Chiều 31-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở tổ về 2 dự án: Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng nếu các vụ việc, kiến nghị của người dân không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì sẽ dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Để giải quyết tình trạng này, người đứng đầu cơ quan phải có trách nhiệm bố trí, sắp xếp thời gian trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân và hẹn rõ thời gian trả lời thắc mắc. Dự án Luật Tiếp công dân cần ghi rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân. "Nếu cán bộ nào không trực tiếp sắp xếp thời gian tiếp công dân thì nên có hình thức kỷ luật hoặc cho thôi chức" - ông Nhiên kiến nghị.
Đồng ý nên có Luật Tiếp công dân song đa số ĐB không hài lòng với dự thảo được trình QH. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nhận xét: "Dự thảo rất sơ sài, trang nào cũng phải sửa. Nhiều khái niệm đưa ra không chuẩn xác...". ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) bày tỏ thất vọng: "Chúng tôi rất kỳ vọng dự luật này nhưng đọc chỉ thấy ngỡ ngàng về sự bất hợp lý, thiếu đồng bộ. Nhìn chung, các quy định chưa tạo ra được điểm gì đột phá, khó có thể khắc phục những hạn chế trong việc tiếp dân hiện nay chứ chưa nói tới hy vọng làm cho công tác này tốt hơn...". ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nói thẳng: "Càng đọc càng chán! Nếu cần thì nên hoãn lại, không vội trình ra QH".
Bàn luận đến vấn đề ăn uống hằng ngày của người dân, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cảnh báo: Theo số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, cứ 4 người sử dụng thuốc thì có 1 người vi phạm, trong đó sử dụng không đúng kỹ thuật, nồng độ chiếm 70-80%; không sử dụng bảo hộ lao động, vứt thuốc bừa bãi là 21%... "Thực tế, nhiều nông dân trồng rau nhưng không sử dụng rau mình trồng mà phải trồng riêng một khu cho cả nhà ăn" - ĐB Thùy Trang dẫn chứng.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cảnh báo thêm: Nhiều loại trái cây khác, nếu đẹp thì đa số đều do hóa chất hết, đây là mối họa về sức khỏe cả một dân tộc. Vì vậy, cần có chế tài nghiêm về sử dụng hóa chất tác động đến thực vật gây hại cho con người" - ông Lịch kiến nghị.
Cùng ngày, QH nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải cơ sở. Đa số ĐB cho rằng sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh Hòa giải, tỉ lệ hòa giải đạt cao nên cần thiết ban hành luật để công tác này ở cơ sở có kết quả hơn.
Bình luận (0)