Hội nghị lần thứ X Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội sáng 5-1. Chủ trì hội nghị và phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nêu một số vấn đề để trung ương tập trung nghiên cứu, thảo luận.
Thảo luận, cho ý kiến nhiều vấn đề hệ trọng
Tại hội nghị lần này, BCH Trung ương sẽ thảo luận, thông qua các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng gửi đại hội Đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến; cho ý kiến về một số báo cáo, đề án để Bộ Chính trị tiếp thu, chỉ đạo hoàn thiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện.
Về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của đại hội. Trung ương cần nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến vào toàn văn dự thảo báo cáo; tập trung vào các đề xuất, kiến nghị cụ thể nêu trong tờ trình. Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá; từ đó khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nhằm xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Báo cáo kinh tế - xã hội là một báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới… Đề nghị trung ương căn cứ vào thực tế đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay và kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình và những kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 đề ra tại Đại hội XI và được điều chỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ”.
Tổng Bí thư yêu cầu báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực. Trong đó, chú ý các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, những cơ chế, chính sách, biện pháp mới có tính đột phá, khả thi cao, đóng góp thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi lên; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tổng Bí thư đề nghị trung ương dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến để Bộ Chính trị tiếp thu, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới (1986-2016), làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Toàn quốc lần thứ XII của Đảng; nghiên cứu báo cáo kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho ý kiến nhận xét, đánh giá về những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo năm 2014 và chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm cần lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2015.
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao vững mạnh
Tổng Bí thư yêu cầu trung ương cho ý kiến cụ thể về các nội dung, vấn đề nêu trong Đề án Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú ý các đề xuất mới về quan điểm, cơ chế, chính sách, biện pháp có tính đột phá đối với tổ chức bộ máy và cán bộ của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Tổng Bí thư nêu rõ: Tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của BCH Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm thăm dò tín nhiệm. Qua đó, giúp các vị được lấy phiếu tín nhiệm tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ về các mặt và tinh thần trách nhiệm trong công tác; đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.
Tại hội nghị lần này, BCH Trung ương cũng sẽ cho ý kiến về việc tiếp tục xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư...
“Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Toàn quốc lần thứ XII của Đảng” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 12-1.
Định hướng quy hoạch, phát triển báo chí
Tổng Bí thư yêu cầu cần tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển, quản lý báo chí đến năm 2025.
Theo Tổng Bí thư, cần đánh giá đúng kết quả, thành tích đã đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những vấn đề đang nổi cộm cần tiếp tục đổi mới, khắc phục trong tổ chức, hoạt động, phát triển và quản lý của hệ thống báo chí nước ta hiện nay; đồng thời dự báo thật sát xu thế sắp tới, từ đó xác định đúng đắn các quan điểm, mục tiêu, định hướng quy hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện thắng lợi quy hoạch.
Bình luận (0)