20 năm trở thành đô thị loại II, từ một thành phố có 200.000 dân, đến nay, Biên Hòa đã có hơn 1 triệu dân, kinh tế đang đà phát triển nhưng về mặt quy hoạch, kiến trúc thì không tạo được nét riêng. Thời gian gần đây, nhiều người, nhiều tổ chức đã lên tiếng để mong tìm một điểm nhấn cho thành phố, tạo dấu ấn trong lòng những người khi đến và đi qua vùng đất có bề dày truyền thống này.
Không có nét riêng
Gần đây, các quy hoạch tổng thể đã cho thấy một Biên Hòa phát triển với hình hài như thế nào đến năm 2030. Tuy nhiên, trong các quy hoạch chi tiết, nhiều nhà chuyên môn chỉ ra rằng hoàn toàn chỉ thấy dấu ấn của sự phát triển kinh tế chứ không tạo được nét đặc biệt nào. Theo dự tính, đến năm 2015, TP Biên Hòa sẽ được nâng lên đô thị loại I, cùng với thị xã Long Khánh, Nhơn Trạch (đô thị loại 3) và Long Thành, Trảng Bom (đô thị loại 4) sẽ trở thành hệ thống đô thị gắn kết, tạo động lực phát triển cho vùng đất Đồng Nai. Trong thời gian này, cơ cấu kinh tế cũng như quy hoạch đô thị Biên Hòa sẽ dịch chuyển khi KCN Biên Hòa 2 (KCN lâu đời nhất Việt Nam) được di dời, khu trung tâm hành chính tỉnh dự tính xây dựng ở xã Tam Phước, phía Đông Bắc TP Biên Hòa và các dự án trung tâm thương mại, cải tạo cảnh quan đô thị cũng sẽ thực hiện dọc theo sông Đồng Nai. Thế nhưng, giới chuyên môn cũng như người dân địa phương tỏ ra thất vọng vì thành phố quê hương đến nay và cả trong tương lai gần vẫn chưa thể có được một nét chấm phá nào để thật sự ghi dấu ấn mà theo họ là do thiếu tầm nhìn về mặt kiến trúc, quy hoạch.
Người dân địa phương cho rằng hiện tại Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử và danh thắng không kém sức thu hút. Chẳng hạn như dòng sông Đồng Nai hiền hòa, cầu Ghềnh thấp thoáng nét xưa, Cù lao Phố đầy hoài niệm… Nếu có sự quan tâm kết hợp hài hòa thì những danh thắng của đất Đồng Nai hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn. Thế nhưng, dòng sông hiền hòa ấy hiện đang đối mặt với sự tàn phá của cát tặc, quy hoạch bến bãi lộn xộn; cầu Ghềnh đứng lạc lõng giữa những cây cầu mới xây đồ sộ, khô cứng và Cù lao Phố dường như cũng bị lãng quên. Thêm vào đó là việc dân số cơ học tăng quá nhanh, hệ thống giao thông, nhà cửa mọc lên không theo quy củ nào khiến thành phố đã phát triển lộn xộn lại càng thêm rối rắm.
“Dân số tăng nhanh, người lao động tạm cư cũng quá nhiều nên mặc dù được Bộ Xây dựng và các ngành hữu quan quan tâm về mặt quy hoạch nhưng hiện việc “sắp đặt” lại TP Biên Hòa vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi nhiều người dân cảm thấy buồn vì thành phố không có nét riêng, rất nhạt nhòa…” - một cán bộ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai nói.
Tập trung vào cầu An Hảo
Trước thực trạng trên, gần đây, nhiều người đã đưa ra ý kiến nên tập trung vào cầu An Hảo, dự án sắp được thực hiện vào cuối năm 2014 để có thể tạo nên một “điểm nhấn” cho vùng đất Biên Hòa. Cầu An Hảo nối từ cù lao Hiệp Hòa, nằm trên sông Đồng Nai, sang KCN Biên Hòa 1 hiện tại, đáp ứng về mặt giải phóng giao thông và cũng là công trình kết nối trung tâm thành phố với một vùng nông thôn yên bình. Cầu An Hảo có tổng chiều dài khoảng 2 km, rộng hơn 30 m, dự tính được đầu tư khoảng 1.300-1.500 tỉ đồng. Hiện các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang có ý tưởng tổ chức cuộc thi thiết kế bản vẽ cầu này. Theo đó, cầu có thể xây theo các phương án là đúc bê tông gồm 2 cầu song song hoặc cầu dây văng. Trong đó, phương án xây cầu dây văng hứa hẹn sẽ có được một công trình đẹp. Tuy nhiên, phương án này được dự báo là sẽ tốn rất nhiều tiền.
Theo ông Lê Quang Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, hiện các phương án đang trong giai đoạn xem xét, đánh giá nhưng chắc chắn dự án này sẽ được quan tâm. “Công trình sẽ đẹp, chất lượng theo tiêu chí quốc tế và phù hợp với văn hóa địa phương, có thể coi đây là bước đầu tiên địa phương quan tâm đến việc tìm điểm nhấn cho thành phố bên cạnh sự quan tâm phát triển kinh tế” - ông Bình nói.
Ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho rằng địa thế xây cầu An Hảo là rất đẹp, do đó nếu xây một cây cầu bình thường sẽ uổng phí, mất đi cơ hội tạo điểm nhấn cho TP Biên Hòa.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Mạnh Dũng, bày tỏ: “Việc tìm điểm nhấn cho Biên Hòa vào lúc này, ngay trong đầu thời kỳ phát triển là cần thiết để giữ được nét văn hóa nền tảng, đồng thời ghi dấu cho thời kỳ phát triển. “Nhất thiết phải tìm nét riêng cho Biên Hòa nhưng chúng ta cũng phải cân nhắc vì mỗi vùng miền có nét văn hóa và phát triển riêng. Tuy nhiên, nếu một thành phố không có điểm nhấn, không làm bật lên được bản sắc vốn có của mình, không ghi lại chút dấu ấn nào trong lòng người thì cũng thật là buồn, chúng tôi gọi đó là thành phố “vô tính”… - ông Dũng tâm tư.
Cơ quan hữu quan quan tâm
Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia vừa hoàn thành chương trình nghiên cứu, kế hoạch phát triển và nâng cấp hệ thống đô thị Đồng Nai trong 2 giai đoạn từ nay đến năm 2020 và từ năm 2020 đến 2030. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, chương trình này cũng sẽ được địa phương nghiên cứu, tham khảo trước khi áp dụng để vận dụng linh hoạt với các quy hoạch phát triển của địa phương.
Bình luận (0)