Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chi ngân sách hiện nay còn lãng phí ở nhiều lĩnh vực. Do đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát lại toàn bộ dự toán ngân sách 2014 trên tinh thần kiên quyết tiết kiệm chi tiêu.
Giảm chi tiếp khách, hội nghị...
Theo Bộ Tài chính, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN). Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp để tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013 (khoảng 3.100 tỉ đồng). Cắt giảm dự toán chi, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với số vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên đến ngày 30-6-2013 chưa phân bổ hoặc phân bổ, sử dụng không đúng quy định. Tổng số kinh phí cắt giảm, giãn chi thực hiện trong năm 2013 khoảng 22.700 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương khoảng 13.700 tỉ đồng, ngân sách địa phương khoảng 9.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, bội chi ngân sách vẫn cao. Năm 2011 bội chi ngân sách là 4,9% GDP, năm 2012 giảm còn 4,8% GDP. Nhưng năm 2013 do điều kiện thu ngân sách khó khăn nên đã phải điều chỉnh từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Năm 2014, Bộ Tài chính dự toán chi NSNN 1.006.700 tỉ đồng, tăng 28.700 tỉ đồng (2,9%) so với dự toán năm 2013. Nhưng trong đó phải dành khoảng 54.000 tỉ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỉ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỉ đồng...) nên thực chất dự toán chi giảm 25.300 tỉ đồng so với dự toán năm 2013, rất thấp so với nhu cầu chi của năm 2014, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm.
Để cân đối, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2014 chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Theo đó, sẽ tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bố trí chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn lại (sau khi bảo đảm tiền lương, chính sách chế độ cho con người) tiếp tục thực hiện cắt giảm 10% so với dự toán năm 2013. Riêng kinh phí của các bộ, ngành thuộc hệ thống ngân sách trung ương sẽ được Bộ Tài chính cắt ngay từ nguồn. Để thực hành tiết kiệm, năm 2014 cơ bản không tăng biên chế. Các khoản chi hội nghị, khởi công, khánh thành, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... chỉ được bố trí tối đa khoảng 70% so với năm 2013.
Dừng sắm xe công để tiết kiệm 500 tỉ đồng
Bộ Tài chính cho biết năm 2013 đã cắt giảm đáng kể chi phí về mua sắm xe công. Cụ thể trong 7 tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành địa phương cắt giảm, lùi thời hạn mua sắm xe công. Trường hợp kinh phí mua ô tô đã bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2013, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc cắt giảm hoặc lùi thời gian mua sắm đối với những trường hợp chưa thực sự cấp thiết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp thực sự cấp thiết, tiền mua tài sản công chỉ được lấy từ nguồn dự toán chi NSNN năm 2013 còn lại, sau khi đã tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Bộ Tài chính không bổ sung nguồn kinh phí ngoài dự toán để mua ô tô (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật).
Với năm 2014, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dừng mua xe công. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chủ trương này sẽ tiết kiệm khoảng 500 tỉ đồng/năm vì trung bình có từ 300 đến 600 xe công được mua mới mỗi năm.
Cả nước có 34.565 xe công
Tính đến nay cả nước có 34.565 xe công, với giá trị tính nguyên giá là 18.251 tỉ đồng. Riêng năm 2012, số ô tô công tăng 2.391 chiếc, với tổng giá trị 2.756 tỉ đồng. Nguyên nhân tăng xe công là do thay thế số xe đã sử dụng vượt quá thời gian quy định (trên 10 năm) và bố trí cho một số chức danh có tiêu chuẩn, mới được bổ nhiệm nhưng chưa có ô tô phục vụ công tác do phải tạm dừng mua sắm trong năm 2011 theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
ÔNG PHAN ĐĂNG LONG, PHÓ TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY HÀ NỘI:
Cắt giảm 30% chi thường xuyên
Năm vừa rồi Hà Nội vượt thu 0,3% là đã rất cố gắng do sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế, xử lý với các doanh nghiệp (DN) chây ì thuế. Nhưng khách quan mà nói, thực tế các DN đang rất khó khăn.
Năm 2014, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp đã đạt được hiệu quả từ năm trước nhằm tiết kiệm chi tiêu, dồn lực gỡ khó cho các DN trên địa bàn Thủ đô. Thứ nhất: giảm 30% mức chi thường xuyên đối với các cơ quan công quyền, hành chính nhà nước. Phương thức áp dụng là khoán chi, giao mức chi cho phép để các cơ quan tự cân đối, chỉ được chi trong giới hạn cho phép.
Thứ 2: Thành phố sẽ quan tâm hơn đến vấn đề chọn lọc đầu tư. Chỉ đầu tư vào các dự án cần thiết, chắc chắn có hiệu quả; những dự án trì trệ, không cần thiết thì tạm thời dừng lại; không đầu tư vào những dự án phát sinh, bổ sung, trừ dự án thực sự quan trọng, không thể không chi.
Thứ 3: Ngay cả việc đi công tác nước ngoài gây lãng phí thì TP cũng có chủ trương hạn chế, cắt giảm hầu hết các đoàn đi công tác đã lên kế hoạch từ trước, những đoàn được chấp thuận đi thì cũng sẽ xem xét cắt giảm số người, hạn chế tối đa chi phí và rút ngắn thời gian nhiều nhất có thể. Thậm chí, những chương trình giao lưu văn hóa với thế giới cũng sẽ xem xét dừng lại để giảm chi tiêu.
Thứ 4: Các cuộc giao ban, hội họp sẽ được hạn chế, thay bằng hình thức giao ban, tổng kết trực tuyến để giảm bớt chi phí đi lại cho các lãnh đạo quận, huyện xa; giảm bớt chi phí tổ chức, ăn uống…
ÔNG VĂN HỮU CHIẾN, CHỦ TỊCH UBND TP ĐÀ NẴNG:
Dồn lực cho doanh nghiệp
Đà Nẵng chọn năm 2014 là “năm doanh nghiệp (DN)” nhằm khẳng định vị trí, vai trò của cộng đồng DN trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố, động viên DN chung tay góp sức vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ đó tạo ra động lực mới, cơ hội mới cho cộng đồng DN phát triển bền vững.
Vì vậy, năm 2014, Đà Nẵng sẽ triển khai quyết liệt nhiều biện pháp tiết kiệm, như thực hiện thu đến đâu chi đến đó. Chủ động cắt giảm hoặc giãn, hoãn những nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, cấp bách. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp giúp các DN phát triển. Trong đó, tập trung hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh thông qua hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2014. Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính công, nâng cao hiệu quả việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí.
Th.Dương - H. Dũng ghi
Bình luận (0)