“Bởi ít chữ, sức khỏe ở tuổi xế chiều, khó tìm việc làm nên chúng tôi đã đến đây và gắn bó với nghề. Tiền kiếm không nhiều, mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, vậy mà hầu hết đều gắn bó 10 năm” - “tiều phu” Võ Thị Châu (48 tuổi) chia sẻ.
Nhọc nhằn mưu sinh
Sáng sớm, khi những chiếc xe của Công ty Công viên Cây xanh TP HCM còn mải miết thu gom những cành cây được chặt bỏ trên địa bàn TP thì những “tiều phu” đã có mặt tại bãi tập kết của Vườn ươm cây xanh (ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) thuộc Công ty Công viên Cây xanh. Sau những đống củi cao ngút đầu, bà Hồ Thị Tho (54 tuổi) đang lui cui dọn dẹp, sắp xếp gọn gàng những cành cây đã nhặt được hôm trước.
“Đây là thành quả gần nửa tháng của tôi, chắc cũng được một xe máy cày” - bà Tho nói. Đưa bàn tay chai sạn quệt mồ hôi chảy dài trên trán, bà cho biết làm nghề này được 10 năm. Lúc đầu, bà chỉ ra đây mót củi về sử dụng nhưng sau thấy nhiều quá nên đến các tiệm hủ tiếu, lò bánh mì mời mua. “Hỏi 4 chỗ thì có 1 chỗ gật đầu, vậy là tôi gắn bó với nghề” - bà Tho kể.
Các “tiều phu” tranh thủ nhặt cành cây còn sót lại giữa trời nắng gắt và phút thư giãn của họ bên “chiến lợi phẩm”
Gần đó, các “tiều phu” khác cũng tranh thủ tỉa cành, sắp xếp lại đống củi của mình. 10 giờ, nghe tiếng động cơ xe, nhiều người mừng rỡ quay ra nhìn nhưng thất vọng khi xe chở toàn lá cây. Đến 11 giờ, chiếc xe khác vào bãi, lần này tài xế hô to “có củi nè, chuẩn bị nhé”. Xe vừa đổ những cành cây xuống hố, các “tiều phu” liền chạy ào đến. Mặc cho cái nắng chói chang như thiêu đốt, họ vẫn phơi lưng làm việc miệt mài, nhiều chỗ củi bị vùi lấp trong đống lá, các “tiều phu”phải hò nhau kéo.
Mất gần một giờ nhưng thành quả của mỗi người chỉ hơn chục cành cây to, nhỏ; họ lặng lẽ kéo lê chúng vô bãi của mình để vài tuần có mối lái đến thu mua. “Mỗi xe máy cày củi có giá 700.000 đồng. Một người lượm giỏi lắm được hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Tháng nào ít củi thì vài trăm ngàn, sợ nhất là tháng mưa, củi nhiều nhưng người mua thì ít” - bà Phan Thị Kim Nga (45 tuổi) cho biết.
Trong số các “tiều phu” này, cụ Nguyễn Thị Ra (70 tuổi) khiến chúng tôi khâm phục khi một mình làm hết những việc nặng nhọc không thua kém các đồng nghiệp trẻ hơn. Tay chặt củi, miệng nhai trầu bỏm bẻm, cụ Ra cho biết có thâm niên hơn 10 năm mót củi ở đây, lúc trước khỏe nên nhặt cả cành cây to nhưng giờ sức có hạn, chỉ nhặt cành nhỏ. “Đã 70 rồi sao cụ không nghỉ ngơi?” - chúng tôi hỏi. Cụ chỉ cười: “Làm riết rồi thành cái nghiệp. Tôi có cháu cố rồi, con cái đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định. Chúng nó kêu nghỉ nhưng ở nhà một ngày là tôi chịu không nổi”.
Đến 17 giờ, do làm việc dưới trời nắng gắt, các “tiều phu” mệt lừ, mặt ai cũng đỏ au...
Tổ hợp yêu thương
Những ngày ghé thăm các “tiều phu”, chúng tôi nghe mọi người nói vui rằng làm nghề này ai cũng khô quắt như cây củi nhưng đặc biệt tình cảm thì không khô khan dù cũng có những lúc tranh giành “miếng cơm” khốc liệt.
“Khi xe đổ củi xuống, mọi người lao vào nhặt, cũng giành giật, thậm chí lớn tiếng cãi vã rồi giận nhau. Tuy nhiên, khi xong việc là mọi người quên hết, ngồi bên nhau uống trà, nói chuyện. Hôm nào 1 trong 7 người không đến thì số còn lại thay nhau thăm hỏi để biết tình hình. “Hai bữa nay, chị Hồng (50 tuổi) không đến thì chúng tôi biết ngay là bả đau lưng vì gai cột sống. Còn tuần trước, dì Ra nghỉ mấy hôm vì mê bán bánh ít ở cầu Rạch Tra” - chị Châu nói.
Được coi như “lão làng” ở bãi củi này, cụ Ra tâm sự: “Ai tìm đến đây cũng có hoàn cảnh khó khăn và muốn kiếm tiền để nuôi gia đình. Chưa kể, 7 chúng tôi đều là người cùng một xã nên càng phải thương nhau”.
Không chỉ vậy, những tài xế chở cây từ TP về, chứng kiến cảnh lam lũ của các “tiều phu” nên cũng góp sức giúp họ. Các anh chỉ cho các “tiều phu” biết chỗ nào củi nhiều để khỏi mất công đào bới. Có hôm thấy hố sình lầy, các tài xế lái xe đến chỗ khô ráo để các “tiều phu” dễ “tác nghiệp”. Cả người thu mua củi như anh Võ Văn Mến cũng vì trân trọng sự lao động của các “tiều phu” nên không bao giờ ép giá.
“Tôi xuất thân cũng làm nghề như họ nên rất thấm thía nỗi vất vả. Vì vậy, cứ đầu năm là tôi tự lên giá củi cho họ rồi nói chuyện với khách hàng sau. Năm trước, một xe máy cày củi giá 600.000 đồng thì năm nay lên 700.000 đồng, qua Tết tôi lại lên 800.000 đồng” - anh Mến bộc bạch.
Những giấc mơ dang dở
Nghề vất vả, thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng/tháng nhưng khi đã gắn bó với nó thì ngoài chuyện kiếm vài đồng mua gạo, mua rau, không ít người đã nuôi những giấc mơ cho con cái được ăn học thành tài. “Tiều phu” Hồ Thị Tho cùng chồng làm nghề phụ hồ, đã nuôi con gái học đến lớp 11. “Hy vọng con cái sẽ có tương lai tươi sáng hơn vợ chồng tôi vì cả hai đều nghèo khó, lại không biết chữ” - bà Tho mong ước.
Thế nhưng, cũng có những giấc mơ dang dở. Nhắc đến chuyện học của cô con gái duy nhất, bà Châu buồn bã: “Cách đây 4 năm, cháu thi rớt đại học và đã đi làm. Dù rất tiếc nhưng tôi đành nhìn con bỏ lửng giấc mơ”.
Trong 7 “tiều phu”, chỉ có Phan Văn Lời (20 tuổi) là nam và nhỏ tuổi nhất. Do gia cảnh khó khăn, mẹ bán vé số, cha mất sức lao động nên năm lớp 6, Lời đã theo dì vào bãi mót củi. Năm 2012, Lời thi đậu vào Khoa Vật lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nhưng học được 1 năm thì bỏ vì hoàn cảnh khó khăn. Hôm chúng tôi đến, Lời khoe: “Tháng này em bán được hơn 1,5 triệu đồng, đủ tiền phụ mẹ mua gạo, đồ ăn”. Hỏi về chuyện học hành, Lời thành thật cho biết năm nay, ngành giáo dục đổi cách thức thi nên chẳng biết em có tham gia được không.
Bình luận (0)