm, như chống tham nhũng, bảo vệ người tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường… vẫn tiếp tục tỏ ra là chuyện gai góc, gây bức xúc. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội vẫn đang loay hoay tìm lời giải tốt nhất cho bài toán xây dựng, phát triển, không thể phủ nhận sự cần thiết của những tiếng nói phản biện mạnh mẽ, quyết liệt và tâm huyết từ phía người dân, bao gồm trí thức, nhà khoa học.
Tăng cường tiếng nói trí thức
Trong một nước đang phát triển, xã hội phải huy động tối đa mọi nguồn lực cho công cuộc xây dựng trong mọi lĩnh vực. Bởi vậy, phạm vi dấn thân của trí thức, nhà khoa học cần được xác định rộng hơn khuôn khổ hoạt động khoa học thuần túy. Với khả năng nhào nặn kiến thức và vốn sống để tạo ra những công cụ phân tích sắc bén, trí thức, nhà khoa học cũng có ích cho xã hội bằng những bài viết, bài trả lời phỏng vấn trên báo chí phổ thông.
Bình luận (0)